20/04/2024 lúc 16:31 (GMT+7)
Breaking News

Hà Tĩnh làm theo lời Bác

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm (1957-2022), đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh, học tập và làm theo lời dạy của Người; Việt Nam hội nhập có cuộc tiếp xúc với ông Hoàng Trung Dũng, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Tĩnh về những tình cảm bao la của Bác đã dành cho Hà Tĩnh và những kết quả làm theo lời Bác của Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh.

 

Ông Hoàng Trung Dũng, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh

Thưa ông, ông có thể nói về tình cảm thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu đã dành cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh?

Ông Hoàng Trung Dũng: Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh những tình cảm sâu nặng và sự quan tâm đặc biệt. Bác đã 16 lần gửi điện, thư viết bài biểu dương, khen ngợi các tập thể, cá nhân khi lập được thành tích xuất sắc hay chiến công mới; 4 lần trực tiếp gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, quân và dân Hà Tĩnh. Đặc biệt, ngày 15/6/1957, lần đầu tiên Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh vinh dự được đón Bác về thăm. Trong gần một ngày thân tình gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh nhà, Bác đã biểu dương thành tích, nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc về khuyết điểm, chỉ ra những nhiệm vụ cụ thể, cấp bách trước mắt và những nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài. Những lời căn dặn của Bác trong dịp về thăm cũng như những điều Người nhắn gửi qua các bức thư, điện tín... tuy hết sức bình dị nhưng mang tầm triết luận, nghiêm túc; chân tình, thẳng thắn mà gần gũi, thể hiện phong cách gần dân, trọng dân, sâu sát với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dân Hà Tĩnh làm gì để thực hiện lời căn dặn của Bác khi người về thăm?

Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh bên ao sen ở Hà Tĩnh (ngày 15/6/1957). Ảnh tư liệu

Ông Hoàng Trung Dũng: Ngay sau ngày Bác về thăm, Nhân dân Hà Tĩnh đã cùng với Nhân dân cả nước bước vào kế hoạch cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế - văn hoá (1958-1960) và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Trong những năm tháng đó, các phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh; quan hệ sản xuất mới ra đời, cơ sở vật chất được tăng cường, nhất là trong lĩnh vực giao thông, thủy lợi. Các công trình lớn như Đập Thượng Tuy, Bộc Nguyên, Vực Trống… được triển khai xây dựng; các tuyến đường giao thông về các huyện, xã được mở rộng; kinh tế - xã hội đã có bước phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện, đặc biệt là văn hóa, giáo dục có nhiều bước phát triển mới.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Tĩnh đã có những đóng góp, hi sinh như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Trung Dũng: Trong những năm tháng kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Hà Tĩnh nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, mặc dù phải đương đầu với bao khó khăn, thử thách ác liệt, chịu nhiều tổn thất, hy sinh to lớn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Hà Tĩnh đã nêu cao ý chí tự lực tự cường, vươn lên mạnh mẽ với tinh thần: “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Toàn tỉnh đã dấy lên phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, sản xuất giỏi, chiến đấu và phục vụ chiến đấu giỏi. Trong sản xuất đã xuất hiện nhiều điển hình thâm canh lúa đạt trên 5 tấn/ha, như: Đại Thanh, Mật Thiết, Trung Hòa, Cẩm Nam... Thời kỳ này đã có những nhà máy cơ khí tương đối hiện đại như Ấp Bắc, Thông Dụng…; trong phong trào giáo dục xuất hiện ngọn cờ Cẩm Bình nổi tiếng cả nước.

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, quân và dân Hà Tĩnh đã bắn rơi 267 máy bay, bắn chìm và bắn cháy 34 tàu chiến, tàu biệt kích của địch. Nhiều địa danh, tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử như là huyền thoại với những chiến công vang dội, tiêu biểu như: Núi Nài, Đèo Ngang. Chỉ trong ngày 26/3/1965, quân và dân Thị xã Hà Tĩnh đã bắn rơi 9 máy bay, quân và dân Kỳ Anh bắn rơi 3 máy bay Mỹ…; Ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, ghi danh Tiểu đội thanh niên xung phong Anh hùng “Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc” sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm. Tại đây, Anh hùng LLVT La Thị Tám và nhiều chiến sĩ, bộ đội, thanh niên xung phong, quân dân đã viết lên huyền thoại ở Ngã ba Đồng Lộc. Những năm kháng chiến chống Mỹ, toàn tỉnh đã huy động 92.913 thanh niên nhập ngũ (chiếm 10% dân số toàn tỉnh lúc đó), 334.128 lượt người đi dân công hoả tuyến, 10.636 thanh niên xung phong; 13.024 người con của Hà Tĩnh đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường... Rất nhiều gia đình có con độc nhất, hoặc 2 con, 3 con, 4 con là liệt sĩ. Kết thúc chiến tranh, tất cả các huyện, thị xã đều được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, hơn 2/3 xã, phường, thị trấn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Khi chiến tranh kết thúc, cả nước cùng đoàn kết, bắt tay xây dựng lại cơ đồ. Hà Tĩnh đã khắc phục như thế nào thưa ông?

Ông Hoàng Trung Dũng: Kết thúc chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã nỗ lực khắc phục hậu quả, tiếp tục giành được nhiều thành quả quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng; điện, đường, trường, trạm...

Trải qua 2 kỳ kế hoạch xây dựng CNXH (từ năm 1976 - 1985), tình hình KT-XH vùng Hà Tĩnh của tỉnh Nghệ Tĩnh có nhiều chuyển biến đáng kể. Cơ sở vật chất, kỹ thuật trong các ngành kinh tế, nhất là trong nông nghiệp được đầu tư xây dựng, nâng cấp. Hoạt động văn hóa, giáo dục, thể thao có nhiều chuyển biến cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong gần 5 năm từ 1986-1990, công cuộc đổi mới ở Nghệ Tĩnh đã giành được những thành tựu có ý nghĩa. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế trong nông, lâm, ngư nghiệp đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Một số mặt hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có sự tăng trưởng nhanh. Cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, trường học, được đầu tư xây dựng.

Sau khi chia tách tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở về, Hà Tĩnh đã có những cách làm gì để vực dậy thành tỉnh từ bị động trở thành chủ động?

Ông Hoàng Trung Dũng: Cuối năm 1991 sau khi tách tỉnh, tỉnh Hà Tĩnh đã vượt qua mọi khó khăn, từng bước phát triển. Kết quả đạt được thật đáng trân trọng: sản lượng lương thực từ gần 20 vạn tấn (năm 1991) lên hơn 33 vạn tấn (năm 1995). Toàn tỉnh tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm xá, nhà ở của dân, đến việc cải tạo vườn tạp, chuyển đổi sử dụng ruộng đất nông nghiệp…Từ năm 1996 đến 2000, Hà Tĩnh đã tạo được sự phát triển tương đối toàn diện và đồng đều trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 7,05%; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 1,5 lần so với những năm trước đó.

Để có được một tỉnh Hà Tĩnh thu ngân sách lớn như hôm nay, cuộc cách mạng đột phá; giảm tỷ trọng nông nghiệp, mạnh dạn thu hút đầu tư vào công nghiệp, bước đột phá của Hà Tĩnh thưa ông?

TP Hà Tĩnh ngày càng phát triển hiện đại. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Trong những năm 2001 đến 2010, Hà Tĩnh bắt đầu triển khai một số dự án lớn ở Khu kinh tế Vũng Áng. Giai đoạn 2006 - 2010, Hà Tĩnh đã tập trung mọi nguồn lực, tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp, đồng thời phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với quá trình đô thị hóa, thu hút và triển khai đầu tư một số dự án trọng điểm có quy mô quốc gia, từng bước hình thành trung tâm công nghiệp nặng quy mô lớn của khu vực và cả nước tại Khu kinh tế Vũng Áng với các sản phẩm chủ lực là gang thép, nhiệt điện, lọc hoá dầu, cảng biển nước sâu, công nghiệp phụ trợ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9,5%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 14,5 triệu đồng/người/năm. Từ năm 2010 đến nay, kinh tế Hà Tĩnh phát triển toàn diện, liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng tích cực. Công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người tăng từ 39,7 triệu đồng lên 62,1 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23 triệu đồng lên 38,8 triệu đồng. Năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng của tình hình lũ lụt cuối năm 2020, cùng với đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống Nhân dân, sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, Hà Tĩnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Thu ngân sách năm 2021 đạt gần 17.000 tỷ đồng, vượt gần 40% kế hoạch. Thu ngân sách quý I/2022 đạt 5.769 tỷ đồng, bằng 35% dự toán tỉnh giao, tăng 52% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh hiện có 173/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, (tỷ lệ trên 95%); 44 xã nâng cao; 9/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Lĩnh vực văn hoá, xã hội có nhiều khởi sắc. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác đối ngoại, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Hà Tĩnh từ một tỉnh nghèo nay trở thành một trong những tỉnh phát triển toàn diện và bền vững, ông cảm nghỉ gì về những lời dặn dò, lời chỉ bảo của Bác kính yêu đối với Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh hôm nay thưa ông?

Một góc TP Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Ông Hoàng Trung Dũng: Những kết quả mà Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh thực hiện và làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã đạt được trong 65 năm qua là những tiền đề, những điều kiện quan trọng để phát triển nhanh, bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

Những lời căn dặn của Bác khi Người về thăm Hà Tĩnh cũng như những lần Người gửi thư, điện và trực tiếp nói chuyện với Đoàn cán bộ của tỉnh ra thăm Bác là động lực thôi thúc Đảng bộ, quân và nhân dân Hà Tĩnh vượt qua mọi khó khăn để lập nên những kỳ tích dâng lên Bác. Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, Đảng bộ, quân và nhân dân Hà Tĩnh sẽ kế tục, phát huy truyền thống yêu nước, văn hóa và cách mạng; khơi dậy ý chí, khát vọng, tinh thần nhân văn của con người Hà Tĩnh; quyết tâm xây dựng Hà Tĩnh ngày càng “nổi bật lên”, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Vâng xin chân thành cảm ơn ông, chúc Hà Tĩnh ngày một phát triển bền vững

Anh Bình