VNHN - Ngày 01/3/2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND về phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2021.
Phát triển nguồn năng lượng mặt trời
Nguồn tiềm năng của Việt Nam
Nguồn năng lượng tái tạo bao gồm: năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng, địa nhiệt,… Trên thế giới, năng lượng tái tạo có 3 dạng chính là năng lượng gió, năng lượng mặt trời và năng lượng sinh khối. Việt Nam là quốc gia nhiệt đới gió mùa, có bờ biển dài trên 3.260 km, gió biển quanh năm. Chính vì vậy, Việt Nam có thể tận dụng thế mạnh này để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo đặc biệt là năng lượng mặt trời. Đây chính là xu hướng phát triển, góp phần tăng cường điện năng cho quốc gia cũng như giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cùng với việc áp dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ tài chính, Hà Nội đã ban hành kế hoạch thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch này.
Phát triển nguồn tiểm năng vốn có
Với mục tiêu, năm 2021 toàn thành phố Hà Nội phát triển điện mặt trời trên mái nhà tăng thêm khoảng 15MWp (bình quân 0,5MWp/quận, huyện, thị xã) và phát triển nguồn năng lượng tái tạo (từ điện rác) khoảng 75MW. UBND thành phố Hà Nội tập trung triển khai thực hiện 4 nhóm giải pháp.
Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích, sự cần thiết về phát triển các dự án điện rác và điện mặt trời trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Về khoa học và công nghệ, UBND thành phố sẽ lựa chọn công nghệ xử lý rác có thu hồi năng lượng hiện đại, hiệu suất cao để phát điện tại các dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại đối với các hệ thống điện mặt trời trên mái nhà (tấm pin mặt trời có hiệu suất cao, thân thiện môi trường; bộ biến tần Inverter bảo đảm chất lượng điện năng nối lưới), có kết hợp với hệ thống tích trữ năng lượng.
Song song với đó, UBND thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất ban hành và áp dụng cơ chế đặc thù nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời; nghiên cứu, xây dựng quy định việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan ban, ngành, UBND các cấp, công an các phường, các trạm y tế, trường học... để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
Ngoài ra, UBND thành phố sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để đầu tư, phát triển các dự án điện mặt trời, điện rác; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, thông qua các hình thức đầu tư trực tiếp, hội thảo khoa học, nghiên cứu xây dựng phòng thử nghiệm hợp chuẩn.
Thông qua các giải pháp trên, thành phố sẽ ban hành, áp dụng bộ cơ chế đặc thù của thành phố nhằm khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển hệ thống điện năng lượng mặt trời. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng quy định việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo các trụ sở cơ quan ban, ngành, UBND các cấp, công an các phường, các trạm y tế, trường học... để thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo.
UBND thành phố Hà Nội đề ra kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo nhằm hướng tới xây dựng một thành phố sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện với môi trường. Đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội./.