Năm 2021, thành phố Hà Nội tiếp tục chú trọng phát triển đô thị theo hướng bền vững, đô thị thông minh đồng thời tập trung việc cải tạo, chỉnh trang đô thị cũ, khu vực phố cổ.
Chỉnh trang đường phố, hạ tầng kỹ thuật đô thị
Tiếp tục cải tạo, chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu vực đô thị (bao gồm các quận, khu vực thị trấn, thị tứ trên địa bàn các huyện và thị xã Sơn Tây). Chỉnh trang 180 tuyến phố sau khi hạ ngầm sắp xếp đường dây, cáp đi nổi, đồng bộ với chỉnh trang các công trình kiến trúc theo tuyến. Việc cải tạo, chỉnh trang phải được thực hiện đồng bộ với việc cải tạo, chỉnh trang công trình hai bên đường, đảm bảo giữ gìn không gian, kiến trúc đặc trưng của đô thị với phương châm đi từ trung tâm ra bên ngoài và liên hoàn, đồng bộ… Thực hiện giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn đường bộ, đường sắt; tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển quảng cáo, sắp xếp các bảng, biển chỉ dẫn giao thông, biển các cơ quan đơn vị làm ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị…
Thành phố thực hiện thường xuyên kiểm tra, duy trì tuyến phố văn minh đô thị tại các quận, huyện, thị xã. Nghiên cứu giải pháp cải tạo kiến trúc, trang trí cầu vượt, cầu đi bộ trong đô thị nhằm tăng cảnh quan đô thị, tạo điểm nhấn. Bổ sung, lắp đặt hệ thống camera giám sát phục vụ quản lý trật tự đô thị, an toàn giao thông.
Tổ chức rà soát các điểm đất công, đất xen kẹt, đất chưa sử dụng trong các khu dân cư để quy hoạch, xây dựng kế hoạch, huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở (nhà Văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi thể dục thể thao,…) phục vụ cộng đồng dân cư đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị.
Hồ Trúc Bạch.
Đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 45 công viên, vườn hoa, cải tạo, chỉnh trang cảnh quan xung quanh các hồ (Trúc Bạch, Giảng Võ, Thiền Quang, Đống Đa, Thành Công,…). Nghiên cứu cải tạo cảnh quan một số công viên đồng bộ với chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật xung quanh, hình thành các không gian đi bộ, sinh hoạt văn hóa kết hợp thương mại, dịch vụ.
Tiếp tục trồng bổ sung, thay thế cây xanh, hoa đẹp, rực rỡ trên hè, dải phân cách tại các tuyến đường tuyến phố. Thực hiện đổi mới công tác quản lý, duy trì, cắt tỉa, trồng mới cây xanh, thảm cỏ đảm bảo mỹ quan đô thị, kết hợp không gian đi bộ, du lịch thương mại và tiết kiệm chi phí. Từng bước hoàn thiện chiếu sáng trang trí theo chủ đề các khu vực trung tâm; khu vực quảng trường và các công viên, vườn hoa; chiếu sáng trang trí tại các tuyến đường vành đai, trục chính, hướng tâm và chiếu sáng các công trình kiến trúc. Bổ sung nhà vệ sinh thông minh, thùng rác 3R và các trạm sạc điện công cộng.
Cải tạo, xây dựng mới các khu chung cư, tập thể cũ
Thành phố Hà Nội tập trung rà soát, dành nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc các công trình kiến trúc tiêu biếu, các công trình mang kiến trúc lịch sử, văn hóa: tại khu vực nội đô lịch sử (khu vực Hoàng thành Thăng Long – Bảo tàng lịch sử, Cột cờ Hà Nội; khu vực công viên lịch sử khảo cổ Hoàng Diệu, Điện Kính Thiên và cụm công trình phụ cận; khu vực cầu Long Biên và 131 vòm cầu dẫn đường sắt phía nam cầu Long Biên,…), hoàn thành nghiên cứu quy hoạch khu Thành Cổ Loa nhằm phát huy giá trị di tích, gắn với phát triển du lịch giáo dục lịch sử truyền thống.
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Cùng với đó hoàn thành việc rà soát, ban hành Danh mục các công trình kiến trúc có giá trị và quy chế quản lý, bảo tồn, chỉnh trang công trình kiến trúc khác được xây dựng từ trước năm 1954. Thành phố Hà Nội sẽ chỉnh trang khoảng 20 nhà biệt thự nhóm 1, nhóm 2 có giá trị kiến trúc và 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954.
Đồng thời tập trung huy động nguồn lực phát triển các không gian công cộng (bãi đỗ xe kết hợp trung tâm thương mại, dịch vụ,…) tại khu vực nội đô lịch sử. Tăng cường sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đối với nhà ở cũ, nhà thuộc sở hữu nhà nước sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ. Hoàn thành phê duyệt danh mục và triển khai thực hiện theo lộ trình cơ sở nhà, đất phải di dời theo quy hoạch, cơ sở sản xuất công nghiệp không phù hợp quy hoạch, cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội.
Tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, Đảng bộ chính quyền các cấp, diện mạo Thủ đô sẽ có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn.