28/04/2024 lúc 07:55 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội phát triển các dịch vụ công trực tuyến

Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, TP Hà Nội vinh dự được Chính phủ chọn là địa phương làm điểm, làm mẫu, nhân rộng toàn quốc trong triển khai Đề án 06 về ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Thời gian qua, các tiện ích của Đề án 06 mang lại ngày càng quen thuộc, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân và nhiều mặt của đời sống KT-XH trên địa bàn Thủ đô.

Xác định dịch vụ công trực tuyến là mấu chốt của công tác cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử ứng dụng phát triển từ cơ sở dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử

Để triển khai hiệu quả Đề án 06 trên địa bàn TP Hà Nội, ngay từ những ngày đầu, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Công an, UBND TP, Công an TP Hà Nội đã đóng vai trò là cơ quan thường trực, vừa là đơn vị tiên phong đi đầu thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Với lực lượng nòng cốt là Cảnh sát QLHC về TTXH giữ vai trò thực hiện trực tiếp các nhiệm vụ được giao, Công an TP Hà Nội tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trên địa bàn.

 Bên cạnh đó, Công an TP Hà Nội tham mưu HĐND, UBND TP ban hành nhiều văn bản tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc về làm sạch và duy trì dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, cấp CCCD gắn chip, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân sinh sống trên địa bàn TP Hà Nội, giải quyết các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công. Nhiều văn bản mang tính đột phá, sáng tạo như hỗ trợ thu phí, lệ phí đã được Công an TP Hà Nội tham mưu, giúp lãnh đạo TP chỉ đạo, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội.

Ngoài ra bên cạnh vai trò là thường trực, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an TP Hà Nội cũng là đơn vị tiên phong đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ được giao về triển khai thực hiện Đề án 06. Cụ thể, đối với các chỉ tiêu về đảm bảo dữ liệu dân cư “đúng, đủ, sạch, sống”, cấp CCCD, thu nhận và kích hoạt tài khoản định danh điện tử, đến nay, toàn TP cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu mà Bộ Công an giao, trong đó, trên 7 triệu người dân được cấp thẻ CCCD gắn chip, gần 6 triệu tài khoản định danh điện tử mức 1, 2 được thu nhận và kích hoạt. Đây là nền tảng rất quan trọng để UBND TP Hà Nội và Công an TP Hà Nội phát triển những dịch vụ công liên thông, trực tuyến phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.

 Những chỉ tiêu “làm sạch” dữ liệu cũng được lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH phối hợp các sở, ngành, UBND các cấp thực hiện nhằm chuẩn hóa dữ liệu ngành trên nền tảng gốc là dữ liệu dân cư. Cụ thể, đến nay, Công an TP Hà Nội đã hỗ trợ các ngành làm sạch dữ liệu về hộ tịch (2.834.730 trường hợp), đối tượng bảo trợ xã hội (194.600/201.731 trường hợp), dữ liệu trẻ em (1.724.324 trường hợp), dữ liệu người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (5.000 trường hợp), các dữ liệu phục vụ an sinh xã hội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024 đang đến gần...

Đối với công tác số hóa hồ sơ, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã hoàn thành số hóa hồ sơ tàng thư chứng minh nhân dân 9 số (trên 7 triệu tờ khai) và cơ bản hoàn thành việc số hóa hồ sơ tàng thư cư trú theo chỉ đạo của Bộ Công an.

Để phát huy vai trò then chốt, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”, Công an TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến lực lượng Công an phường, xã. Đơn vị đã tổ chức kiểm tra chất lượng Cảnh sát khu vực năm 2023 đối với 2.948 đồng chí cán bộ thực hiện công tác Cảnh sát khu vực của 175 Công an phường, 383 xã, 21 thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn TP. Hội thi “Nữ Cảnh sát khu vực tài năng Công an Thủ đô lần thứ nhất năm 2023” không những tôn vinh tài năng và đóng góp của lực lượng nữ Cảnh sát khu vực Công an Thủ đô, mà thông qua đó đã tạo sự lan tỏa trong toàn lực lượng, tạo hình ảnh đẹp với nhân dân Thủ đô. Bên cạnh đó, trong năm 2023 đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho gần 1.000 Cảnh sát khu vực, cán bộ làm công tác Cảnh sát khu vực trên địa bàn TP.

Xác định dịch vụ công trực tuyến là mấu chốt của công tác cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử ứng dụng phát triển từ cơ sở dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, do đó, Công an TP Hà Nội đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các giải pháp để người dân, doanh nghiệp được tạo điều kiện tốt nhất để tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công liên thông, trực tuyến. Hiện, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đang thực hiện 108 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và trong nhiều lĩnh vực thiết yếu. Hai nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi” “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí” đã nhận được sự hưởng ứng, đánh giá cao của người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH Công an Thủ đô cũng đã phối hợp với Thành đoàn, Đoàn Thanh niên Công an TP tổ chức nhiều tổ xung kích hướng dẫn công dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử, hỗ trợ người dân thực hiện các dịch công trực tuyến; tổ chức các tổ cấp CCCD lưu động; các tổ công tác hướng dẫn cơ sở lưu trú sử dụng tài khoản VNeID và phần mềm ASM để thực hiện thông báo lưu trú; cung cấp triển khai sáng tạo, linh hoạt các mô hình về dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.

Trong thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã phối hợp hiệu quả với các sở, ngành thực hiện những nhiệm vụ chuyển đổi số. Cụ thể, phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thí điểm số hóa dữ liệu hộ tịch (đã hoàn thành thí điểm và triển khai toàn TP); phối hợp Sở Y tế triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử.

Đến nay, CCCD gắn chip, VNeID được đa số người dân nắm rõ, trực tiếp trải nghiệm các thuận lợi trong quá trình giao dịch và thực hiện những thủ tục hành chính. Các tiện ích về các dịch vụ công thiết yếu trong nhiều lĩnh vực khác nhau không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức đi lại khi thực hiện mà còn giúp các cơ quan Nhà nước quản lý thống nhất, tập trung, minh bạch, tiết kiệm và hiệu quả, phòng, chống tham nhũng vặt, tội phạm. Các ứng dụng trong những lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng được các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội và người dân hưởng ứng tham gia, đạt được sự tín nhiệm, tin cậy của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thụ hưởng...