Sáng ngày 20/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh - Trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 TP chủ trì phiên họp trực tuyến Ban chỉ đạo TP với các sở, ngành, quận huyện, thị xã về công tác phòng chống dịch. Tham dự tại điểm cầu thị xã Sơn Tây có đồng chí Nguyễn Huy Khánh - Chủ tịch UBND thị xã cùng các đồng chí trong Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thị xã.
Báo cáo tại phiên họp, đồng chí Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thời gian gần đây, biến chủng Delta và Delta Plus đã xuất hiện tại hàng loạt nước, châu Á hiện là vùng dịch "nóng nhất”. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia, Malaysia, Thái Lan là các nước đang ghi nhận tình hình dịch bệnh hết sức phức tạp với số ca mắc và tử vong tăng cao. Cộng dồn đến nay, thế giới ghi nhận trên 191 triệu ca mắc và hơn 4 triệu ca tử vong. Tại Việt Nam, hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phía Nam như TP Hồ Chi Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Long. Hiện tại, đã có 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch.
Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh phát biểu ý kiến tại phiên họp.
Tại Hà Nội, từ ngày 5/7 ghi nhận nhiều ca mắc mới, đặc biệt xuất hiện các chùm ca bệnh có số lượng ca mắc lớn. Thành phố đã thực hiện rà soát, lấy mẫu xét nghiệm cho 10.249 người tại các khu vực có nguy cơ cao (công nhân làm việc tại các khu công nghiệp; người làm dịch vụ vận tải, tiểu thương tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh; bảo vệ, nhân viên vệ sinh). Kết quả tất cả đều âm tính. Rà soát, xác định được 10.663 người về từ TP Hồ Chí Minh từ ngày 23/6/2021, đã lấy mẫu xét nghiệm cho 9.042 người, kết quả: 19 dương tính, còn lại âm tính. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm cho 130 trường hợp là lái xe, phụ xe đường dài, kết quả âm tính. Lực lượng y tế tham gia phục vụ tại 22 chốt chốt kiểm soát ra vào thành phố đã giám sát, kiểm dịch được trên 110.000 lượt người, lấy mẫu xét nghiệm đối với 75 người từ vùng có dịch về thành phố, kết quả âm tính.
Ban chỉ đạo nhận định, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên nguy cơ về dịch bệnh đang ở mức rất cao và khó lường. Lý do, nhiều tỉnh, TP trên cả nước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khi đó Hà Nội là đầu mối giao thông, có sự giao lưu rất lớn với các tỉnh, TP. Vì vậy, nguy cơ xuất hiện các ca bệnh xâm nhập từ các địa phương có dịch vào Hà Nội rất cao. Hiện nay, trên địa bàn TP xuất hiện nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp với số lượng ca mắc lớn, nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây, có thể các ca bệnh ngoài cộng đồng chưa được phát hiện. Vì vậy, trong thời gian tới, tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn, không loại trừ khả năng sẽ xuất hiện nhiều ca bệnh, chùm bệnh ngoài cộng đồng. Đặc biệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong các nhà máy xí nghiệp, cơ quan, doanh nghiệp với số ca mắc lớn.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại phiên họp, đồng chí Chu Ngọc Anh - Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch Covid-19 TP yêu cầu các đơn vị tuyệt đối không chủ quan, lơ là, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ cao. Tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chiến lược phòng chống dịch của TP đó là 5K + vaccine. Yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết, hạn chế tối đa việc di chuyển đến các vùng dịch và các tỉnh, TP đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp. Trường hợp bắt buộc phải đến với mục đích công vụ, làm việc tại các cơ quan, tổ chức, khu công nghiệp... tại các tỉnh, thành có dịch khác phải được cấp thẩm quyền cho phép, phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Các đơn vị duy trì chế độ thường trực 24/24/7 để sẵn sàng triển khai ngay các biện pháp truy vết thần tốc, khoanh vùng xử lý kịp thời các ca bệnh, không để bùng phát thành dịch lớn.
Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố cũng đã tính đến kịch bản để đáp ứng với tình huống khi dịch bệnh bùng phát lan rộng, cụ thể: Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã rà soát, chuẩn bị địa điểm cách ly tập trung F1 để có thể tiếp nhận ít nhất 1000 trường hợp/quận, huyện; đảm bảo công tác 4 tại chỗ; đảm bảo an sinh xã hội trong tình huống thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; rà soát các địa điểm, cơ sở vật chất của các cơ sở dân sự để thiết lập các bệnh viện dã chiến sẵn sàng đáp ứng trong tình huống dịch lan rộng và số lượng bệnh nhân lớn.
Cùng với đó, đồng chí cũng yêu cầu cần tăng cường xét nghiệm đối với những trường hợp có dấu hiệu chỉ điểm (ho, sốt, khó thở, mất vị giác...) khi đến các cơ sở khám chữa bệnh hoặc mua thuốc tại các nhà thuốc để chủ động phát hiện sớm các trường hợp mắc và kịp thời khoanh vùng xử trí dịch. Tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc tại những khu vực, cơ sở có nguy cơ; xét nghiệm sàng lọc cho người về từ các tỉnh, thành phố có dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Hạn chế tối đa hoạt động vận tải hành khách công cộng từ các vùng dịch về Hà Nội và ngược lại. Duy trì các chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào TP. Kiểm soát chặt chẽ hành khách đi các phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe khách liên tỉnh, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn TP.
Tiếp tục chỉ đạo triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khế xuất; thường xuyên kiểm tra đôm đốc việc thực hiện của các doanh nghiệp, kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động nếu không đảm bảo an toàn. Yêu cầu các doanh nghiệp tuyên truyền sâu rộng cho công nhân và các biện pháp phòng chống dịch, gắn trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn phòng chống dịch; toàn bộ các doanh nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất trong các Khu công nghiệp, Cụm Công nghiệp chỉ hoạt động khi thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn phòng dịch theo hướng dẫn của ngành y tế. Các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng tại địa phương như Công an khu vực và Tổ Covid cộng đồng nắm chắc tình hình di biến động dân cư, đặc biệt là quản lý chặt chẽ người về từ các vùng có dịch, nhất là người về từ các tỉnh, thành phía Nam đang có dịch bệnh diễn biến phức tạp để tiến hành áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như cách ly, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Ngành y tế phối hợp với các đơn vị tiếp tục tổ chức chiến dịch tiêm vaccine theo các đợt phân bổ của Bộ Y tế đảm bảo an toàn, hiệu quả và đúng đối tượng: Nâng cao năng lực xét nghiệm, sẵn sàng triển khai xét nghiệm trên diện rộng, tiếp tục xây dựng phương án đáp ứng 5.000 giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19. Đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố cũng yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và chính quyền các cấp thành lập các đoàn kiểm tra để tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Ngay sau cuộc họp với thành phố, đồng chí Nguyễn Huy Khánh - Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây đã triển khai nhanh một số nhiệm vụ trọng tâm tới các thành viên BCĐ phòng chống dịch Covid-19 thị xã, yêu cầu các xã, phường, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm Công điện 15/CT-UBND ngày 18/7/2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm bốn tại chỗ; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu và đồng tình thực hiện các quy định, yêu cầu về phòng, chống dịch; khẩn trương truy vết, khoanh vùng, xử lý ổ dịch khi xuất hiện ca bệnh và các trường hợp có liên quan đến yếu tố dịch tễ; phát huy vai trò, hiệu quả của Tổ Covid cộng đồng. Cùng với đó, thị xã sẵn sàng kích hoạt khu cách ly tập trung tại Trường Đại học Lao động xã hội (cơ sở Sơn Tây) để tiếp nhận công dân là F1 khi có sự chỉ đạo của thành phố; tiếp tục rà soát, triển khai khu cách ly tập trung tại Học viện Ngân hàng cơ sở 2 và Trường Cao đẳng Hậu cần 1. Đồng chí cũng yêu cầu các xã, phường, đơn vị liên quan tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định về phòng, chống dịch; chủ động cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết; chuẩn bị tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe nhân dân, rà soát bổ sung vật tư, trang thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, bảo hộ, phương tiện… phục vụ cho công tác phòng chống dịch, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra./.