01/05/2024 lúc 03:41 (GMT+7)
Breaking News

GVR: Chuyển đổi 25.000 ha đất cao su sang đất công nghiệp

Dự kiến diện tích đất khu công nghiệp cho thuê của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã cổ phiếu GVR) trong năm nay đạt 150 ha, cao gấp 3 lần so với năm 2023.

Diện tích đất công nghiệp cho thuê năm nay dự kiến tăng gấp 3 lần. Vừa qua, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, ông Đỗ Hữu Phước, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã cổ phiếu GVR  - sàn HoSE) cho biết, mảng bất động sản khu công nghiệp đã ghi nhận chuyển biến lớn về pháp lý trong thời gian qua.

Cụ thể, tính đến hiện tại, Cao su Việt Nam đã nhận được quyết định chấp thuận chuyển đổi đất cao su thành đất khu công nghiệp ở 3 địa phương gồm Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước với tổng diện tích khoảng 25.000 ha, trong tổng số khoảng 40.000 ha đất khu công nghiệp mới được bổ sung vào quy hoạch của các tỉnh trên.

Dự kiến từ nay đến năm 2040, Cao su Việt Nam sẽ có thêm 21.000 ha đất cao su được chuyển đổi sang đất khu công nghiệp.

Kế hoạch chuyển đổi đất của tập đoàn sẽ phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt của các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Phước, lãnh đạo Cao su Việt Nam cho biết.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Cao su Việt Nam cũng cho biết, kế hoạch chuyển đổi đất cao su thành đất khu công nghiệp của tập đoàn tại tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai đang ở giai đoạn cuối, chờ thông qua ở Hội đồng Thẩm định Quốc gia.

Tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai là hai địa phương mà Cao su Việt Nam có sự hiện diện lớn. Theo đánh giá mới đây của hãng chứng khoán Vietcap, Cao su Việt Nam đang nắm khoảng 25.000 ha đất, chưa bao gồm đất cao su, có tiềm năng chuyển đổi tại hai địa phương này. Hiện quy hoạch tổng thể của tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai đang được xử lý để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, từ nay đến năm 2040, Cao su Việt Nam sẽ có khoảng 21.000 ha đất cao su được chuyển đổi sang đất khu công nghiệp, theo đánh giá của Vietcap. Hiện tổng quỹ đất cao su của Cao su Việt Nam lên tới 280.000 ha.

Sau nhiều năm quỹ đất sạch mới không được bổ sung, các bước tiến pháp lý trên được xem như “cơn mưa giải hạn”, tạo ra động lực tăng trưởng trong mảng bất động sản khu công nghiệp của Cao su Việt Nam. Qua đó, đưa doanh nghiệp này trở thành nhà phát triển khu công nghiệp có quỹ đất lớn nhất Việt Nam trong giai đoạn tới.

Vietcap dự báo diện tích đất khu công nghiệp được Cao su Việt Nam cho thuê trong năm nay sẽ đạt 150 ha với động lực chính đến từ Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên 3. Con số này cao gấp 3 lần so với mức 50 ha đất khu công nghiệp trong năm 2023.

Giá bán cao su trung bình cả năm dự báo tăng 10%

Đối với mảng cao su, giá bán cao su trung bình trong quý 1/2024 của Cao su Việt Nam đạt 36,7 triệu đồng/tấn, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Ban lãnh đạo Cao su Việt Nam đánh giá đây là mức “giá cao bất thường” trong 10 năm qua và nhận định giá cao su sẽ hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024 so với hiện tại.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Tuy nhiên, ban lãnh đạo tập đoàn dự báo mức giá bán cao su trung bình cả năm nay sẽ vẫn cao hơn khoảng 6 - 10% so với năm 2023, so với mức giảm 11% trong năm 2023. Hiện thị trường cao su toàn cầu đang đối mặt với rủi ro thiếu hụt nguồn cung khi Thái Lan và Indonesia, hai quốc gia sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu thế giới, đối mặt với tình trạng khô hạn. Bên cạnh đó, giá dầu thô tăng cao cũng thúc đẩy giá cao su tăng lên.

Về phía nhu cầu, Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 70% lượng xuất khẩu cao su từ Việt Nam trong giai đoạn 2022 - 2023, được dự báo sẽ duy trì doanh số ô tô ổn định và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, từ đó dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cao su của Trung Quốc tăng.

Đối với mảng gỗ cao su, Vietcap hiện kỳ vọng doanh thu chế biến gỗ của Cao su Việt Nam trong năm nay cũng sẽ phục hồi tích cực khi kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam được dự báo sẽ tăng khoảng 9%, so với mức giảm 15,5% trong năm 2023.

Anh Bình (theo fireant.vn)

...