17/01/2025 lúc 02:14 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội: Thúc đẩy phát triển chuỗi nông sản an toàn

“Thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững là xu thế tất yếu” – ông Chu Phú Mỹ giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định.

“Thúc đẩy phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững là xu thế tất yếu” – ông Chu Phú Mỹ -Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội khẳng định.

Thời gian qua, Hà Nội đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với mục tiêu đảm bảo cung ứng nguồn nông sản an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô. Hiện nay, Hà Nội đã dẫn đầu cả nước về phát triển chuỗi nông sản an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân.

Đem lại hiệu quả kinh tế cao

Việc phát triển chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản an toàn trong nông nghiệp không chỉ giúp nâng cao lợi ích cho các thành phần tham gia mà còn gia tăng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất…

https://hanoi.gov.vn/image/image_gallery?img_id=2003102845472

Mô hình trồng dưa lưới cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo Sở NN&PTNT, đến nay cả nước có 1.642 chuỗi liên kết nông sản thì Hà Nội có 141 chuỗi (chiếm 9%), trong đó, có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.

Các chuỗi đã thu hút nhiều được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, nông hộ tham gia và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh) là ví dụ. Trên diện tích 100ha trồng rau màu, kể từ khi tham gia chuỗi liên kết nông sản an toàn, trung bình mỗi năm, hợp tác xã cung cấp cho thị trường Hà Nội 750-800 tấn rau an toàn. Theo tính toán, mỗi héc ta trồng rau cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm. Tương tự, Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) với hơn 2.500 thành viên tham gia, đây là một trong những đơn vị đầu tiên của Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo với nhãn hiệu gạo thơm Bối Khê. Đến nay, hợp tác xã có gần 700ha trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hiệu quả kinh tế đạt 180-200 triệu đồng/ha/năm.

https://hanoi.gov.vn/documents/2605401/10603849/a3td.JPG.jpg?t=1622431095010

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao Dự Hương 8 tại xã Lam Điền (huyện Chương Mỹ).

Đến nay, toàn thành phố có 70 hợp tác xã tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã tổ chức, hướng dẫn các hộ sản xuất bảo đảm quy trình an toàn thực phẩm trong từng công đoạn, xác định liên kết theo chuỗi là xu thế tất yếu, đáp ứng nhu cầu nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Các cơ sở trong chuỗi của các hợp tác xã được kiểm tra định kỳ, sản phẩm từ các chuỗi được đưa vào chương trình lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm, sản phẩm bước đầu có chỗ đứng trên thị trường. 

Tạo động lực mới phát triển các chuỗi nông sản

Mặc dù đã mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất và tiêu dùng nhưng trong quá trình xây dựng chuỗi nông sản an toàn vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế. Về cơ bản, các chuỗi liên kết nông sản đều chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là liên kết theo hình thức “thuận mua - vừa bán” giữa các chủ thể sản xuất với doanh nghiệp và thương lái tiêu thụ sản phẩm. Chủ thể nào bán giá thấp hoặc doanh nghiệp nào mua giá cao hơn so với thị trường thì sẽ xảy ra tình trạng đứt gãy và phá vỡ hợp đồng liên kết đã ký kết. Nhiều liên kết chỉ là sự khớp nối thông qua các sự kiện, chương trình kết nối giao thương sản phẩm nông nghiệp giữa người sản xuất và người tiêu thụ, chưa có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc ký kết hợp đồng liên kết cũng như đầu tư nguồn lực cho các điểm yếu trong liên kết chuỗi nên tính bền vững không cao, dễ bị đổ vỡ.

Nắm bắt được tình hình, thành phố Hà Nội  sẽ hỗ trợ phát triển, xây dựng 50 liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực gắn với cùng sản xuất chuyên canh tập trung của thành phố; 100% chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường; 100% liên kết chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc QR, minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.

Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng, xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh, Hà Nội).

Để đảm bảo các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, không bị đứt gãy, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, nâng cao quy mô kinh tế hộ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đa dạng hóa các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn.