Nhờ biết khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế; với ý chí, khát vọng đổi mới và phát triển, sau 30 năm tái lập tỉnh (1991-2021), Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp, đến nay Hà Tĩnh đã có một diện mạo, vị thế mới và đang phấn đấu sớm trở thành tỉnh khá của cả nước
Một góc thành phố Hà Tĩnh (Ảnh Thanh Hải)
Năm 1976, sau khi đất nước thống nhất, Hà Tĩnh sáp nhập với Nghệ An thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Sau 15 năm đồng cam cộng khổ dưới mái nhà chung nôi văn hóa xứ Nghệ, tái thiết quê hương sau chiến tranh, đến năm 1991, thực hiện Nghị quyết của Quốc Hội khóa VIII, Hà Tĩnh tách khỏi Nghệ Tĩnh trở lại đơn vị hành chính độc lập.
Buổi đầu tái lập, cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng vừa thiếu vừa lạc hậu; kinh tế phát triển chậm, thu ngân sách thấp, đời sống Nhân dân gặp nhiều khó khăn; văn hóa, xã hội còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và phát triển, Hà Tĩnh thường xuyên được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành; sự giúp đỡ, chia sẻ của các địa phương trong cả nước; sự đồng lòng hướng về quê hương của con em Hà Tĩnh trên mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực, quyết tâm vượt khó vươn lên, đề ra nhiều chủ trương, chính sách và định hướng chiến lược, từng bước đưa tỉnh nhà phát triển, đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh nghèo, xuất phát điểm thấp, nhờ khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, Hà Tĩnh đã có những bước phát triển vượt bậc. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá qua các giai đoạn; quy mô kinh tế đến năm 2020 tăng gấp 95 lần; thu ngân sách tăng gấp trên 720 lần so với năm 1991…
Khu dân cư kiểu mẫu Nam Trà, xã Hương Khê, huyện Hương Khê
Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của sự cố môi trường biển, thiên tai liên tiếp xảy ra, nhất là dịch bệnh Covid-19, nhưng kinh tế Hà Tĩnh đã phục hồi nhanh và lấy lại đà tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 đạt gần 6%, thu ngân sách duy trì mức cao; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực trong đó công nghiệp đóng vai trò chủ lực cho tăng trưởng. Khu Kinh tế Vũng Áng với các sản phẩm chủ lực như: thép, điện, dịch vụ cảng biển với quy mô lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế đang từng bước trở thành động lực phát triển kinh tế, thúc đẩy quá trình hội nhập của tỉnh, của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 xếp thứ 21, thuộc tốp khá trên toàn quốc; chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh xếp thứ 5 toàn quốc, xếp thứ nhất tại khu vực Bắc Trung Bộ. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn dân; huy động cả hệ thống chính trị tích cực tham gia; thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế. Nông thôn Hà Tĩnh đã thay đổi căn bản, khởi sắc trong diện mạo mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 94% số xã và 5 huyện là Nghi Xuân, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Vũ Quang đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Hà Tĩnh được công nhận là đô thị loại 2, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm “Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”. Với dư địa tăng trưởng và động lực phát triển kinh tế khá dồi dào, Hà Tĩnh đã và đang là điểm đến của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững. Quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế của tỉnh ngày càng được mở rộng và tăng cường.
Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, giải quyết việc làm, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội thường xuyên được quan tâm. Các giá trị di sản văn hóa được gìn giữ, bảo tồn và tiếp tục phát huy, nhất là dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Nhiều chỉ tiêu về giáo dục - đào tạo thuộc tốp các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân được quan tâm chăm lo, nhất là việc phòng, chống dịch Covid-19 được chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đạt kết quả tích cực.
Công tác xây dựng Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị được tăng cường; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định nêu gương, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội. Bộ máy tổ chức được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn; công tác cán bộ thực hiện đúng quy trình, khách quan, minh bạch; công tác kiểm tra, giám sát, tập hợp và vận động Nhân dân, có nhiều chuyển biến tích cực. Hoạt động của các cấp chính quyền có nhiều đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Sức mạnh tổng hợp của khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận cao trong Nhân dân và của hệ thống chính trị là cơ sở, nền tảng để Hà Tĩnh bứt phá vươn lên phát triển nhanh và toàn diện trong những năm qua.
Những kết quả trên các lĩnh vực của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà đạt được trong 30 năm kể từ ngày tái lập tỉnh là hết sức quan trọng, tạo thế và lực mới để tiếp tục tự tin, vững bước trên con đường xây dựng và phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, với phương hướng phát triển chung đến năm 2025, định hướng những năm tiếp theo với mục tiêu tổng quát là: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, văn hóa phát triển, xã hội tiến bộ, quốc phòng - an ninh đảm bảo, trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ; cải thiện toàn diện đời sống Nhân dân; đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người cao hơn bình quân các tỉnh Bắc Trung Bộ, phấn đấu năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, Hà Tĩnh xác định: Bốn trụ cột: Công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng; Nông nghiệp; Dịch vụ, du lịch; Dịch vụ cảng biển và logistics. Ba nền tảng: Nguồn lực con người; cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh. Ba đô thị: Đô thị xung quanh thành phố Hà Tĩnh, trong đó thành phố Hà Tĩnh là hạt nhân và các đô thị vệ tinh; Đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Hồng Lĩnh gắn với thị trấn Nghi Xuân, thị trấn Xuân An, thị trấn Can Lộc và thị trấn Đức Thọ; Đô thị phía Nam với hạt nhân là thị xã Kỳ Anh gắn với Khu kinh tế Vũng Áng và các vùng phụ cận. Một trung tâm: Khu Kinh tế Vũng Áng. Ba hành lang kinh tế: Đồng bằng ven biển cùng với quốc lộ 1A và đường ven biển; Dọc đường 8 và thị xã Hồng Lĩnh - Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây; Trung du và miền núi gắn với đường Hồ Chí Minh.
Đồng thời cụ thể hóa bảy nhiệm vụ trọng tâm: (1). Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. (2). Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm. (3). Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nền kinh tế số. (4). Huy động mọi nguồn lực tập trung xây dựng hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông trọng yếu, hạ tầng số, hình thành các trục phát triển. (5). Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, nguồn lực con người. (6). Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. (7). Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân vững chắc. Tăng cường và nâng cao năng lực, hiệu quả hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực.
Tập trung thực hiện năm chương trình trọng điểm: (1) Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phấn đấu đến năm 2025 tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. (2). Xây dựng các tuyến giao thông chiến lược, hình thành các trục phát triển, đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Vũng Áng, hạ tầng số, kết cấu hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, môi trường, nước sạch. (3). Đầu tư phát triển, chỉnh trang và nâng cao chất lượng đô thị. (4). Phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, trí tuệ con người Hà Tĩnh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế số. (5). Phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ưu tiên nguồn lực thực hiện ba đột phá chiến lược: (1). Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, nhất là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự phát triển của tỉnh. (2). Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, gắn trách nhiệm người đứng đầu; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi phục vụ người dân và doanh nghiệp. (3). Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng đô thị, hạ tầng thông tin, viễn thông, thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Với bề dày truyền thống văn hóa, cách mạng của quê hương Xô Viết anh hùng; niềm tự hào 190 thành lập tỉnh Hà Tĩnh (1831-2021) và thành tựu nổi bật sau 30 năm tái lập tỉnh (1991-2021), phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, nhất định Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà sẽ giành được nhiều kết quả hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, góp phần cùng cả nước hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trần Đình Hưng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh