Thời gian qua, các địa phương đã chủ động giảm nhanh diện tích canh tác lúa kém hiệu quả chuyển sang cây trồng, vật nuôi khác cho hiệu quả kinh tế khá. Đối với diện tích lúa còn lại, thành phố Hà Nội khuyến khích tập trung xây dựng cánh đồng mẫu lớn nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao hơn...
Chuyển đổi canh tác thành cánh đồng mẫu lớn cho hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó có huyện Ứng Hòa, là địa phương có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa nhưng huyện đã chủ động giảm dần diện tích canh tác lúa kém hiệu quả. 5 năm qua, toàn huyện chuyển đổi được 1.017ha đất lúa trũng kém hiệu quả, hình thành các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản... Giá trị thu nhập từ các vùng chuyển đổi đều đạt 300-800 triệu đồng/ha, gấp 5-7 lần cấy lúa.
Bên cạnh đó, huyện Phú Xuyên, trong 5 năm qua, tổng diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình chăn nuôi, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản đạt 2.430ha. Qua 5 năm chuyển đổi đất lúa trên địa bàn huyện cho thấy, việc chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế cao, rất phù hợp với tình hình thực tiễn, không những cho thu nhập vượt trội trên cùng đơn vị diện tích, mà còn góp phần giải quyết tình trạng bỏ hoang đất sản xuất; giảm áp lực tưới tiêu, phòng tránh sâu bệnh hại, cải tạo đất, góp phần hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Hà Nội có gần 100.000ha, là một trong những địa phương có diện tích lớn của cả nước về canh tác lúa. Mặc dù năng suất bình quân hàng năm khá cao nhưng hiệu quả sản xuất một số diện tích không cao do đất lúa kém hiệu quả; chi phí cho sản xuất ngày càng tăng, đội giá thành, đất trồng lúa có dấu hiệu suy thoái về chất lượng, giảm độ màu mỡ... Vì vậy, việc giảm diện tích gieo trồng lúa kém hiệu quả là nhu cầu tất yếu đối với những vùng khó khăn về nước tưới, vùng vàn cao, vùng xen kẹt giữa dự án thu hồi đất, diện tích ruộng trũng thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa bão...
Đối với diện tích chuyên lúa, phù hợp sản xuất lâu dài, Hà Nội khuyến khích nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật trên cây lúa để đạt được hiệu quả cao hơn. Các mô hình lúa chất lượng cao, mô hình lúa hữu cơ, mô hình canh tác lúa tiên tiến như "3 giảm 3 tăng", quản lý dịch hại tổng hợp IPM và mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái đang được các địa phương tích cực triển khai sau khi giảm diện tích cấy lúa kém hiệu quả.
Điển hình như tại huyện Ứng Hòa, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Tiến Hoàng cho biết: Toàn huyện tiếp tục chuyển đổi khoảng hơn 2.000ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác, đưa diện tích đất 2 lúa trên địa bàn duy trì khoảng 6.000ha. Đối với diện tích lúa ổn định, tập trung sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, lúa hữu cơ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn ứng dụng kỹ thuật, cơ giới hóa đồng bộ...
Và Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường: Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Hà Nội dự kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa với tổng diện tích khoảng 20.000ha nhằm thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh, nâng cao hiệu quả sản xuất, khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang... Đối với diện tích còn lại, Hà Nội tập trung chuyển hướng sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao.
Thành phố sẽ đầu tư, vận động các địa phương xây dựng cánh đồng mẫu lớn, thu hút doanh nghiệp liên kết vào bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đặc biệt, thành phố khuyến khích hợp tác đầu tư sản xuất tập trung theo các mô hình cánh đồng lớn, cung ứng trong chuỗi giá trị lúa gạo. Các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên... sẽ được mở rộng trên nhiều vùng, thu hút sự tham gia của người dân, thiết lập chuỗi giá trị hiệu quả giữa nông dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp; phấn đấu có 70% diện tích lúa hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP với các giống mới chất lượng cao.