Theo đó, lĩnh vực xã hội hóa gồm 34 dự án có diện tích khoảng 375 ha; lĩnh vực thương mại dịch vụ - đô thị gồm 231 dự án có tổng diện tích khoảng 8.650 ha; lĩnh vực sản xuất kinh doanh (trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp) gồm 12 dự án, quy mô dự án do nhà đầu tư đề xuất phù hợp với quy hoạch của KCN, CCN; lĩnh vực khác (hạ tầng KCN, hạ tầng CCN, năng lượng, nhà ở xã hội, nông nghiệp, nước sạch, xây dựng, quản lý, kinh doanh chợ, bến xe, công viên, trung tâm giải trí…) gồm 82 dự án có diện tích khoảng gần 4.000 ha.
Theo đó, 34 dự án lĩnh vực xã hội hóa phần lớn là các dự án về giáo dục: đầu tư xây dựng trường tư thục (mầm non, tiểu học, THPT và trường liên cấp), một số dự án Cơ sở giáo dục đào tạo vào Khu đại học Nam Cao, một số nhà máy xử lý nước thải, một số dự án đầu tư xây dựng Trung tâm chăm sóc người cao tuổi, bệnh viện và khu công viên, tổ hợp dịch vụ thể dục thể thao, SVĐ các xã, thị trấn…
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, đô thị có 231 dự án, trong đó Khu đại học Nam Cao có 2 dự án với tổng diện tích 586 ha, gồm: Khu đô thị Đại học Nam Cao tại TP. Phủ Lý và Khu đô thị Đại học Nam Cao tại thị xã Duy Tiên. Huyện Thanh Liêm có 28 dự án, diện tích khoảng 974 ha, trong đó chủ yếu là các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, sân golf và trung tâm thương mại. Thị xã Duy Tiên có 73 dự án, chủ yếu là các dự án khu nhà ở đô thị, khu nhà ở xã hội và khu thương mại dịch vụ. Huyện Kim Bảng có 38 dự án, tổng diện tích khoảng 2.500 ha. Huyện Lý Nhân có 26 dự án với tổng diện tích khoảng 880 ha. Huyện Bình Lục có 16 dự án với 331 ha. Thành phố Phủ Lý có 48 dự án với diện tích khoảng hơn 1.400 ha.
Lĩnh vực sản xuất kinh doanh (trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp) có 12 dự án tập trung chủ yếu đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất máy móc, thiết bị điện tử…
Lĩnh vực khác gồm hạ tầng khu công nghiệp (10 dự án, 2.497 ha); hạ tầng cụm công nghiệp (11 dự án, 517 ha); năng lượng, điện (2 dự án); nhà ở xã hội (13 dự án, 58 ha); nông nghiệp (12 dự án, gần 500 ha); nước sạch (3 dự án); xây dựng, quản lý, kinh doanh chợ (8 dự án, khoảng 8 ha) và 23 dự án ở các lĩnh vực khác với tổng diện tích khoảng 340 ha.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương để bổ sung các thông tin liên quan đối với từng dự án cụ thể như: Khảo sát thực địa để xác định ranh giới cụ thể; xây dựng tài liệu, bản đồ tổng thể vị trí các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh; cập nhật hiện trạng sử dụng đất, xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư, sự phù hợp với các quy hoạch liên quan,…
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xác định ranh giới, địa điểm cụ thể đối với từng dự án liên quan để phối hợp, cung cấp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời cập nhật danh mục dự án vào các quy hoạch liên quan của địa phương nhằm đảm bảo tính pháp lý và thuận lợi trong việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư.
Các sở, ban, ngành: Theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành, chủ động rà soát, kiến nghị bổ sung danh mục các dự án được duyệt vào nội dung của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và định hướng đến năm 2050 đang triển khai; đồng thời cập nhật, bổ sung vào các quy hoạch đang thực hiện cho phù hợp.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xúc tiến đầu tư của tỉnh, nếu có Nhà đầu tư có nhu cầu quan tâm đề xuất các dự án đầu tư các lĩnh vực khác chưa có trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh, nhất là đối với các dự án phát triển đô thị, khu dân cư, dự án nhà ở,... giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh giới thiệu vị trí phù hợp để các Nhà đầu tư tiếp cận nghiên cứu đề xuất đầu tư.