VNHN - Tối 30/12/2018, tại Quảng trường Thống Nhất, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, Lễ hội Văn hóa Du lịch xứ Đông - chào đón năm mới 2019 được khai mạc với điểm nhấn là chương trình nghệ thuật hoành tráng, đặc sắc và Carnaval đường phố “Hải Dương mùa xuân gọi”.
Lễ hội nhìn từ trên cao
Dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Ủy viên TW Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban UNESCO Việt Nam; đại diện đoàn nghệ thuật 2 tỉnh Suwon (Hàn Quốc) và Viêng Chăn (Lào); đại diện Lãnh đạo các tỉnh: Bắc Ninh, Lào Cai, Điện Biên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên...
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Hải Dương và một số tỉnh bạn dự lễ khai mạc
Về phía tỉnh Hải Dương có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Dương Thái, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố, doanh nghiệp cùng hàng nghìn người dân và du khách thập phương.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hải Dương tham dự lễ khai mạc
Mở đầu khai mạc Lễ hội văn hóa du lịch xứ Đông - chào đón năm mới 2019 là chương trình nghệ thuật "Muôn phương hội tụ mừng đón mùa xuân 2019" với những tiết mục nhảy, múa hát, màn trống hội đặc sắc do các nghệ sĩ, diễn viên Trung ương, địa phương và đoàn nghệ thuật 2 tỉnh Suwon (Hàn Quốc), Viêng Chăn (Lào) thể hiện.
Trong diễn văn khai mạc Lễ hội, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã nhấn mạnh: Lễ hội Văn hóa Du lịch xứ Đông - chào đón năm mới 2019 là dịp để nhân dân trong tỉnh và bạn bè cả nước thêm hiểu biết và thêm yêu mảnh đất và con người Hải Dương năng động và phát triển, giàu lòng mến khách, giàu truyền thống cách mạng và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, khẳng định xứ Đông xưa - Hải Dương nay là “Trấn thứ nhất trong tứ trấn” nằm ở phía Đông của kinh thành Thăng Long xưa. Hải Dương có bề dày truyền thống văn hiến, lịch sử với nhiều di tích văn hóa và danh thắng, lấp lánh nhiều giai thoại.
Sau phần lễ khai mạc, chương trình "Carnaval - Hải Dương mùa xuân gọi" chính thức bắt đầu với sự tham gia của hơn 2.000 diễn viên, trong đó có 300 diễn viên chuyên nghiệp đến từ các Đoàn nghệ thuật của Trung ương và địa phương. Chương trình gồm 3 chương: "Hải Dương thành phố cổ nơi vùng đất 3 màu địa lý", "Hải Dương mảnh đất địa linh nhân kiệt gắn với du lịch tâm linh", "Hải Dương tự hào và cất cánh bay cao".
Chương trình của Đoàn nghệ thuật tỉnh Suwon (Hàn Quốc)
Trên nền nhạc tươi vui, ngân nga, lắng đọng, 10 chiếc xe chuyên dụng được trang trí như những sân khấu di động, mang theo theo các mô hình biểu trưng về mảnh đất, con người xứ Đông. Theo sau các xe mô hình là 20 đoàn diễu hành, biểu diễn đa dạng các loại hình nghệ thuật đặc sắc, mới mẻ như thay lời giới thiệu thêm với du khách về những gì tinh túy nhất của mảnh đất Hải Dương. Trên sân khấu chính, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc cũng đồng thời diễn ra càng tạo cho chương trình thêm sôi động, hấp dẫn...
Xe diễu hành những mô hình biểu trưng mảnh đất và con người xứ Đông
Hải Dương hiện có trên 2.000 di tích, trong đó có 4 di tích và quần thể di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 144 di tích quốc gia và 220 di tích cấp tỉnh, nổi bật như: Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Quần thể di tích An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, Văn miếu Mao Điền, Cụm di tích Đền Xưa - chùa Giám - đền Bia...
Hải Dương cũng được biết đến là vùng địa linh nhân kiệt, nơi nuôi dưỡng và tỏa sáng nhiều hiền tài lỗi lạc của đất nước như: Thiên tài quân sự, anh hùng dân tộc - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới - Nguyễn Trãi; “Vạn thế sư biểu” - Chu Văn An; Lưỡng quốc Trạng nguyên - Mạc Đĩnh Chi, Đại danh y, thiền sư Tuệ Tĩnh; nữ tiến sĩ đầu tiên của đất Việt - Nguyễn Thị Duệ...
Mảnh đất này còn lưu truyền được rất nhiều những giá trị văn hóa phi vật thể, với trên 700 Lễ hội truyền thống, 7 di sản văn hóa phi vật thể, 8 bảo vật quốc gia và nhiều nghề truyền thống được nhân dân lưu truyền và phát triển cho đến ngày nay, như: Nghề chạm khắc đá Kính Chủ (huyện Kinh Môn), chạm khắc gỗ Ðông Giao (huyện Cẩm Giàng), kim hoàn Châu Khê, gốm Cậy (huyện Bình Giang), gốm Chu Ðậu (huyện Nam Sách), giầy da Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc), thêu Xuân Nẻo (huyện Tứ Kỳ), dệt chiếu Tiên Kiều (huyện Thanh Hà)... Hải Dương còn tự hào với “chiếng chèo Đông”, là một trong những cái nôi nghệ thuật hát chèo của vùng Ðồng bằng Bắc Bộ cùng nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc như: hát tuồng, hát ca trù, múa rối, hát trống quân, hát đối, hát ru...
Lễ hội Văn hóa Du lịch Xứ Đông - chào đón năm mới 2019 là sự kiện chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hải Dương trong những năm qua; đồng thời, cũng là sự kiện quan trọng để chào đón thành phố Hải Dương chuẩn bị lên đô thị loại I. Đây cũng là dịp để giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và dịch vụ của Hải Dương đến với bạn bè trong và ngoài nước./.