25/04/2024 lúc 19:47 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội, TP. HCM và bài toán hạn chế phương tiện cá nhân

Câu chuyện hạn chế xe cá nhân tại các thành phố lớn đã đặt ra hơn 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện hiệu quả . Đặc biệt, Hà Nội và TP HCM - hai trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, dân cư và lượng xe đông đúc, đường phố thường xuyên ùn tắc, vấn đề hạn chế xe cá nhân càng trở nên cấp bách.

Chính phủ vừa có Nghị quyết tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Theo đó, 5 thành phố (TP) trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ được giao tiến tới hạn chế hoặc dừng hoạt động xe máy trên một số quận sau năm 2030; nghiên cứu xây dựng đề án thu phí xe cơ giới vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Chủ trương này nhằm hạn chế số lượng ôtô, xe máy vào các TP lớn.

Hà Nội muốn cấm xe máy trước năm 2030

Tại Hà Nội, biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó có xe máy được đặt ra từ năm 2015. Khi đó, Hà Nội đã đề xuất Chính phủ cho phép TP xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân. Bởi nếu không có giải pháp kịp thời, giao thông Thủ đô 4-5 năm tới rất phức tạp.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

 

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TP đã ban hành Nghị quyết thông qua Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2021-2025; ban hành 5 kế hoạch, nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông gắn với phòng chống dịch Covid-19.

Năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục giảm tai nạn giao thông 5%-10%. Đồng thời tập trung giải quyết từ 8-10 điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên 30 phút và kịp thời xử lý các "điểm đen" về tai nạn giao thông. Để thực hiện được mục tiêu này, TP đã ban hành kế hoạch, trong đó gắn trách nhiệm của giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành và chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trong việc chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp...

Hà Nội cũng đang nghiên cứu kế hoạch "Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu vực nhằm giảm ùn tắc giao thông" và nghiên cứu phương án dừng đăng ký xe máy mới trong nội thành nhằm thực hiện đề án kiểm soát phương tiện cá nhân trong nội đô vào năm 2030.

Hà Nội triển khai 6 nhóm giải pháp lớn. Trong đó, giải pháp thứ nhất là xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31-3-2016. Thứ hai, khi chưa có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ mà muốn giảm ùn tắc giao thông thì phải triển khai tổ chức giao thông hợp lý. Thứ ba, phát triển vận tải hành khách công cộng đi liền với việc giảm phương tiện giao thông cá nhân chính. Thứ tư, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, trong đó, bao gồm việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh để tối ưu hóa, cung cấp thông tin để người dân lựa chọn tuyến đường hợp lý. Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giáo dục để xây dựng văn hóa giao thông. Thứ sáu, tăng cường xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

10 năm đề án hạn chế xe cá nhân

Tại TP HCM, vấn đề giảm xe cá nhân cũng được nêu ra từ cách đây hơn 10 năm. Đến năm 2018, UBND TP ban hành Quyết định 4341, trong đó hạn chế xe máy được đề cập như một trong những giải pháp quan trọng nhằm kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông cho giai đoạn 2018-2020.

Sau nhiều lần lấy ý kiến, phản biện từ các chuyên gia, nhà khoa học, tháng 10/2020, UBND TP.HCM phê duyệt Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân trên địa bàn với mục tiêu giảm ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm.

Ý tưởng hạn chế xe cá nhân tại các thành phố lớn đã đặt ra hơn 10 năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện hiệu quả

Với đề án này, TP xác định việc kiểm soát xe cá nhân cần kết hợp hài hòa giữa giải pháp hành chính và kinh tế, triển khai theo lộ trình cụ thể để nhận sự đồng thuận. Xe máy sẽ được hạn chế đầu tiên ở khu trung tâm (quận 1, 3, 5, 10), Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), Phú Mỹ Hưng (quận 7), sau đó mở rộng qua khu vực lân cận khi đủ điều kiện.

Ở lộ trình kiểm soát xe cá nhân đến năm 2025, khu vực hạn chế xe máy dự kiến tại một số tuyến đường trong giờ cao điểm như: Trường Sơn (quận Tân Bình); Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn từ Cách Mạng Tháng Tám đến Đinh Tiên Hoàng; Võ Thị Sáu đoạn từ đường Đinh Tiên Hoàng đến Tôn Đức Thắng (quận 1)...

Giai đoạn 2026-2030, TP tiếp tục mở rộng phạm vi hạn chế xe cá nhân ở quận 1, đồng thời chuẩn bị các phương án để đến năm 2030 ngưng hoạt động xe máy tại các khu vực thường xuyên ùn tắc.

Cùng với giảm xe cá nhân, nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng được đặt ra gồm hình thành mạng lưới xe buýt hiệu quả vào năm 2030; hoàn thành các tuyến Metro Số 1, 2, 5 cùng một tuyến buýt nhanh (BRT)... Việc này đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân sau khi xe cá nhân bị hạn chế.

TP cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ: quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm nhằm kéo giãn mật độ dân cư ở khu vực trung tâm; tạo nguồn thu hỗ trợ phát triển giao thông công cộng; thực hiện các dự án giao thông thông minh; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca...

Tổng nhu cầu vốn để thực hiện đề án trên cần hơn 391.000 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 cần hơn 91.000 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 cần hơn 300.000 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo, còn lại huy động từ nguồn vốn xã hội hoá, vốn đầu tư nước ngoài...

Đến cuối năm 2021, TP HCM quản lý hơn 8,4 triệu phương tiện, trong đó 819.000 ôtô và hơn 7,6 triệu xe máy, bình quân mỗi ngày có 79 ôtô và 309 xe máy đăng ký mới. So với cùng kỳ năm 2020, ôtô tăng 3,5%, xe máy tăng 2%.

Nguyễn Lâm