27/11/2024 lúc 02:59 (GMT+7)
Breaking News

Hải Dương: Đi lễ đầu năm - Nét đẹp văn hóa tâm linh

VNHN - Vào mỗi dịp đầu xuân mới, người dân thường tìm đến những chốn linh thiêng (đền, chùa, miếu mạo) để dâng hương tưởng nhớ tổ tiên và những người có công với dân, với nước, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam.

VNHN - Vào mỗi dịp đầu xuân mới, người dân thường tìm đến những chốn linh thiêng (đền, chùa, miếu mạo) để dâng hương tưởng nhớ tổ tiên và những người có công với dân, với nước, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt Nam.

Lễ hội đầu năm ở Hải Dương diễn ra đa dạng, phong phú với các hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo, thể hiện tín ngưỡng thờ Phật, thờ nhân thần, đạo lý tôn kính tổ tiên, tổ nghề… đã có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước, mang lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Tuy cách lễ, khấn và đồ lễ ở một số địa phương có khác nhau nhưng cùng chung một ước nguyện cầu tài, cầu lộc, cầu may, cầu duyên, cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và những người thân trong gia đình. Theo quan niệm xưa sau khi lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa, nhà đền một thứ gì đó về làm lộc đầu năm. Do đó, việc xin lộc đầu năm đã trở thành tục lệ truyền thống.

Văn Miếu Mao Điền Hải Dương - niềm tự hào về truyền thống hiếu học của xứ Đông.

Dịp đầu xuân mới Kỷ Hợi năm nay thời tiết khá thuận lợi. Vì vậy, tại hầu hết các đền chùa, đình miếu, các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Hải Dương lượng người đến tham quan, dâng hương hoa, lễ vật khá đông. Trong tâm thức dân gian của mỗi người, đi lễ đầu năm, mọi điều cầu nguyện thành tâm sẽ được linh ứng và trở thành hiện thực. Điều ghi nhận tại hầu hết các di tích, danh thắng công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông luôn được chú trọng, việc ứng xử ngày càng văn minh, tạo môi trường thân thiện cho người dân và du khách đến dâng hương, tế lễ.

Tại di tích quốc gia đặc biệt đền Bia ở xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, Ban quản lý di tích Cẩm Giàng đã đầu tư gần 100 triệu đồng trích từ số tiền nhân dân ủng hộ, bỏ vào hòm công đức để mua 20.000 chai nước uống, 10.000 gói thuốc nam điều trị các bệnh u nhọt, giải độc gan, 10.000 túi lộc đặt ở trước sân đền phục vụ cho nhân dân và du khách thập phương đi lễ đầu năm nhằm tránh việc nhân dân bẻ cành lộc, uống nước không hợp vệ sinh. Ban quản lý di tích cũng phối hợp với các công ty dược như: CP Biovacxin Việt Nam, CP Nam Dược (Hà Nội) phát miễn phí cho nhân dân và du khách 500 lọ thuốc gồm: dầu xoa bóp, thuốc điều trị dạ dày, thuốc chữa ho... tổng trị giá hơn 50 triệu đồng. Theo nguồn tin cung cấp của Ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng, từ tối 4/2 đến chiều 8/2, có khoảng 1 vạn người dân và du khách thập phương đến tham quan, dâng hương tại đền Bia, tăng gấp 2 lần so với cùng thời điểm năm ngoái.

Đi lễ đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam

Không chỉ có tục đi lễ đầu năm, người Việt Nam còn có một nét đẹp văn hóa nữa là xin chữ đầu năm. Hình ảnh ông đồ bày mực tàu giấy đỏ, nắn nót thảo từng nét chữ đã và đang được tái hiện lại trong dịp đầu năm mới. Những hình ảnh tưởng xưa cũ thì nay đang dần được khôi phục lại. Đây là nét văn hóa thể hiện sự trọng chữ nghĩa, tri thức và cũng là mong muốn xin cho được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ.

Xin chữ đầu năm tại chùa Đông Thuần (Hải Dương)

Đi lễ đầu năm không đơn thuần chỉ là để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Về nơi linh thiêng, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Qua đó tạo dựng niềm tin giữa đời sống con người với đời sống tâm linh, để các di sản văn hoá phát huy được giá trị tâm linh đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân tỉnh Hải Dương./.

Trường Giang