20/04/2024 lúc 08:53 (GMT+7)
Breaking News

Hai câu hỏi ngỏ sau Thượng đỉnh Bắc Mỹ

Bên cạnh thành công về đồng thuận trong nhiều vấn đề nóng của khu vực, Thượng đỉnh Bắc Mỹ chưa thể có tiếng nói chung về vấn đề di cư hay Trung Quốc

Bên cạnh thành công về đồng thuận trong nhiều vấn đề nóng của khu vực, Thượng đỉnh Bắc Mỹ chưa thể có tiếng nói chung về vấn đề di cư hay Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đồng cấp Mexico López Obrador và Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong hành lang Nhà Trắng ngày 18/11/2021. (Nguồn: AP)

Thượng đỉnh Bắc Mỹ đã khép lại với việc lãnh đạo Mỹ, Canada và Mexico ra tuyên bố chung về hợp tác giải quyết nhiều vấn đề nóng của khu vực, từ đối phó đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, di cư và hợp tác kinh tế.

Tuy nhiên vẫn còn đó câu hỏi ngỏ về hành động cụ thể của khu vực trong vấn đề di cư cũng như việc tuyên bố của Mexico về Trung Quốc Xuyên suốt Hội nghị, các nhà lãnh đạo không đạt được thỏa thuận nào về vấn đề di cư, chủ đề ngày càng nhức nhối ở khu vực và thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát và lây lan mạnh mẽ.

Hiện nay, trong số 11 triệu người di cư không giấy tờ ở Mỹ, có năm triệu người Mexico và gần hai triệu người Trung Mỹ. Tổng thống Joe Biden đã trình Quốc hội dự luật hợp pháp hóa tình trạng nhập cư của nhóm này, lập luận rằng họ đã giữ cho nước Mỹ đứng vững. Tuy nhiên, người nhập cư đã quen với lời hứa hẹn như vậy từ năm này này qua năm khác.

Thống kê của Cục Điều tra Dân số Mỹ cho thấy số người gốc Latin tại Mỹ đạt kỷ lục 62,1 triệu người năm 2020, chỉ đứng sau cộng đồng người da trắng. Do đó, Washington cần có một thỏa thuận về di cư.

Theo cựu Đại sứ Mexico tại Mỹ Arturo Sarukhan, ba nước sẽ phải chứng minh khả năng cải cách di cư ở tầm châu lục. Ông cho rằng tuy không đạt thỏa thuận, song kết quả thượng đỉnh sẽ tạo tiền đề cho hợp tác thực chất trong tương lai.

Hội đàm với người đồng cấp Mỹ, Tổng thống Mexico López Obrador đã ủng hộ dự luật của ông Joe Biden, coi đây là “một sáng kiến mang tầm vóc xã hội, đem lại công bằng”, đồng thời cảm ơn Mỹ đã “đối xử tôn trọng” và “không xem Mexico như sân sau của Mỹ”.

Nhưng cùng lúc đó, Mỹ vẫn tiếp tục thi hành đạo luật Tiêu đề 42, cho phép trục xuất người di cư không giấy tờ khỏi lãnh thổ Mỹ vì lý do y tế. Mới đây, Toà án Tối cao Mỹ cũng yêu cầu ông Biden khôi phục chính sách “Ở lại Mexico” gây tranh cãi, buộc người di cư phải ở lại lãnh thổ Mexico trong quá trình chờ xét đơn tị nạn.

Rốt cục, sau tất cả, chính sách di cư của Mỹ vẫn chẳng có gì thay đổi.

Tương tự là câu chuyện về lập trường của Mexico với Trung Quốc.

Tại Thượng đỉnh, Tổng thống Mexico đã kêu gọi Bắc Mỹ đoàn kết để đối mặt với sự vươn lên và vị thế vượt trội của cường quốc châu Á. Ông López Obrador chỉ ra Bắc Mỹ hiện chiếm 13% thị trường thế giới, còn Trung Quốc chiếm 14,4%. Nếu xu thế này tiếp diễn, Trung Quốc sẽ thống trị 42% thị trường toàn cầu vào năm 2051.

Pérez Ricart, học giả Viện Nghiên cứu Mỹ Latin của Đại học Oxford (Anh) cho rằng, Tổng thống Mexico đang chơi nước đôi một cách thông minh: Một mặt, ông đưa ra tuyên bố kiểu này với Biden, một mặt thúc đẩy các cơ chế như CELAC (Cộng đồng các quốc gia Mỹ Latin và Caribbean), nơi Mexico xem Trung Quốc là đối tác đối thoại cấp cao nhất để tận dụng ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Mexico đóng vai trò quan trọng trong quá trình hội nhập Bắc Mỹ của Trung Quốc. Cả hai đều hiểu mối quan hệ này sẽ không bị ảnh hưởng bởi tuyên bố, mà là các dự án, công trình, khoản đầu tư thực tế. Mặt khác, trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung, tuyên bố của Mexico không nhằm “chọn phe” và đơn giản là chiến lược nước này áp dụng lâu nay.

Biết rõ Mỹ muốn giữ Mexico và Mỹ Latin xa Trung Quốc, Mexico càng xích lại gần Bắc Kinh để “nâng giá” sự ủng hộ dành cho mình từ Washington. Vì thế, lập trường của Mexico về Trung Quốc, dù là trước hay sau Thượng đỉnh Bắc Mỹ, sẽ không đổi.