07/11/2024 lúc 07:20 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nam: Tập trung các giải pháp ứng phó với mưa lũ

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 kết hợp việc xả lũ của các hồ thủy điện Hòa Bình và Tuyên Quang làm cho mực nước trên sông Đáy và sông Hồng lên rất nhanh. Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Nam, vào 01 giờ ngày 11/9/2024: mực nước trên sông Đáy tại TTV Phủ Lý là: 4.81m (trên Báo động III: 0.81m), mực nước sông Hồng tại TTV Hưng Yên là 6,76m (dưới báo động III là 0,24m).

Hàng nghìn hộ dân thuộc các xã ven sông Đáy, sông Châu trên địa bàn thành phố Phủ Lý, huyện Thanh Liêm và Lý Nhân, thị xã Duy Tiên bị ngập lụt do nước sông dâng cao.

Hình ảnh tại Âu Tắc Giang, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam

Trước tình hình lũ lụt diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương kiểm tra và xử lý kịp thời các sự cố trên đê, kè, bối. Tính đến 07h00 ngày 11/9, các địa phương đã di dời hơn 640/2.795 hộ dân cần di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đã di dời khoảng 40.419 con gia súc, gia cầm và khoảng 850 vật dụng, tài sản của nhân dân. Tại các địa điểm sơ tán, đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm cho sinh hoạt của các hộ dân.

Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo thành lập 6 Tổ công tác với 106 cán bộ công an cấp phòng và huy động trên 800 chiến sỹ công an chính quy cấp xã cùng 1.600 thành viên lực lượng bảo đảm an ninh trật tự. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động 228 đồng chí thường trực, 978 dân quân, 8 xe ô tô và 1 xuồng ST660 để hỗ trợ ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Thanh Liêm và Lý Nhân.

Lực lượng chức năng cùng người dân ứng phó mưa lũ tại những khu vực nước tràn

Ngày 10/9, đồng chí Lê Thị Thủy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã đi kiểm tra một số công trình đê điều và khu dân cư bị ảnh hưởng bởi mưa bão trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Lê Thị Thủy yêu cầu các địa phương, đơn vị quan tâm tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ, khẩn trương di dời các hộ dân bị ngập sâu, bảo đảm an toàn tính mạng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân. Bên cạnh đó, kiểm tra tuyến đê xung yếu thuộc địa bàn xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền huyện Kim Bảng và xã Ngọc Sơn duy trì ứng trực 24/24 giờ, nhất là theo dõi sát sao những khu vực xung yếu, trọng điểm, cần thiết sửa chữa, gia cố kịp thời tránh xói mòn, nước thẩm lậu qua thân đê và sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ, di dời người dân và tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn khi nước trên sông Đáy tiếp tục dâng cao. Đồng thời, Đồng chí cũng yêu cầu chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ người dân bảo đảm đời sống trong thời gian nước lũ dâng cao; tăng cường thông tin về tình hình mưa lũ đến người dân; vận động nhân dân chủ động các phương án phòng, chống ngập úng…

Đồng chí Lê Thị Thủy - Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam đã có mặt tại các khu vực xung yếu trên địa bàn, để kiểm tra tình hình ngập úng và công tác bảo vệ đê điều

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng nhiệm vụ theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thực hiện nghiêm chế độ thường trực; khẩn trương, quyết liệt thực hiện các nội dung, giải pháp chủ động ứng phó khắc phục với tình hình mưa lũ, thiên tai trên địa bàn tỉnh, ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng người dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra

Tiếp tục thực hiện phương châm "4 tại chỗ" trong công tác khắc phục hậu quả bão số 3 và phòng chống lũ lụt, lực lượng Công an sẽ đảm bảo an ninh trên địa bàn, đặc biệt là tại các khu vực đã di dời để bảo vệ tài sản của người dân. Lực lượng quân đội và công an hỗ trợ di chuyển tài sản khỏi vùng lũ và giúp bà con thu hoạch lúa. Ngành Y tế hướng dẫn phòng chống dịch bệnh và sẵn sàng cử cán bộ y tế tham gia hỗ trợ phòng chống dịch bệnh cả trong thời gian lũ lụt và khi nước rút. Các địa phương tập trung hướng dẫn và hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, xử lý ô nhiễm, phòng chống dịch bệnh, và hỗ trợ tái sản xuất khi nước lũ rút để nhanh chóng ổn định đời sống.

Một số tuyến phố ven sông Đáy - thành phố Phủ Lý ngập sâu trong nước

Đối với các khu công nghiệp, Ban Quản lý các khu công nghiệp sẽ phối hợp với địa phương, Công ty Điện lực Hà Nam và Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Hà Nam để xây dựng và triển khai các phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các doanh nghiệp.

 

 

Như Thiệp