Những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, môi trường đầu tư của Hà Nam luôn được đánh giá cao, liên tiếp qua các năm, Hà Nam đứng trong top các tỉnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất cả nước. Nhờ chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, linh hoạt đã tạo đà phát trển nhanh nền kinh tế của tỉnh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp.
Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội với hệ thống giao thông hiện đại, kết nối liên hoàn, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh là lợi thế của Hà Nam trong thu hút đầu tư thời gian qua. Ngoài ra, với chủ trương ưu tiên thu hút các dự án đầu tư không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, có công nghệ tiến tiến giúp Hà Nam tạo được sức bật và vị thế phát triển.
Hà Nam có hệ thống giao thông kết nối, thuận lợi thu hút đầu tư
Chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, linh hoạt.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX xác định, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; tiếp tục tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo; đẩy mạnh thu hút các dự án công nghệ hiện đại, hiệu quả cao. Với quan điểm, mục tiêu phát triển được xác định rõ, Hà Nam đã đưa ra những chính sách đầu tư cởi mở, linh hoạt mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho doanh nghiệp. Tỉnh đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện nhất quán 10 cam kết của chính quyền với nhà đầu tư. Nổi bật như: cam kết cung cấp đủ điện 24/24 giờ cho các doanh nghiệp; đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, trong đó, thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày, thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục thuế điện tử thuận lợi, chính xác; hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng và đào tạo lao động; hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất, thay đổi phương án sản xuất kinh doanh, điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư. Thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp... Đối với những dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, tỉnh Hà Nam còn xem xét và thực hiện những cơ chế ưu tiên để thu hút.
Bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, Hà Nam cũng luôn chú trọng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư. Lãnh đạo tỉnh, sở Kế hoạch – Đầu tư và các sở, ngành sẵn sàng chủ động gặp gỡ các nhà đầu tư có nguyện vọng đầu tư tại tỉnh để trao đổi, thống nhất những nội dung nhà đầu tư còn băn khoăn. Chủ động xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, cơ cấu thu hút đầu tư hợp lý giữa các ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn....
Trong thu hút đầu tư FDI, tỉnh Hà Nam thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà các dự án được lựa chọn phải sử dụng công nghệ tiên tiến, đảm bảo môi trường, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư mới, đặc biệt là thu hút các dự án thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo... Trong đó, ưu tiên thu hút doanh nghiệp của các nước công nghiệp phát triển như: Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Châu Âu; ưu tiên các doanh nghiệp sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, nộp ngân sách lớn.
Lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam
Song song với đó, Hà Nam chú trọng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tạo nguồn đất sạch để sẵn sàng thu hút đầu tư. Hiện tại, tỉnh đã quy hoạch 08 KCN với diện tích là 2.553ha, hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ và đi vào hoạt động. Các KCN đều đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80%, riêng KCN Thái Hà đang đầu tư và có trên 25ha đất đủ cơ sở hạ tầng, sẵn sàng cho thuê.
Với phương châm “Luôn sát cánh với nhà đầu tư, đồng hành với các doanh nghiệp”, Lãnh đạo tỉnh thường xuyên duy trì các cuộc tiếp xúc, đối thoại nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang hoạt động, đảm bảo các dự án hoạt động có hiệu quả, đúng tiến độ. Việc làm này tiếp tục củng cố lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư, kinh doanh tại địa phương, tạo hiệu ứng lan tỏa và tác động tích cực tới nhà đầu tư mới.
Hiệu quả từ chính sách thu hút đầu tư trong bối cảnh đại dịch
Năm 2021, tiếp tục là một năm khó khăn, thách thức do diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Hà Nam đã nhanh chóng đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm ứng phó linh hoạt với tình hình dịch, tăng sức cạnh tranh để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Với phương châm quyết tâm thực hiện thành công “mục tiêu kép”, song song với việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, Hà Nam đã nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, linh hoạt triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong phạm vi hẹp, mang lại kết quả khả quan. Việc xây dựng và phát triển các Khu Công nghiệp đã tạo sức lan tỏa, tác động, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hiện đại, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong năm, Hà Nam tập trung hoàn thiện hồ sơ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng và tập trung thu hút đầu tư vào các KCN Thái Hà giai đoạn I, KCN Đồng Văn I mở rộng, KCN Đồng Văn IV, KCN Thanh Liêm giai đoạn II để sẵn sàng quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư.
Các KCN tại Hà Nam được đầu tư hạ tầng đồng bộ
Hoạt động thu hút đầu tư được duy trì hiệu quả: tính đến 30/11/2021 toàn tỉnh thực hiện cấp mới 42 dự án đầu tư, trong đó: 18 dự án FDI và 24 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư FDI đạt 221,6 triệu USD. Thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư cho 34 dự án, trong đó: 19 dự án FDI và 15 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư tăng 63,5 triệu USD và 499,1 tỷ đồng. Lũy kế đến 30/11/2021, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.060 dự án đầu tư còn hiệu lực (339 dự án FDI và 721 dự án trong nước) với nguồn vốn đăng ký 4.570,7 triệu USD và 146.035 tỷ đồng (nguồn: Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam).
Ngành công nghiệp tuy chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19, nhưng vẫn duy trì đà tăng trưởng khá với điểm sáng là sự khởi sắc của các thị trường xuất khẩu quan trọng (Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông); nhiều ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như: khai thác đá, xi măng, thức ăn chăn nuôi, thiết bị điện, điện tử, dệt, may có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng. Tính chung 11 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu duy trì tốc độ tăng cao so với cùng kỳ. GRDP ước đạt 41.430 tỷ đồng, tăng 8,85%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 77 triệu đồng, tăng 10,63% so với cùng kỳ, bằng 100,12% kế hoạch; thu cân đối ngân sách Nhà nước cả năm ước đạt 12.957 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ, bằng 134,76% so với kế hoạch năm.
Công nhân làm việc tại Công ty Gentherm, Khu CN Đồng Văn II, Hà Nam. Ảnh: Hanamtv
Trong thời gian tới, Hà Nam tập trung vào công tác hoàn thiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 làm cơ sở thu hút, mời gọi các nhà đầu tư. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện chính sách, định hướng và xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Đổi mới, đẩy mạnh, tăng cường mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động, phương thức xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, phù hợp quy hoạch, theo đúng các tiêu chí lựa chọn, sàng lọc dự án.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn bởi tác động của đại dịch COVID-19, kinh tế - xã hội của Hà Nam không ngừng phát triển, bứt phá, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp. Những kết quả đạt được chính là thành quả tích lũy từ những nỗ lực đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, với chính sách thu hút đầu tư thông thoáng xuyên suốt và cơ chế linh hoạt trong từng giai đoạn. Qua đó, đã góp phần nâng cao vị thế của một tỉnh cửa ngõ phía Nam thủ đô Hà Nội với đầy đủ tiềm năng, lợi thế về điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực và đặc biệt là môi trường đầu tư thuận lợi./.