Với quan điểm: Thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc các dự án tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng; lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, trong thời gian qua, tỉnh Hà Nam đã tập trung hướng đến việc kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài có thế mạnh phù hợp với định hướng của tỉnh. Những chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Lê Thị Thủy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trương Quốc Huy cùng đoàn công tác đã giúp hoạt động xúc tiến đầu tư FDI của Hà Nam đạt được những bước tiến quan trọng. Tỉnh hiện đã có 111 dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản đang sản xuất - kinh doanh, với số vốn đầu tư đăng ký 1,4 tỷ USD, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn như Honda, Sumi, YKK… và một số tập đoàn đang về nghiên cứu như: Mikazuki, Itochu, Yoshida Kaiun, Metran… Bên cạnh đó, Hà Nam thu hút thành công 148 dự án đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc với tổng vốn đầu tư trên 1,7 tỷ USD. Đến nay, Hàn Quốc là quốc gia đứng đầu về cả số dự án và số vốn đầu tư trong tổng số 13 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Hà Nam.
Mục tiêu tỉnh Hà Nam đề ra là lọt top những tỉnh thu hút đầu tư dẫn đầu cả nước, qua đó phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 được xác định tại Nghị quyết số 46/2021/NQ-HĐND ngày 08/12/2021 của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Trong đó, tập trung cao độ để hoàn thành chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế 9,8%; hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách (vượt trên 1.500 tỷ đồng so với Nghị quyết HĐND tỉnh) đảm bảo tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương 9%.
Không chỉ xác định rõ mục tiêu, quan điểm, đối tượng… của hoạt động xúc tiến đầu tư, tỉnh Hà Nam còn có những cách làm đổi mới và sáng tạo, phù hợp và sát với tình hình thực tiễn. Đó là:
Thường xuyên trao đổi, liên lạc, thiết lập mối quan hệ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong và ngoài nước (Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Trung tâm xúc tiến đầu tư phía Bắc, Trung tâm xúc tiến đầu tư các tỉnh, các đại sự quán, lãnh sự quán tại các nước và các tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư nước ngoài như Jetro, Jica, Kotra, Korcham, Taitra...) để phối hợp, tham gia các hội thảo, hoạt động xúc tiến đầu tư. Trong các chuyến xúc tiến đầu tư, đoàn công tác của tỉnh đặc biệt chú ý đến các tập đoàn lớn, những doanh nghiệp đang quan tâm đầu tư vào Hà Nam để trực tiếp gặp gỡ, mời gọi đầu tư: giới thiệu những thông tin tổng quan về tiềm năng, lợi thế, kết quả thu hút đầu tư, cơ hội đầu tư, chính sách thu hút đầu tư vào địa phương; lắng nghe ý kiến trao đổi của các nhà đầu tư; giải đáp, làm rõ băn khoăn, thắc mắc, mối quan tâm của doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu và đầu tư vào tỉnh Hà Nam; cam kết thực hiện những nội dung mà nhà đầu tư kỳ vọng.
Duy trì đối thoại thường xuyên với các Doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ nhằm tiếp tục củng cố lòng tin của các nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại các khu công nghiệp của tỉnh, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới. Lập điện thoại đường dây nóng 24/24h để các doanh nghiệp có thể phản ánh trực tiếp những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Trong năm 2022, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã tổ chức nhiều Hội nghị Gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp nhằm đưa ra những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Song song với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh được coi trọng và đẩy mạnh, đặc biệt là các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp như cấp chứng nhận đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai... hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đảm bảo thời gian nhanh nhất cho nhà đầu tư. Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tuyển dụng lao động, thực hiện các thủ tục về đăng ký mẫu dấu, mã số thuế, trực tiếp làm đầu mối thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác nhận tài sản trên đất cho các doanh nghiệp,… Đối với những công ty có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao luôn có những cơ chế ưu tiên để thu hút.
Bên cạnh việc tập trung xây dựng Quy hoạch tỉnh, bổ sung Quy hoạch các Khu Công nghiệp, Cụm công nghiệp; ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, tỉnh Hà Nam còn quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, hạ tầng giao thông được đầu tư, nâng cấp đáp ứng yêu cầu giao thông, vận tải, đảm bảo giao thông kết nối, thông suốt; hệ thống hạ tầng cấp điện, viễn thông và cấp thoát nước được xây dựng đến chân hàng rào doanh nghiệp, đáp ứng đầy đủ, ổn định cho nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp 24/24 giờ. Đặc biệt, hệ thống nước thải được xử lý đồng bộ, có hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy định. Hạ tầng xã hội và các dịch vụ tiện ích khác như: giáo dục, y tế, hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, tín dụng; hệ thống khách sạn, nhà hàng, khu du lịch chất lượng cao... cũng được chú trọng đầu tư, xây dựng, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, chuyên gia và người lao động.
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng phát huy, quảng bá các lợi thế; quan tâm chuẩn bị quỹ đất sạch, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư và hạ tầng xã hội, như: nhà ở công nhân, nhà trẻ, dịch vụ thương mại phục vụ nhu cầu chuyên gia nước ngoài và công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Đặc biệt, tỉnh quan tâm quy hoạch và thu hút doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân triển khai đồng bộ với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và khu vui chơi giải trí phục vụ chuyên gia và người lao động; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; xây dựng, hoàn thành các công trình giao thông kết nối Hà Nam với các tỉnh, thành phố xung quanh; tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, nhất là các dịch vụ về điện, nước sạch, bảo đảm phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động…
Việc chủ động triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm, đổi mới và sáng tạo đã giúp Hà Nam tiếp tục đẩy mạnh thu hút và chọn lọc các nhà đầu tư có đủ tiềm lực, công nghệ hiện đại, sản phẩm thân thiện với môi trường để đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 01/01/2022 đến ngày 30/11/2022, Hà Nam thu hút 54 dự án (bằng 128,6% so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 17 dự án FDI và 37 dự án trong nước; thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 60 dự án (bằng 176,5% so với cùng kỳ năm 2021) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 549,7 triệu USD (bằng 192,8% so với cùng kỳ 2021) và 13.069,7 tỷ đồng (bằng 152,6% so với cùng kỳ 2021). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.116 dự án đầu tư còn hiệu lực (bằng 105,3% so với cùng kỳ 2021), trong đó 357 dự án FDI và 759 dự án trong nước với vốn đăng ký 5.053,4 triệu USD (bằng 110,6% so với cùng kỳ 2021) và 158.656,8 tỷ đồng (bằng 108,6% so với cùng kỳ 2021). Kết quả này một lần nữa khẳng định sự sáng tạo, đổi mới trong cách thức thu hút đầu tư tại Hà Nam, đồng thời cho thấy tỉnh cửa ngõ phía Nam Thủ đô đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư./.