Trong những năm gần đây, với các chính sách thông thoáng, môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam luôn được đánh giá cao, và đã trở thành 1 trong 10 tỉnh thành phố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cao nhất cả nước. Thực tế đó tạo thêm tiền đề để hoạt động xúc tiến đầu tư của Hà Nam có những bước phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo, đặc biệt là ngay trong giai đoạn 2021-2025.
Những năm qua, với sự quyết tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tỉnh Hà Nam đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; liên tiếp trong các năm qua đều đứng trong top các tỉnh thu hút đầu tư FDI hiệu quả nhất trong cả nước. Bằng chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, các KCN đã thu hút được những dự án lớn từ quốc gia có nền công nghiệp phát triển và những tập đoàn lớn.
KCN Đồng Văn IV - Kim Bảng, Hà Nam
Thành quả từ chính sách thu hút đầu tư
Chính sách xúc tiến đầu tư, ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư của tỉnh Hà Nam trong thời gian qua được các nhà đầu tư đánh giá cao. Tỉnh thường xuyên cho công bố rõ ràng cho nhà đầu tư định hướng xúc tiến đầu tư và danh mục dự án thu đầu tư từng thời kỳ, hiện tại trên cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam có mục “Chính sách ưu đãi, cơ hội đầu tư, các dự án mời gọi vốn đầu tư”.
Mặc dù chủ trương là tập trung thu hút FDI, nhưng tỉnh Hà Nam chỉ đạo không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà các dự án được lựa chọn phải có đầy đủ năng lực tài chính cũng như công nghệ phải tiên tiến, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư mới, đặc biệt là thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo… Trên tinh thần đó, các nhà đầu tư khi đến Hà Nam tìm hiểu môi trường đầu tư và triển khai thực hiện dự án đều được hỗ trợ, tư vấn kịp thời về các cơ chế, chính sách, những lợi thế, thuận lợi khi thực hiện đầu tư tại tỉnh Hà Nam. Mặt khác, trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp, tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan phải chủ động, thường xuyên rà soát tình hình đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Những khó khăn, vướng mắc mà nhà đầu tư quan tâm đều được giải đáp cụ thể, giải quyết kịp thời. Nhờ vậy, các dự án FDI, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đều nhanh chóng hoàn thiện thủ tục triển khai đầu tư xây dựng để đưa dự án đi vào hoạt động theo đúng cam kết.
Một trong những vấn đề mà doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp FDI nói riêng thường quan tâm, lo lắng là việc giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, những lo lắng ấy trong thời gian qua đã được các cấp, ngành liên quan trong tỉnh giải tỏa. Ngoài việc duy trì thực hiện tốt 10 cam kết với nhà đầu tư, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, địa phương, đơn vị cần hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động. Cụ thể là các chủ đầu tư hạ tầng KCN phải quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thường xuyên nâng cao chất lượng các dịch vụ (điện, nước, viễn thông…); các ngành, địa phương hỗ trợ tối đa thủ tục hành chính, luôn lắng nghe, nắm bắt phản ánh của doanh nghiệp để trực tiếp giải quyết (những vấn đề thuộc thẩm quyền) hoặc tham mưu với tỉnh giải quyết kịp thời. Trên thực tế, có nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện đã được giải quyết nhanh, tạo niềm tin ngay từ đầu đối với các nhà đầu tư.
Sản xuất các thiết bị liên lạc trên xe ô tô tại Công ty TNHH Yokowo (Nhật Bản), KCN Đồng Văn II, thị xã Duy Tiên (Ảnh: Báo Hà Nam điện tử)
Những chủ trương, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng cùng với quyết tâm cao của các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã đem lại những kết quả quan trọng. Theo số liệu của Sở KH&ĐT, năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam thu hút được 74 dự án đầu tư mới (32 dự án FDI và 42 dự án trong nước) và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 61 dự án với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 799 triệu USD và 22.470 tỷ đồng.
Như vậy, so với năm 2019 số dự án thu hút đầu tư mới toàn tỉnh giảm về số lượng chỉ bằng 62%, nhưng lại tăng về giá trị tổng vốn đầu tư 136%. Trong đó, các KCN cấp mới 44 dự án (30 dự án FDI và 14 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư 548 triệu USD và 2.002 tỷ đồng. Ngoài KCN cấp mới 30 dự án (02 dự án FDI và 28 dự án trong nước) với tổng vốn đăng ký đầu tư 22,5 triệu USD và 19.040 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có 1.027 dự án đầu tư còn hiệu lực (327 dự án FDI và 700 dự án trong nước) với vốn đăng ký 4.337,0 triệu USD và 139.049 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút được một số dự án lớn đầu tư lớn như: Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật CCN Châu Giang và Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Hồng Đức tổng vốn đầu tư 2.752,8 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Cụm cảng Yên Lệnh Hà Nam tại xã Chuyên Ngoại, TX. Duy Tiên tổng vốn đầu tư 2.625,27 tỷ đồng ...
Hướng tới tương lai phát triển
Bước vào giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hà Nam xác định: Tập trung tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng sức cạnh tranh để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Tỉnh có chủ trương trình Chính phủ về việc quy hoạch và phát triển các KCN đến năm 2025 là 15 KCN với diện tích 6.014ha (tăng 3.480ha), trong đó mở rộng thêm 04 KCN với diện tích tăng thêm 1.020ha, thành lập mới 6 KCN với diện tích 2.210ha. Trong năm 2021, tỉnh tập trung hoàn thiện hồ sơ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng và tập trung thu hút đầu tư vào các KCN Thái Hà giai đoạn I, KCN Đồng Văn I mở rộng, KCN Đồng Văn IV, KCN Thanh Liêm giai đoạn II để sẵn sàng quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư. Đồng thời khẩn trương triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch cho thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú trọng quy hoạch khu y tế chất lượng cao, khu đô thị Đại học Nam Cao; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng khai thác, chế biến vật liệu xây dựng; quy hoạch phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, hỗ trợ cho các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, giải trí, sáng tạo, văn hóa, lễ hội. Quan tâm xử lý môi trường sông Nhuệ, sông Đáy.
Những chương trình, dự án lớn được đầu tư xây dựng tại Hà Nam không chỉ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Tỉnh, mà là minh chứng cho một môi trường đầu tư tốt, đủ hấp dẫn các nhà đầu tư. Một trong những Dự án lớn nhất mới được xác định là Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đồng Văn I mở rộng phía Đông Bắc nút giao Vực Vòng - giai đoạn I, tỉnh Hà Nam, với tổng vốn đầu tư của dự án là 1.103 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 220 tỷ đồng; quy mô sử dụng đất 100 ha, theo quyết định của Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký hồi tháng 3/2021. Đây cũng là một dự án lớn, góp phần mở ra giai đoạn mới trong hoạt động đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ đối với tỉnh Hà Nam. Và mới đây, ngày 20/5/2021, UBND tỉnh Hà Nam đã có quyết định số 11/2021/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại, nhằm định hướng phát triển thị trường ngoại thương; thị trường trong nước phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, cũng tạo thêm điều kiện để công tác xúc tiến đầu tư, thương mại được đẩy mạnh.
KCN Đồng Văn 1 – Duy Tiên, Hà Nam
Năm 2021 là một năm rất nhiều khó khăn do những diễn biến hết sức phức tạp của đại dịch Covid-19, trong đó hoạt động xúc tiến đầu tư cũng chịu những ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm và chỉ đạo, tổ chức sâu sát và thường xuyên của Tỉnh, sự phát triển doanh nghiệp và đầu tư của Hà Nam vẫn đạt được những kết quả rất ấn tượng. Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nam, tính từ đầu năm 2021 đến thời điểm 15/6, cả tỉnh có 332 doanh nghiệp thành lập mới; lũy kế đến 27/5/2021, toàn tỉnh có 1.041 dự án đầu tư còn hiệu lực (333 dự án FDI và 708 dự án trong nước). Về thu hút đầu tư, tính đến ngày 27/5/2021, toàn tỉnh thực hiện cấp mới 14 dự án và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 14 dự án với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 83,948 triệu USD và 2.813,08 tỷ đồng. Vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm ước đạt 17.008,9 tỷ đồng, tăng 2,6% so với cùng kỳ, bằng 46,3% kế hoạch năm; tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 7.309,7 tỷ đồng, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 76% dự toán địa phương phấn đấu; tổng chi cân đối Ngân sách Nhà nước ước thực hiện 4.348,8 tỷ đồng, bằng 51,8% dự toán Trung ương và bằng 50,6% dự toán địa phương; huy động vốn của các tổ chức tín dụng 6 tháng đầu năm ước đạt 51,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với thời điểm 31/12/2020; dư nợ tín dụng toàn tỉnh đạt 52,8 nghìn tỷ đồng, tăng 6,85% so với thời điểm 31/12/2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho 10.920 lao động. Giá trị xuất khẩu năm 2021 ước đạt 4.001 triệu USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 124,7% kế hoạch cả năm 2021; Giá trị nhập khẩu năm 2021 ước đạt 3.529 triệu USD, tăng 26,3% so cùng kỳ năm 2020, bằng 126,3% kế hoạch cả năm 2021...
Đó là những con số biết nói đầy khích lệ về hoạt động xúc tiến đầu tư của Hà Nam trong bối cảnh đại dịch covid-19 của năm 2021. Với phương châm “Luôn sát cánh với nhà đầu tư, đồng hành với các doanh nghiệp”, tỉnh Hà Nam thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc, đối thoại nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ. Việc làm này tiếp tục củng cố lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới… Tuy vậy, chất lượng dịch vụ cung cấp cho các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trong khu công nghiệp đôi khi chưa được đảm bảo, cần tiếp tục hoàn thiện.
Phát huy những thành quả đạt được, đồng thời tiếp tục hoàn thiện về thủ tục đầu tư và các dịch vụ cung cấp cho các nhà đầu tư, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục là một điểm sáng về hoạt động đầu tư, là điểm đến hấp dẫn để các nhà đầu tư trong và ngoài nước lựa chọn.
Như Thiệp