Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Thành phố Hà Nội luôn chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho người dân duy trì cuộc sống, vượt qua khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh.
Trong tháng Tám, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã không nhỏ đến đời sống của người dân Thủ đô, nhất là người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người thu nhập thấp, người lao động ngoại tỉnh sinh sống, làm việc tại Hà Nội. Cùng với tăng cường phòng chống dịch, Thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Thành phố đã có quyết định hỗ trợ an sinh xã hội cho gần 2,4 triệu lượt người, hộ gia đình.
Với tinh thần Thành phố chung tay cùng người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, cố gắng đưa nguồn lực hỗ trợ tới người dân trong thời gian sớm nhất, kịp thời chăm lo đảm bảo cuộc sống cho người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn. Tính đến 16h ngày 20/8/2021, Thành phố đã ra quyết định hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội với kinh phí 230,3 tỷ đồng (đã thực hiện được 200,5 tỷ đồng). Đây là Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội, góp phần giữ vững ổn định xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp và có xu hướng kéo dài, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Đồng thời, Thành phố ban hành Chính sách hỗ trợ đặc thù cho 10 nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết 15/NQ- ĐND ngày 13/8/2021 của ĐND Thành phố. Theo đó, 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đặc thù của TP Hà Nội, bao gồm:
1. Hỗ trợ hộ nghèo
2. Hỗ trợ hộ cận nghèo
3. Hỗ trợ đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng
4. Hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đã được tiếp nhận vào Trung tâm BTXH nhưng đang sống tại gia đình, chưa vào lại Trung tâm do ảnh hưởng của Covid-19.
5. Hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; thương binh hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
6. Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do hộ kinh doanh tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.
7. Người lao động làm việc tại hộ kinh doanh (có ký hợp đồng lao động với người lao động và có đóng bảo hiểm xã hội) chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
8. Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và không thuộc đối tượng được quy định tại chương IV Quyết định số 23/QĐ-TTg.
9. Người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động nhưng phải chấm dứt hợp đồng lao động và không thuộc đối tượng được quy định tại chương VI Quyết định số 23/QĐ-TTg phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước về phòng chống dịch Covid-19.
10. Hỗ trợ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục (có trụ sở chính tại Hà Nội và do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập theo quy định) phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu cơ quan nhà nước về phòng chống dịch Covid-19.
Các đối tượng gặp khó khăn nhận hỗ trợ do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Với tinh thần tương thân tương ái, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Liên đoàn Lao động Thành phố và quận, huyện, thị xã đã huy động nhiều nguồn lực để cùng chung sức hỗ trợ cho các đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh. Thành phố đã hỗ trợ cho 191,1 nghìn người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 191,1 tỷ đồng (đã thực hiện chi trả cho hơn 107 nghìn người với số tiền trên 107 tỷ đồng). Ngoài ra, các quận, huyện, thị xã sẽ tiếp tục tăng cường rà soát, lập danh sách, chuẩn bị các phương án sẵn sàng hỗ trợ cho người dân khi có nhu cầu.
Cũng trong tháng Tám, Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, đối tượng chính sách xã hội vay vốn, giúp tạo việc làm cho 180 lao động với tổng số tiền là 8,6 tỷ đồng; Quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho gần 7,3 nghìn người với số tiền 168,9 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề với số tiền 75 triệu đồng.
Song song với đó, Thành phố đã chủ động đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, không để xảy ra tình trạng tăng giá và khan hiếm hàng hóa. Thành phố có kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng lượng hàng hóa tăng gấp 3 lần so với tháng thường và dự trữ trong 3 tháng. Các hệ thống phân phối cũng đa dạng các hình thức bán hàng (bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, tổ chức bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần) để phục vụ nhân dân.
Chương trình “Siêu thị mini 0 đổng” cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân.
Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng lưu động trong tình huống dịch Covid-19 phức tạp, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động đã bố trí. Đến nay đã có 09 quận tổ chức 45 điểm bán hàng lưu động, 63 điểm bán hàng dã chiến phục vụ nhân dân do trên địa bàn có chợ hoặc cơ sở kinh doanh phải đóng cửa vì xuất hiện ca mắc Covid-19. Tại khu vực bị cách ly, phong tỏa, các quận, huyện, thị xã đã bố trí Tổ Covid cộng đồng cùng các lực lượng liên quan có nhiệm vụ cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất. Thành phố cũng đã tổ chức 05 chương trình “Siêu thị mini 0 đồng - Hà Nội trái tim hồng” để hỗ trợ người nghèo, công nhân lao động trên địa bàn, dự kiến sẽ tiếp tục mở thêm 18 điểm trong thời gian tới.
Trong thời gian giãn cách theo chỉ thị 16, Thành phố Hà Nội luôn tập trung mọi nguồn lực, bằng mọi biện pháp, tận dụng tối đa “thời gian vàng” nhằm thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, thần tốc truy vết, trong thời gian ngắn nhất bóc tách triệt để các F0, kiểm soát để dịch bệnh không lây lan, bùng phát.