27/11/2024 lúc 05:34 (GMT+7)
Breaking News

Hải Dương: Lễ hội chùa Bạch Hào - nét đẹp văn hóa tâm linh

VNHN - Chùa Bạch Hào thuộc làng Hào Xá, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương là ngôi chùa có phong cảnh sông nước hữu tình xếp vào hàng độc đáo vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Lễ hội chùa Bạch Hào được tổ chức vào ngày mồng 5, 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội đầu tiên trong năm của tỉnh Hải Dương và cũng là lễ hội lớn của huyện Thanh Hà với nhiều trò chơi dân gian độc đáo.

VNHN - Chùa Bạch Hào thuộc làng Hào Xá, xã Thanh Xá, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương là ngôi chùa có phong cảnh sông nước hữu tình xếp vào hàng độc đáo vùng Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Lễ hội chùa Bạch Hào được tổ chức vào ngày mồng 5, 6 tháng Giêng âm lịch hằng năm. Đây là lễ hội đầu tiên trong năm của tỉnh Hải Dương và cũng là lễ hội lớn của huyện Thanh Hà với nhiều trò chơi dân gian độc đáo.

Ngôi chùa cổ

Ngôi chùa có tên chữ là Bạch Hào cổ thiền tự, chùa được xây dựng vào thời nhà Lý theo ngọc phả để lại. Ngoài thờ Phật, chùa còn thờ tam tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông và 3 vị cư sĩ là Nguyễn Danh Nguyên, Nguyễn Danh Quang và Lý Đình Khuê, ba ông có công đánh giặc Mông Nguyên thời Trần. Ngôi chùa hiện nay, có niên đại thời nhà Lý năm 1011, bao gồm Tiền đường 5 gian, Hậu cung 2 gian, Nhà tổ 3 gian. Tiền đường, được xây dựng theo kiểu chồng rường đấu sen. Các vì kèo đều có chạm khắc hoa lá, trúc hoá long, kỳ 4 thuât chạm bong kênh.

Hiện nay, Nhà chùa còn lưu giữ hơn 100 bức mộc bản cổ có giá trị lớn

Tại chùa Bạch Hào, ngoài chiếc chuông cổ có từ hàng trăm năm thì ở đây còn lưu giữ được nhiều di vật cổ. Bệ đá hoa sen là một hiện vật quý hiếm thời nhà Trần. Phần mặt của bệ đá tạo thành hai tầng cánh sen với các hoa văn trang trí mang đậm dấu ấn kiến trúc Chăm. Phần thân bệ chạm hình rồng theo lối điêu khắc thời nhà Trần. Bốn góc bệ đá chạm nổi chim thần Garuda, là vật cưỡi của thần Vishnu (theo Ấn Độ giáo), biểu trưng cho sự thông thái của con người.

Bệ đá cổ hình tòa sen khắc biểu tượng 4 chim thần ở 4 góc

Ngoài bệ đá hoa sen, ở khuôn viên chùa Bạch Hào còn có 10 bia đá ghi lại công lao của 3 vị cư sĩ, trong đó, có 3 bia đá thời Lê, 7 bia đá thời Nguyễn, vườn tháp 7 mộ sư, 7 sắc phong mang niên hiệu của các vị vua triều Nguyễn về sắc phong thành hoàng, gia tặng mỹ tự cho ba vị cư sĩ trụ trì. Chùa Bạch Hào được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia năm 1993, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015.

Hệ thống bia cổ sau chùa

Phần Lễ độc đáo

Bắt đầu từ ngày mồng 4, những người khéo tay nhất trong thôn được triệu tập tham gia bày mâm quả, sao cho vừa đẹp, vừa có ý nghĩa để thi tài cùng thôn khác. Lễ rước trước đây là rước “long đình” của các dòng họ trong xã chứ không rước cỗ như bây giờ. Ngày nay, lễ hội rút ngắn trong thời gian hai ngày, việc rước “long đình” được thay bằng rước “cỗ”. “Cỗ” là các mâm quả, được bày theo các tích khác nhau, tạo nên các thế vừa uy nghiêm, vừa đẹp mắt như: quần long tụ hội, hạc ngậm phong thư...

“Cỗ” chay gồm xôi oản, ngũ quả, các sản phẩm nông nghiệp của địa phương

Từ sáng sớm ngày mồng 5 tháng Giêng, người dân trong làng đã sẵn sàng chung tay tham gia đám rước. Ngoài 5 cỗ của 5 thôn, người dân còn rước bài vị của 3 vị thành hoàng, cũng là 3 vị tướng đời Trần có công dẹp giặc, mở ấp, dựng làng và dạy dân Thanh Xá nghề tằm tơ thuở trước từ đình Đụn tới sân chùa. Sau đó là các nghi lễ khác của lễ hội như dâng hương, tế tổ...  được thực hiện ngay tại chùa.

Lễ rước sắc phong đặt trong kiệu long đình

Hội thi đua thuyền

Lễ hội chùa Hào thu hút được nhiều khách thập phương đến dự, ngoài ý nghĩa tâm linh còn bởi sự phong phú của các trò chơi dân gian trong phần hội. Trong đó hội bơi thuyền truyền thống mà người dân quen gọi là bơi chải là một nét đẹp văn hóa. Hội đua thuyền được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng Giêng (ngày chính hội) kỷ niệm ngày vua Trần Nhân Tông trong lần kinh lý tại Hải Dương đã dừng lại thăm chùa. Vận động viên (VĐV) tham gia bao gồm cả nam và nữ, nhưng thi riêng. Độ tuổi của VĐV cũng không bị giới hạn, có thể là người vẫn còn độc thân hoặc đã có gia đình. Thậm chí nhiều gia đình có tới hai hoặc ba thế hệ cùng tham gia thi.

Thi bơi chải trong lễ hội chùa Hào có từ thời Trần, gợi lại hình ảnh hào hùng của chiến thắng trên sông Bạch Đằng đánh bại giặc Nguyên Mông của quân dân thời Trần

Số VĐV trên mỗi thuyền đua cũng giảm xuống chỉ còn 12 -14 VĐV, bao gồm 10-12 tay chèo, một người cầm lái (còn gọi là "phách mũi" và một người tát nước). Trước đây toàn xã chỉ có ba đội đua (đại diện cho 3 giáp) thì nay đã có 10 đội (đại diện cho 5 thôn của xã, mỗi thôn một đội tuyển nam và một đội tuyển nữ). Một thời gian dài, do kinh tế khó khăn, thuyền đua không phải là chải gỗ mà là thuyền nan. Song từ năm 1985 đến nay, địa phương đã đầu tư kinh phí để đóng "chải" phục vụ lễ hội. 

Nét văn hóa độc đáo

Hội thi bơi chải thường gắn liền với phần thi bắt vịt và nấu cơm trên sông. Đây cũng là phần thi sôi nổi nhất. Chỉ các đội về nhất nhì mới được tham dự phần thi này. Khi vịt được tung xuống nước, các VĐV trên chải đua phải nhanh chóng nhảy xuống bắt vịt, trong khi đó các thành viên còn lại của đội bạn liên tục té nước, gây khó khăn. Sau phần thi bắt vịt, các đội chuẩn bị sẵn bó đóm và niêu cơm, vừa chèo, vừa nấu trong tiếng trống, tiếng cổ vũ reo hò của nhân dân hai bên đường đua.

Phần thi bắt vịt

Phần thi nấu com niêu trên thuyền

Hiện nay, một số trò chơi dân gian tổ chức cùng với hội bơi chải như leo cầu thùm, bắt chạch,... không còn được tổ chức vì lý do mất nhiều thời gian và điều kiện thời tiết không thuận lợi. Thay vào đó là các môn thể thao hiện đại như bóng đá mi-ni, cầu lông, thể dục dưỡng sinh của người cao tuổi, được tổ chức từ ngày mồng 4 Tết để khai xuân và kéo dài cho đến hết lễ hội. Ngoài các hoạt động thể thao, vào buổi tối mồng 5 tháng Giêng, lễ hội chùa Hào còn diễn ra các hoạt động văn nghệ. Những hoạt động trên đã làm nên nét văn hóa độc đáo cho lễ hội chùa Hào, để hội chùa thực sự là ngày hội mừng xuân của người dân Thanh Xá nói riêng và Thanh Hà nói chung khi bước vào năm mới.

Trường Giang