15/01/2025 lúc 19:59 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội sẽ hỗ trợ an sinh xã hội gần 2,4 triệu lượt người, hộ gia đình

Từ sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội cùng sự vào cuộc sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, đến cuối ngày 2-9, toàn thành phố đã có quyết định hỗ trợ an sinh xã hội cho gần 2,4 triệu lượt người, hộ gia đình. Tổng kinh phí chi hỗ trợ là gần 839 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách là gần 676 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hóa là gần 163 tỷ đồng.

Từ sự quan tâm, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội cùng sự vào cuộc sát sao, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, đến cuối ngày 2-9, toàn thành phố đã có quyết định hỗ trợ an sinh xã hội cho gần 2,4 triệu lượt người, hộ gia đình. Tổng kinh phí chi hỗ trợ là gần 839 tỷ đồng, trong đó kinh phí từ ngân sách là gần 676 tỷ đồng; nguồn vận động xã hội hóa là gần 163 tỷ đồng.

Về gói an sinh xã hội của Chính phủ dành cho người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19, các sở, ngành chức năng và 30 quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 1,615 triệu người lao động, người sử dụng lao động với kinh phí gần 391 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Hà Nội đã có 1,583 triệu người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận với chính sách, nguồn lực trợ giúp với số tiền gần 330 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Đáng chú ý, về chính sách hỗ trợ lao động tự do, cả 30 quận, huyện, thị xã đã ra quyết định hỗ trợ cho 100.528 người với số tiền gần 151 tỷ đồng. Với chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đã có 28/30 quận, huyện, thị xã ra quyết định hỗ trợ cho 11.647 người với số tiền gần 47 tỷ đồng. Về chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, đã có 23/30 quận, huyện, thị xã có quyết định phê duyệt cho 3.008 hộ với số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Các chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố với tổng nguồn lực trợ giúp đến thời điểm này là gần 448 tỷ đồng tiếp tục đến với nhiều người, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đến ngày 2-9, Hà Nội cơ bản chi trả xong kinh phí hỗ trợ cho 282.650 người thuộc đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo (trừ một số trường hợp đặc biệt).

Một số chính sách khác đang được các cơ quan chức năng nỗ lực triển khai là hỗ trợ người lao động, chủ cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Đến nay, 7/30 quận, huyện, thị xã (Cầu Giấy, Thanh Xuân, Sơn Tây, Hoài Đức, Mê Linh, Thạch Thất, Ứng Hoà) đã phê duyệt hỗ trợ số tiền 1,16 tỷ đồng cho 498 người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động.

Ngoài ra, 8/30 quận, huyện, thị xã (Bắc Từ Liêm, Sơn Tây, Đan Phượng, Hoài Đức, Mê Linh, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ứng Hòa) đã phê duyệt hỗ trợ cho 276 chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên với số tiền 828 triệu đồng.

Nguồn lực xã hội hóa tiếp tục được các ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và các địa phương quan tâm vận động bằng hình thức sáng tạo, linh hoạt. Chẳng hạn, trong ngày 1 và 2-9, Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã tiếp nhận 50 tấn rau, củ, quả do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tuyên Quang hỗ trợ; đồng thời tiếp nhận 4 tấn gạo, 150 thùng mì tôm cùng nhiều lương thực, thực phẩm thiếu yếu khác do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Bắc Giang trao tặng... Sau khi được tiếp nhận, số hàng hóa này đã được chuyển đến những người dân bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 tại các quận Thanh Xuân, Ba Đình, Đống Đa, Hà Đông...

Ở cấp cơ sở, các địa phương có nhiều mô hình hay nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay phòng, chống dịch. Nổi bật là quận Hà Đông phát động chương trình ủng hộ 15.000 túi an sinh đợt 2 để hỗ trợ cho lao động tự do, lao động tạm trú ngoại tỉnh trên địa bàn. Tại quận Bắc Từ Liêm, phường Cổ Nhuế 1 xây dựng kho gạo “kết nối yêu thương” tại số 527 đường Phạm Văn Đồng, nhằm hỗ trợ lương thực cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn...