23/11/2024 lúc 14:24 (GMT+7)
Breaking News

Hai nhà khoa học Việt nhận vốn đầu tư ‘khủng’ 17 tỷ từ Shark Tank

VNHNO - Nhà khoa học Nguyễn Thế Anh và Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng với sản phẩm Plasma - công nghệ mới trong nghành Y tế đã kêu gọi được 17 tỷ đồng tương đương với 10% số vốn công ty từ hai “cá mập” trong Shark Tank.

VNHNO - Nhà khoa học Nguyễn Thế Anh và Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng với sản phẩm Plasma - công nghệ mới trong nghành Y tế đã kêu gọi được 17 tỷ đồng tương đương với 10% số vốn công ty từ hai “cá mập” trong Shark Tank.

Mở đầu tập 7 trong  "Shark Tank Việt Nam - Thương vụ bạc tỷ”  là lời giới thiệu đầu tư đến từ hai nhà khoa học Nguyễn Thế Anh và TS. Đỗ Hoàng Tùng với sản phẩm Plasma - công nghệ mới giúp cho vết thương lành nhanh. Sản phẩm Plasma hiện đang thuộc sở hữu của Công ty Plasma Việt Nam, công ty thành lập từ năm 2015 với 4 nhà đồng sáng lập.

Nhà khoa học Nguyễn Thế Anh và TS. Đỗ Hoàng Tùng giới thiệu sản phẩm Plasma (Ảnh: internet)

Theo trình bày của hai nhà đồng sáng lập, khi việc điều trị vết thương bằng các thuốc kháng sinh đang dần trở lên lỗi thời, và hiện tượng “kháng thuốc” ngày càng phổ biến, công nghệ Plasma ra đời. Với khả năng tác động nhiệt độ thấp có thể diệt khuẩn và kích thích quá trình liền vết thương. Nhà đồng sáng lập của Plasma Đỗ Hoàng Tùng cũng chính là Tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam được bộ y tế công nhận sáng chế Plasma, anh cho biết sản phẩm này đã được Bộ Y tế cấp phép và đưa vào ứng dụng, có hàng ngàn căn bệnh đã được điều trị, đặc biệt là rất tốt cho sản phụ.

Thế Anh thành thật cho biết, hiện để quảng bá sản phẩm cũng như để các bệnh viện trải nghiệm tính năng thì hơn 70 sản phẩm của Plasma đang được gửi cho các viện dùng thử miễn phí, còn khoảng 30 máy đang tồn kho đợi bán. Shark Việt bất ngờ lên tiếng khuyên startup nên đuổi việc kế toán trưởng và trưởng phòng kinh doanh đi vì tồn kho nhiều quá và việc cho các bệnh viện dùng thử miễn phí là đường chết của doanh nghiệp. Vì trong kinh doanh thái độ khi được miễn phí quá nhiều người ta sẽ quen với việc đó, đến lúc mất tiền người dùng lại quay lưng. Nhưng nhà khoa học khẳng định, đây là thiết bị phục vụ cho việc cứu người, không thể có chuyện đó được.

Đồng quan điểm, Shark Hưng hài hước nhận xét: “E rằng các bạn làm kinh doanh thì nhân loại sẽ mất đi một nhà khoa học giỏi và sẽ có một nhà kinh doanh tồi”. Shark Hưng cho rằng nhà khoa học không giỏi làm kinh tế, mà nhà kinh tế thì không làm được nhà khoa học. Không phủ nhận ý kiến đó, Thế Anh mạnh dạn bày tỏ muốn nhận được sự giúp sức và liên kết từ các nhà đầu tư. Startup cũng bày tỏ tham vọng muốn doanh số năm nay đạt được từ 15 – 20 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính gần đây nhất được nhà khoa học Thế Anh chia sẻ, hiện Plasma đang lỗ 2.1 tỷ đồng. Vốn điều lệ 5 tỷ đồng nhưng vốn thực góp để hoạt động trong suốt 2.5 năm vừa qua lên đến 30 tỷ đồng. Nếu kêu gọi thành công 17 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần từ nhà đầu tư tại Shark Tank, Plasma sẽ tập trung chi phí bán hàng, quảng bá sản phẩm và nghiên cứu công nghệ mới. Sau khi nghe những số liệu trên Shark Dũng đã đưa ra nhận xét: “Mỗi năm anh tiêu từ 14 - 15 tỷ đồng, vậy thì 17 tỷ gọi được anh sẽ tiêu chỉ một năm”, nhưng Thế Anh bác bỏ điều này, nhà sáng lập khẳng định: “Plasma đã tát nước ra khỏi ao, giờ chỉ việc bắt cá”.

Sau khi Shark Phú hỏi vào vấn đề vốn chủ sở hữu và vốn vay, Thế Anh mới cho hay bốn nhà sáng lập chỉ góp 3 tỷ đồng, còn 27 tỷ đồng đi vay từ một nhà đầu tư khác. Vì vậy, nhanh chóng nhận định y tế không phải là lĩnh vực thế mạnh, Shark Linh và Shark Dũng là những người đầu tiên đưa ra lời từ chối. Còn lại Shark Phú đưa ra lời đề nghị tương đối chắc chắn, 17 tỷ đồng cho 30% cổ phần dưới dạng trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 10%/năm, sau 2 năm đạt KPI sẽ chuyển thành cổ phần.

Shark Hưng và Shark Việt quyết định cùng nhập cuộc với lời đề nghị đầu tư 17 tỷ cho 20% cổ phần, kèm điều kiện giải ngân trước 6 tỷ đồng, nếu đạt KPI sẽ tiếp tục giải ngân. Riêng Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng phải nắm giữ 51% cổ phần Plasma, và trong 3 năm các nhà sáng lập không được rút khỏi startup.

Không chấp nhận, nhà khoa học Thế Anh chỉ chấp nhận chia sẻ với các Shark 12% cổ phần, giải ngân trước 6 tỷ đồng và có quyền mua thêm 3% cổ phần với giá 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, yêu cầu này bất thành khi Shark Hưng quyết không nhún nhường, nhà đầu tư vẫn muốn giữ nguyên ý định ban đầu 17 tỷ đồng cho 20%, trong quyền biểu quyết 12% và cổ tức được chia 8%. Shark Hưng cho hay: “Tôi có chiến lược để các bạn có thể đi xa hơn rất nhiều, ứng dụng Plasma không chỉ có câu chuyện chữa bệnh này, mà Plasma có rất nhiều lĩnh vực mênh mông khác. Nếu các bạn nắm được Plasma – công nghệ của tương lai thì các bạn còn rất nhiều đất để dựng võ”.

Shark Việt cũng cho biết, ông đang đầu tư vào Bệnh viện Phương Đông, quy mô 1000 giường bệnh, có trường đại học, khu nghiên cứu khoa học, phẫu thuật thẩm mỹ… Nếu chấp nhận “bắt tay” với hai nhà đầu tư, Plasma sẽ được lợi nhiều hơn.

Cuối cùng, kết thúc viên mãn đã diễn ra với cái gật đầu của hai nhà đồng sáng lập Plasma Việt Nam.

Thành công khi kêu gọi được số vốn lớn từ hai “cá mập” (Ảnh: internet)