Với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế đạt tiêu chuẩn có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, UBND thành phố Hải Phòng đã phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm được triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, thực hiện tại 217 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, 7 quận của thành phố Hải Phòng.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, chương trình mỗi xã một sản phẩm đặt ra mục tiêu phát triển, nâng cấp và hoàn thiện hồ sơ đánh giá phân hạng cho 335 sản phẩm OCOP. Cùng với đó, củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện nâng cấp lựa chọn phát triển và cơ cấu lại từ 50 - 100 tổ chức kinh tế là các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể.
Hơn nữa, tiếp tục hoàn thiện nâng cấp phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị cho ít nhất từ 150 - 200 sản phẩm có tiềm năng và khả năng thương mại. Đồng thời, hoàn thiện và phát triển sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao cho ít nhất năm sản phẩm.
Về công tác đào tạo nguồn nhân lực, Chương trình thực hiện rà soát kiện toàn lại hệ thống quản lý điều hành Chương trình OCOP từ thành phố đến quận, huyện, xã, phường, thị trấn; phấn đấu 100% cán bộ quản lý chương trình OCOP các cấp được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý điều hành; 100% các nhà quản lý của các doanh nghiệp, HTX, chủ độ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất kinh doanh.
Giai đoạn 2026 – 2030, Hải Phòng sẽ triển khai đánh giá lại các sản phẩm của giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm tiềm năng thuộc các nhóm sản phẩm OCOP. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ và phát triển mới các tổ chức kinh tế làm sản phẩm OCOP.
Cá mòi Làng Chài - một trong những sản phẩm OCOP của thành phố Hải Phòng
Mặt khác, tiến hành nghiên cứu Dự án Xây dựng hệ thống cửa hàng OCOP Mart theo hướng mỗi huyện có ít nhất một cửa hàng để trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Từ đó, đưa sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo vệ sinh ra thị trường.
Không những thế, Thành phố cũng sẽ thực hiện dự án hỗ trợ vốn vay phát triển sản phẩm OCOP thông qua ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ lãi suất thấp cho các tổ chức và các cá nhân trong sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, trang thiết bị hiện đại; hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện bao bì, tem nhãn, xây dựng trang Web, kiểm nghiệm chất lượng, truy xuất nguồn gốc và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm...
Đồng thời, áp dụng tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), tiêu chuẩn quy trình làm vệ sinh và thủ tục kiểm soát vệ sinh (SSOP), quy trình quản lý chất lượng (ISO) trong quản lý chất lượng sản phẩm. Hứa hẹn thời gian tới, Hải Phòng sẽ đưa những sản phẩm OCOP chất lượng đến gần hơn với người tiêu dùng.