19/01/2025 lúc 13:26 (GMT+7)
Breaking News

Hạn chế xe cá nhân trong tương lai

VNHN - Kẹt xe là một trở ngại lớn, ảnh hưởng chất lượng sống, cản trở phát triển kinh tế, trở thành nỗi bức xúc với hàng triệu người dân các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đây còn là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, tiếng ồn, ô nhiễm không khí. 

VNHN - Kẹt xe là một trở ngại lớn, ảnh hưởng chất lượng sống, cản trở phát triển kinh tế, trở thành nỗi bức xúc với hàng triệu người dân các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đây còn là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, tiếng ồn, ô nhiễm không khí. 

Ảnh minh họa

Mô hình tại các quốc gia trên thế giới

Nhiều đô thị lớn trên thế giới đã thành công trong việc cấm xe máy để giảm ùn tắc giao thông, an toàn cho người dân, thu hút khách du lịch, giúp phát triển kinh tế, hướng đến nếp sống văn minh hiện đại. Những đô thị này đã thông qua chủ trương trước đó khá lâu, làm cơ sở thực hiện các bước chuẩn bị về thủ tục, quy hoạch, kêu gọi đầu tư, xây dựng hạ tầng, phát triển vận tải công cộng, kết nối giao thông thuận lợi, sắp xếp nơi ở và việc làm cho người dân.

Như thành phố Yangon (Myanmar) cũng chằng chịt ngõ hẻm, chưa có metro, cơ sở hạ tầng lạc hậu hơn TPHCM, số lượng xe máy rất lớn, gắn với văn hóa kinh doanh ở mặt tiền nhà và buôn bán trên vỉa hè; nhưng từ năm 2003 cũng đã thông qua chủ trương cấm xe máy và đã thành công từ năm 2009. Trước đó, sau khi thông qua chủ trương cấm xe máy, chính quyền đã tuyên truyền ý thức giao thông, tăng cường xe buýt, kết nối giao thông, hạn chế dần rồi tiến tới cấm, cấm lần một thất bại, cấm tiếp lần hai mới thành công.

Tại Nhật Bản, cách thức giải quyết kẹt xe ở các đô thị lớn là tác động vào nhận thức người tham gia giao thông, trước hết là giới công chức phải làm gương trong việc bỏ thói quen sử dụng phương tiện cá nhân, áp dụng cả biện pháp đánh vào kinh tế để giảm thiểu xe cá nhân trên đường phố.

Như ở Tokyo, phí đậu xe được quy định ở mức rất cao, khiến người dân thấy đi phương tiện công cộng rẻ hơn mà vẫn đến được điểm cần đến, tạo làn riêng cho xe buýt được bố trí ngay cả trên những tuyến đường hẹp, mỗi bên chỉ có 2 làn đường. Điều này khuyến khích người dân chuyển đổi phương tiện cá nhân sang giao thông công cộng. 

Mục tiêu và sự quyết tâm 

Giải quyết kẹt xe và hạn chế xe cá nhân tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không thể tách rời quy hoạch chung, phân bố dân cư hợp lý, quy hoạch sắp xếp nơi sinh sống và làm việc cho người dân… Tất nhiên phải phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, hệ thống vận tải hành khách công cộng với khối lượng lớn như tàu điện.

Khả năng hạn chế xe cá nhân thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị để bỏ dần các rào cản, như xử lý xe máy quá niên hạn, không cho phép lưu thông. Khu vực nào đủ điều kiện, phương tiện công cộng đáp ứng thì hạn chế dần và tiến tới ngừng đăng ký mới xe máy.

Phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân, không chỉ đòi hỏi sự hợp tác từ phía người dân mà còn là từ các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Nếu có một lượng lớn công chức đi làm bằng xe buýt vừa tạo sự gần gũi, thân thiện với người dân vừa giúp giảm hẳn lượng xe cá nhân lưu thông trên đường vào khung giờ cao điểm. 

Từ đó, ngành GTVT tăng cường xe buýt, phân ranh giới trên vỉa hè dành cho người đi bộ, bố trí đường riêng hoặc làn ưu tiên cho buýt để hạn chế kẹt xe giờ cao điểm, rút ngắn thời gian so với xe cá nhân, giải quyết dứt điểm nạn chiếm dụng vỉa hè trái phép, xây dựng bãi giữ xe đủ sức chứa để hành khách gửi xe cá nhân để đi xe buýt.

Khu vực trung tâm TP có thể ưu tiên thí điểm hạn chế xe cá nhân, chọn các tuyến đường có vỉa hè đủ rộng và phát triển xe buýt thuận lợi, tiện nghi, an toàn, sạch sẽ. Trên đường rộng, sử dụng xe buýt loại lớn hoặc xe hai tầng chở từ 80 - 100 người. Trên đường hẹp, sử dụng xe buýt nhỏ hơn chở từ 50 - 70 người.