19/01/2025 lúc 22:16 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nam: Đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo “cú hích” phát triển kinh tế

Trong những năm qua, nhờ những chủ trương, chính sách đúng đắn và quyết tâm của các cấp, các ngành, Hà Nam đã lọt top các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trên đà phát triển, tỉnh Hà Nam đang tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, tăng sức cạnh tranh để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Hà Nam có lợi thế về vị trí địa lý và quỹ đất sạch để thu hút đầu tư

Năm 2022 đánh dấu mốc son lần đầu tiên kể từ khi được tái lập (1997), Hà Nam tự chủ ngân sách có điều tiết về Trung ương – thành quả kết tinh từ những phấn đấu, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh. Thu hút đầu tư chính là động lực thúc đẩy phát triển KT-XH, trong đó thu hút đầu tư FDI đóng vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, góp phần khai thác tốt các thế mạnh sẵn có, mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Hà Nam. 

Trong quá trình phát triển, Hà Nam luôn xác định rõ những thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Đó là ưu thế về vị trí địa lý (tỉnh cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), về cơ sở hạ tầng (đã có 08/08 KCN đã được triển khai đầu tư xây dựng, trong đó có 07/08 KCN đã đi vào hoạt động với diện tích 2.143 ha), về nguồn nhân lực (trên 55% dân số nằm trong độ tuổi lao động, 59% lao động được đào tạo)… Những năm qua, Hà Nam đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan truyền thông phát hành các tài liệu phục vụ xúc tiến đầu tư, quảng bá, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp; tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hà Nam tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước; thường xuyên tổ chức các hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại nước ngoài; thành lập Trung tâm hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản để hỗ trợ các doanh nghiệp; ký kết hợp tác giao lưu kinh tế, văn hóa và xúc tiến đầu tư tại các tỉnh của Nhật Bản, Hàn Quốc... Cùng với đó, Hà Nam tận dụng tối đa những lợi thế về vị trí địa lý, huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính... Nhờ những nỗ lực toàn diện đó dẫn đến những bứt phá trong thu hút đầu tư của Hà Nam trong thời gian qua. 

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam gặp mặt, đối thoại các doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Song hành với các giải pháp thu hút đầu tư nói chung, để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hà Nam đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; linh hoạt, sáng tạo, đổi mới trong định hướng đầu tư. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy đã tổng hợp và nêu ra 7 nhóm giải pháp cơ bản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là:

Thứ nhất, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch, bảo đảm phát huy, sử dụng có hiệu quả tiềm năng lợi thế và nguồn lực của tỉnh. Đặc biệt, sớm hoàn thiện quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thư hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai có hiệu quả dịch vụ hành chính công từ tỉnh đến cơ sở, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nghiên cứu xây dựng bổ sung các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chung của tỉnh về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các dự án lớn, trọng điểm, dự án công nghệ cao…

Thứ ba, chú trọng phát huy năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để đủ thực lực hội nhập quốc tế, hỗ trợ quá trình liên doanh, liên kết với doanh nghiệp nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghiệp chế tạo. 

Thứ tư, tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo, tập trung phát triển các trường, các nghề trọng điểm.

Hà Nam tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng.

Thứ năm, tăng cường hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư cả trong và ngoài nước. Công khai kế hoạch và các thủ tục đầu tư bằng nhiều hình thức. Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin kinh tế - xã hội, quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh cho các nhà đầu tư. 

Thứ sáu, tăng cường khả năng thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư công để tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn trong và ngoài ngân sách có hiệu quả. Trong đó, đặc biệt quan tâm thực hiện tốt Luật Đầu tư công, nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua việc kiểm soát chặt chẽ quy trình đầu tư, nâng cao trình độ chuyên môn của chủ đầu tư, các cơ quan tư vấn…

Thứ bảy, xác định đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong từng thời kỳ. Cụ thể là xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh cho giai đoạn 2022-2025. Trong đó, thu hút vốn FDI theo bốn định hướng lớn là: chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững, có sự cam kết chuyển giao công nghệ và lao động có kỹ năng cao. Vốn trong nước tập trung vào các tập đoàn, công ty lớn đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh các ngành nghề thế mạnh của tỉnh, các dự án hạ tầng đô thị, thương mại, du lịch, xã hội…

Từ đầu năm đến 31/7/2022, thu hút được 35 dự án, tăng 66,67% so với cùng kỳ (trong đó 11 dự án FDI và 24 dự án trong nước) và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 33 dự án (tăng 73,68% so với cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt 322,1 triệu USD (tăng 100% so với cùng kỳ) và 7.934,1 tỷ đồng (tăng 141,89% so với cùng kỳ). Lũy kế đến nay , trên địa bàn tỉnh có 1.099 dự án đầu tư còn hiệu lực (tăng 5,37% so với cùng kỳ), trong đó 352 dự án FDI và 747 dự án trong nước với vốn đăng ký 4.835,9 triệu USD và 153.743,9 tỷ đồng.

Như Thiệp