VNHN - Tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam (VBF) diễn ra ngày 10/1 tại Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao" trên bầu trời thế giới về tăng trưởng và cải cách kinh tế.
Điều này đã được thể hiện qua các con số thống kê được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn ra tại sự kiện và cho rằng: “năm 2019 là năm bứt phá về triển khai nhiệm vụ kinh tế xã hội của Việt Nam". Tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra là 6,8% và lọt vào nhóm có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của khu vực và thế giới. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,79%, mức thấp nhất trong 3 năm qua. Quy mô xuất nhập khẩu đã đạt 517 tỉ đô la Mỹ, con số cao nhất từ trước tới nay; xuất siêu đạt gần 10 tỉ đô la Mỹ.
Một trong những thành phần đóng góp cho thành công của nền kinh tế là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp khoảng 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 23,7% tổng nguồn vốn đầu tư xã hội. Tỷ trọng đóng góp của FDI trong GDP tăng từ 2,1% năm 1989 lên hơn 20% năm 2018. Tỷ trọng thu ngân sách khu vực FDI cũng tăng đáng kể, 1,8 tỉ đô la trong giai đoạn 94-2000, lên 23,7 tỉ đô la trong giai đoạn 2011-2015, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc, vẫn có những mối quan ngại tới xu hướng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu, cùng với những bất cập nội tại của kinh tế trong nước. Những “dấu hiệu" bất lợi mà ông Lộc đưa ra là mức tăng trưởng quí 4-2019 thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Nhiều đầu tàu công nghiệp giữ vai trò dẫn dắt trong nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn tăng cao. Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản. Chưa kể, 60% doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh không có lãi.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam ngày 10/1.
Để giữ vững những thành quả kể trên, theo ông Lộc, hai từ khóa cho sự phát triển trong năm 2020 và các năm tiếp theo là “gỡ bỏ” và “kết nối”. Gỡ bỏ rào cản và kết nối phát triển. Kết nối ở đây là kết nối khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước; kết nối doanh nghiệp với thế giới thông qua các hiệp định trương mại tự do (FTA). Việc kết nối này phải được thực hiện đồng bộ cùng nỗ lực gỡ bỏ rào cản kinh doanh.
Để tăng cường sự kết nối, ông Lộc đề nghị các doanh nghiệp FDI cần coi việc kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước là trách nhiệm xã hội tại quê hương thứ hai của mình. “Nếu kết nối được với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước sẽ làm cho FDI cắm sâu rễ, bền gốc vào nền kinh tế Việt Nam, đảm bảo sự phát triển bền vững của FDI”, ông Lộc nói.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cũng cần phải nâng cao năng lực kinh doanh của mình. Người đứng đầu VCCI đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình luật về công nghiệp hỗ trợ để đưa ra biện pháp mạnh mẽ hơn, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.