15/01/2025 lúc 19:47 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội: Tăng cường ứng dụng CNTT trong phòng, chống dịch Covid-19

​​​​​​​Nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý giám sát đồng thời nhanh chóng truy vết, phát hiện các trường hợp F0 để bóc tách ra khỏi cộng đồng; góp phần hạn chế lây lan, tiến tới khống chế và đẩy lùi dịch bệnh; thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19.

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác quản lý giám sát đồng thời nhanh chóng truy vết, phát hiện các trường hợp F0 để bóc tách ra khỏi cộng đồng; góp phần hạn chế lây lan, tiến tới khống chế và đẩy lùi dịch bệnh; thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19.

Ứng dụng phần mềm khai báo Covid

Các sở, ban, ngành Thành phố cùng với UBND các quận, huyện, thị xã triển khai ứng dụng phần mềm khai báo Covid, kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư theo văn bản số 2795/UBND-NC được ban hành ngày 26/8. Theo đó, Công an Thành phố Hà Nội được giao tổ chức triển khai thực hiện ứng dụng phần mềm khai báo y tế trên trang website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn tại 23 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 của Thành phố các cửa ngõ chính ra - vào Thủ đô do lực lượng Công an Thành phố làm chốt trưởng và 44 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 của các huyện, thị xã giáp ranh với các tỉnh, địa phương khác do lực lượng Công an quận, huyện, thị xã làm chốt trưởng. Khi điều kiện cho phép, các lực lượng chức năng chủ động triển khai đối với 789 tổ tuần tra, kiểm soát dịch của Công an các quận, huyện, thị xã.

Người dân tiến hành kê khai thông tin cá nhân tại website https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn.

Tại các chốt kiểm soát dịch bệnh, cán bộ, chiến sĩ công an thực hiện nhiệm vụ tại chốt hướng dẫn, yêu cầu người dân di chuyển qua chốt kê khai thông tin trên điện thoại thông minh hoặc máy tính kết nối internet. Trường hợp người dân không có điện thoại thông minh, thì cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch phát mẫu phiếu khai báo y tế (do Bộ Công an và Bộ Y tế thống nhất ban hành) cho người dân để kê khai; cán bộ công an làm nhiệm vụ tại chốt thực hiện xác thực thông tin người dân theo hướng dẫn của Bộ Công an.

Song song với đó các sở, ban, ngành Thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí, UBND các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Y tế để người dân và cán bộ công nhân viên hiểu rõ, nắm chắc, chủ động tham gia khai báo trước thông tin biến động ra vào Thành phố. Đồng thời tạo điều kiện cho các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ giải quyết được nhanh chóng, bảo đảm việc lưu thông thông suốt trên các chốt; tránh ùn tắc, tập trung đông người dân tại chốt khai báo dễ dẫn đến lây nhiễm dịch Covid-19.

Đa dạng hình thức tiếp nhận thông tin phản ánh về dịch Covid-19

Thực hiện các chỉ đạo của UBND Thành phố về công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 22/7/2021, Sở TT&TT đã vận hành 2 đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố (0889.556.655 và 0889.557.755), cùng với đó là hòm thư phản ánh nguy cơ Covid-19 tại địa chỉ https://antoancovid.vn/phananhHN và tài khoản Zalo “Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội” chuyên mục “Phản ánh Covid”.

Tính từ ngày 22/7 đến 27/8, bộ phận trực, tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố đã tiếp nhận 18.246 cuộc gọi, tin nhắn; đã giải đáp 14.597 phản ánh, chuyển các cơ quan của Thành phố xử lý 3.649 phản ánh của người dân.

Hòm thư phản ánh nguy cơ Covid-19 tại địa chỉ https://antoancovid.vn/phananhHN.

Bằng việc triển khai các kênh tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn Thành phố các cơ quan chức năng của Thành phố đã kịp thời xử lý mọi tình huống phát sinh trong thời gian ngắn nhất, giảm thiểu tối đa các nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo an toàn cho người dân: nhiều sai phạm trong việc thực hiện giãn cách xã hội tại các địa phương đã được kịp thời phát hiện, xử lý; nhiều băn khoăn, kiến nghị của người dân liên quan đến điều kiện ra đường trong thời gian giãn cách xã hội, về công tác tiêm vắc xin của Thành phố hay những hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ.

Từ việc tiếp nhận, phân tích dữ liệu trên ứng dụng Bluzone và Tokhaiyte, bộ phận chuyên trách của Sở TT&TT đã bóc tách được hàng trăm người khai báo có biểu hiện ho, sốt, khó thở mỗi ngày để gửi về Sở Y tế Thành phố, các quận, huyện, thị xã để kịp thời tiến hành xét nghiệm, sàng lọc, phát hiện và bóc tách các ca F0 ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Cùng với đó, Sở TT&TT cũng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các nền tảng mạng xã hội, các trang thông tin điện tử cùng tham gia công tác truyền thông, lan tỏa những thông tin về Hà Nội. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, Sở TT&TT đã thực hiện, lựa chọn và gửi 173 bản tin với 1.333 tin, bài tới hơn 385.000 người quan tâm tài khoản “Sở Thông tin Truyền thông TP Hà Nội” trên ứng dụng Zalo; phối hợp gửi các thông báo khẩn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội tới hơn 7.000.000 tài khoản người dùng Zalo trên địa bàn thành phố Hà Nội, tương ứng với trên 108 triệu lượt nhận bản tin và tin nhắn...