Theo trang mạng intelligentcio.com của Anh, vừa qua ông Mohan Naidu, Giám đốc Điều hành FPT Vương quốc Anh, cho biết Việt Nam đang nhanh chóng trở thành trung tâm công nghệ: “Tương lai số hóa cho Việt Nam chỉ mới bắt đầu và đang có vẻ rất tươi sáng”.
Để hoạt động một cách tối ưu, các doanh nghiệp cần tiếp cận danh mục lựa chọn các tài năng về công nghệ thông tin (CNTT) và vận hành. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang xem xét tất cả các mô hình kinh doanh và nhân tài để có được những gì họ cần, đặc biệt là những lĩnh vực công nghệ mới nổi. Việt Nam đã đón nhận triệt để sự chuyển dịch này và vươn lên mạnh mẽ hơn trong nền kinh tế đại dịch nhờ tham vọng, tầm nhìn và khả năng sẵn sàng thích ứng nhanh.
Gia công phần mềm sẽ bùng nổ ở Việt Nam khi vị thế của Việt Nam ngày càng nâng cao với tư cách là điểm đến phát triển CNTT. Những năm gần đây, ngành CNTT của Việt Nam đã tăng hạng trong chuỗi giá trị và cung cấp nhiều công việc có giá trị gia tăng hơn. Việt Nam là một nước mà thoạt đầu, có thể không nghĩ đây là một nhà xuất khẩu phần mềm toàn cầu, nhưng cũng giống như các nước Đông Nam Á nói chung, Việt Nam đứng sau một số nhà cung cấp hàng đầu thế giới.
Mở rộng liên lục địa
Tập đoàn FPT Software của Việt Nam đang đầu tư mở rộng xuyên lục địa, với châu Âu là mục tiêu đầu tiên cho cam kết vốn trị giá 100 triệu USD, bao gồm tăng trưởng tự thân và ngoại sinh trong ba năm tới.
Công ty phần mềm này đã thiết lập vị thế tại thị trường EU và Anh, có khách hàng toàn cầu đầu tiên hơn 20 năm trước. Châu Âu tăng trưởng ổn định, nhưng trọng tâm và quỹ đạo phát triển đã đưa FPT software sang Nhật Bản và Mỹ, tại đây FPT đang sử dụng hàng nghìn chuyên gia và kỹ sư trong nước và quốc tế, đạt doanh thu hàng trăm triệu USD mỗi năm. Trọng tâm hiện nay đã quay trở lại Anh và châu Âu, nơi rất cần các dự án đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số.
Kit test nhanh virus SARS-CoV-2 do Việt Nam sản xuất đã xuất khẩu sang nhiều nước.
Thách thức đối với Việt Nam là nhu cầu phát triển lực lượng lao động kỹ thuật số tăng thêm 190.000 kỹ sư CNTT vào cuối năm 2021. Chính phủ đã cam kết đổi mới đất nước. Chương trình quốc gia về Chuyển đổi kỹ thuật số đặt mục tiêu phát triển nền kinh tế kỹ thuật số lên 30% GDP, triển khai cáp quang phổ cập và 5G, xây dựng 100.000 doanh nghiệp kỹ thuật số và sử dụng 1,5 triệu lao động kỹ thuật số vào năm 2030. Việt Nam nằm trong danh sách 5 điểm đến hấp dẫn nhất cho gia công CNTT (theo AT Kearney năm 2019) trong khi Gartner coi Việt Nam là địa điểm gia công phần mềm ra nước ngoài mới nổi bậc 1 ở châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam cũng đứng thứ 9 trong nhóm 10 nước hàng đầu kỹ thuật số (theo Chỉ số toàn cầu hóa dịch vụ Tholons).
Việt Nam đã đối mặt với thách thức về chuyên môn kỹ thuật số này. Nền tảng cho thị trường nhân tài hấp dẫn ở Việt Nam là hệ thống giáo dục kỹ thuật số, phát triển mạnh. Hiện tại, Việt Nam có 236 trường đại học, trong đó có 149 trường đang đào tạo các chuyên gia CNTT, hàng năm cung cấp hơn 50.000 kỹ sư CNTT cho lực lượng lao động. Điều này đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước đứng đầu thế giới về số lượng sinh viên CNTT. FPT đã thành lập trung tâm AI tại TP. Quy Nhơn và hợp tác với viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới Mila, đưa FPT trở thành tập đoàn Đông Nam Á đầu tiên trở thành công ty liên kết chiến lược của Mila. Với những động thái này, FPT đặt mục tiêu biến Quy Nhơn thành thung lũng AI của Việt Nam.
Việt Nam tiếp tục thúc đẩy cải cách kinh doanh và trau dồi nhân tài kỹ thuật số; Việt Nam đã sẵn sàng trở thành ngôi sao đang lên trên thị trường dịch vụ toàn cầu. Việt Nam sở hữu những người trẻ tuổi, tài năng và một nền văn hóa thúc đẩy sự đổi mới và đang nhanh chóng trở thành trung tâm công nghệ.
Trong khi các nhận thức của phương Tây và các giám đốc điều hành toàn cầu không cùng tư duy vẫn là các rào cản, các giám đốc điều hành ngày nay đang tìm kiếm nhiều đòn bẩy để thu hút nhân tài. Việt Nam đang xây dựng một nền tảng vững chắc để trở thành một lựa chọn khả thi cho các doanh nghiệp khai thác tiềm năng trong những năm tới. Tương lai kỹ thuật số cho Việt Nam chỉ mới bắt đầu và có vẻ rất tươi sáng.
FPT đã tập trung vào công nghệ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Trong vài năm qua, FPT đã tập trung vào các công nghệ cốt lõi thúc đẩy chuyển đổi như AI, Dữ liệu lớn, Blockchain, RPA và IoT.
FPT cũng đang xây dựng một hệ sinh thái toàn diện phần mềm đẳng cấp thế giới để chuyển đổi các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Ở châu Âu, FPT hiện đang làm việc với RWE, E.ON, Allianz, Siemens, Schaeffler, Airbus về chương trình chuyển đổi kỹ thuật số và các dự án yêu cầu năng lực công nghệ mới nổi (nền tảng dữ liệu, IoT, đám mây và tự động hóa)./.