19/01/2025 lúc 22:16 (GMT+7)
Breaking News

Hạn chế mâu thuẫn giữa các văn bản quy phạm pháp luật

Tình trạng các cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm xảy ra do nhiều nguyên nhân và một trong những nguyên nhân cơ bản là sự chồng chéo, mâu thuẫn, thậm chí xung đột lẫn nhau giữa các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL).

Nếu Luật Đất đai khẳng định có thể sử dụng một số khoản thu để cải tạo đất, mà Luật Ngân sách không cho phép làm điều đó, thì không có cán bộ, công chức nào dám quyết đáp và dám thúc đẩy công việc ở đây cả. Trong phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ năm của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (năm 2023 và năm 2024), nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ băn khoăn về tình trạng chồng chéo, xung đột lẫn nhau của các VBQPPL và đề nghị phải nhanh chóng khắc phục.

Tình trạng này quả thật không phải là mới nhưng tại sao mãi chưa khắc phục được? Các giải pháp đã được triển khai như tổng rà soát, áp đặt các quy chuẩn soạn thảo và ban hành các VBQPPL, tăng cường hoạt động thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội... có vẻ vẫn chưa mang lại kết quả mong muốn. Có lẽ cần nghĩ đến một giải pháp căn cơ hơn. Phải chăng là thành lập một cơ quan soạn thảo các VBQPPL chuyên nghiệp như nhiều nước trên thế giới?

Ở các nước như Anh, Úc, Canada..., tất cả các VBQPPL đều do duy nhất một cơ quan soạn thảo. Cơ quan này được gọi là Parliamentary Counsel hay có thể dịch ra tiếng Việt là Cục soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (đặt ở Bộ Tư pháp). Nếu nước ta cũng thành lập một cơ quan như vậy ở Bộ Tư pháp thì hoàn toàn có thể hạn chế được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các VBQPPL. Sau đây là những lý giải.

Trước hết, soạn thảo VBQPPL là một công việc rất khó và mang tính chuyên môn rất cao. Chỉ có một cơ quan với những chuyên gia về công việc này mới có thể bảo đảm được chất lượng của các văn bản. Tiêu chí chất lượng đầu tiên của một VBQPPL là không chồng chéo và mâu thuẫn với các VBQPPL khác.

Thứ hai, soạn thảo các VBQPPL ở một nơi, thì các chuẩn mực về kỹ thuật và câu chữ mới có thể nhất quán được. Sự nhất quán quán này cũng là điều kiện tiên quyết để tránh sự chồng chéo và mâu thuẫn. Soạn thảo văn bản ở nhiều nơi như chúng ta hiện nay, thì bảo đảm được sự nhất quán là rất khó khăn. Đó là chưa kể đến tình trạng các thuật ngữ pháp lý cũng bị sử dụng mỗi nơi mỗi kiểu.

Thứ ba, chỉ những nhà soạn thảo VBQPPL chuyên nghiệp mới biết cách rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật để phát hiện sự mâu thuẫn, xung đột và thiết kế văn bản một cách phù hợp. Dùng một luật để sửa nhiều luật là cách thiết kế văn bản quan trọng nhất ở đây. Khi một chính sách lập pháp mới được ban hành, thì có nghĩa là các chính sách lập pháp đang tồn tại mà xung đột với nó sẽ bắt buộc phải sửa đổi. Phần cuối của đạo luật mới vì vậy sẽ có các điều khoản quy định về việc sửa đổi tương ứng các chính sách có liên quan trong các đạo luật đang tồn tại. (Đây chính là trường hợp dùng một luật sửa nhiều luật theo quan niệm phổ quát của thế giới).

Ngoài ra, thành lập một cơ quan soạn thảo VBQPPL đặt tại Bộ Tư pháp sẽ giúp phân định mạch lạc giữa quy trình hoạch định chính sách lập pháp với quy trình soạn thảo văn bản. Quy trình hoạch định chính sách vẫn do các bộ chuyên môn thực hiện. Chỉ khi chính sách được Chính phủ chấp nhận, thì việc soạn thảo văn bản mới chính thức bắt đầu. Các bộ chuyên môn có thể cử một số chuyên gia giúp Cục soạn thảo văn bản hiểu chính xác chính sách đã được hoạch định để dịch chính sách thành pháp luật một cách chính xác. Chính sách là một chuyện, dịch chính sách thành mệnh lệnh hành động của pháp luật là một chuyện khác. Dùng các nhà hoạch định chính sách để dịch chính sách thành pháp luật là rất rủi ro. Đây cũng là lý do giải thích tại sao cách soạn thảo luật theo kiểu "vừa thiết kế, vừa thi công" như hiện nay làm cho chất lượng các VBQPPL là tương đối thấp.

Cuối cùng, soạn thảo các VBQPPL một cách tập trung tại Bộ Tư pháp còn giúp tiết kiệm về nhân lực. Cách soạn thảo phân tán tại mấy chục nơi như hiện nay chắc chắn cần nguồn nhân lực lớn hơn nhiều.

TS Nguyễn Sĩ Dũng 

...