20/01/2025 lúc 11:07 (GMT+7)
Breaking News

Giới thiệu sản phẩm và Công nghệ mới trong chăn nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam

Ngày 29/6, tại thị xã Sa Pa (Lào Cai) Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Du lịch Song Nhi Sa Pa đã phối hợp cùng Công ty TNHH De Heus Việt Nam tổ chức thành công “Hội thảo Giới thiệu sản phẩm và công nghệ mới trong chăn nuôi cá nước lạnh tại Việt Nam”.

 

quang-canh

Quang cảnh hội thảo.

Tham dự hội thảo về phía Công ty Song Nhi có ông Trần Chung Hưng – Giám đốc công ty; về phía đại diện De Heus có: ông Johan van den Ban – Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia; ông Lê Văn Út Lớn – Phó Tổng giám đốc; bà Nguyễn Thu Thủy – GĐ Marketing chiến lược; ông Nguyễn Mạnh Trường – GĐ Kinh doanh thủy sản miền Bắc; ông Đỗ Văn Kiểm – GĐ Kinh doanh cá nước lạnh miền Bắc; ông Phạm Thành Đô – GĐ Kỹ thuật thuỷ sản mảng thức ăn cho cá miền Bắc cùng 250 người là khách hàng, đơn vị, hộ gia đình nuôi cá nước lạnh tại Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai) và Lai Châu.

do-van-kiem

Ông Đỗ Văn Kiểm – GĐ Kinh doanh mảng cá biển và cá nước lạnh Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đỗ Văn Kiểm – GĐ Kinh doanh cá nước lạnh miền Bắc hy vọng sẽ chia sẻ được nhiều sản phẩm mới tới đông đảo khách hàng, đơn vị, hộ gia đình. Đặc biệt, ông Johan Van Den Ban – Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia bày tỏ mong muốn hợp tác lâu dài cùng Song Nhi trong thời gian sắp tới. “Là công ty chuyên về dinh dưỡng nhưng hiện tại De Heus đang có những chiến lược giúp đỡ, hỗ trợ về công nghệ, kỹ thuật, ứng dụng khoa học kỹ thuật để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình nuôi cá nước lạnh”, ông Johan Van Den Ban chia sẻ.

tdd

Ông Johan Van Den Ban – Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam và Campuchia bày tỏ mong muốn hợp tác lâu dài cùng Song Nhi.

Trong phần chia sẻ thông tin về sản phẩm và công nghệ mới trong nuôi cá tầm, cá hồi tại Việt Nam, ông Phạm Thành Đô – GĐ Kỹ thuật thủy sản mảng thức ăn cho cá miền Bắc nhấn mạnh: De Heus là công ty duy nhất tại Việt Nam có trung tâm R&D thủy sản. Kế thừa những ưu điểm của sản phẩm 9252, sản phẩm cá tầm 926x ra đời phục vụ nhu cầu của thị trường có điều kiện nhiệt độ cao và các vùng nuôi truyền thống trong năm có nhiều giai đoạn nhiệt độ cao do biến đổi khí hậu. Sản phẩm mới giúp đảm bảo sức khỏe, tốc độ tăng trưởng của cá tại vùng nuôi có nhiệt độ cao, vùng có dao động nhiệt. Đặc biệt, sản phẩm 926x giúp tối ưu khả năng tiêu hóa của sản phẩm; cân bằng dinh dưỡng DP/DE giúp bảo vệ gan cá; tăng cường vitamin C, acid, khoáng hữu cơ giúp tăng sức khỏe cá.

pham-thanh-do

Ông Phạm Thành Đô – GĐ Kỹ thuật thủy sản mảng thức ăn cho cá miền Bắc chia sẻ về sản phẩm và công nghệ mới.

Bên cạnh đó, mô hình nuôi cá ít thay nước ra đời nhằm giải quyết các vấn đề: nuôi được nhiều cá hơn với cùng một nguồn nước; tăng năng suất, sản lượng cá nuôi tại các trại bị hạn chế nguồn nước; chủ động nguồn nước khi nước suối bị ô nhiễm trong thời gian nhất định; quản lý và điều chỉnh được một số tiêu chí môi trường bể nuôi; bảo vệ môi trường nước do ít chất thải từ quá trình nuôi cá ra môi trường. Hơn nữa, mô hình mới này phù hợp với các trại mong muốn tăng sản lượng; có diện tích đất đủ lớn (xây dựng ao nuôi và ao chứa); có nguồn nước; điện lưới tốt (có điện dự phòng)...

Xây dựng mô hình nuôi cá ít thay nước cần đảm bảo các chỉ tiêu: ao nuôi có diện tích từ 100 – 300m2; ao nuôi có hình tròn hoặc hình vuông vét góc; độ sâu mực nước từ 1,2 – 1,5m; diện tích ao xử lý nước bằng 20 – 30% diện tích nuôi; thiết bị cung cấp oxy chính 1,5kw/300m3 nước; máy bơm tổng đảm bảo chu kỳ thay nước 1-2 lần/ngày. Năng xuất 20 - 30kg/m3; mật độ nuôi thịt 10 -15 con/m2.

san-pham-moi

Sản phẩm thức ăn mới cho ngành chăn nuôi cá nước lạnh.

Đối với mô hình nuôi cá tầm tại các vùng độ cao thấp, nhiệt độ nước vào mùa đông luôn ở ngưỡng tối ưu cho cá tầm sinh trưởng và phát triển; tận dụng mặt nước, lồng bè có sẵn vào mùa đông nuôi cá nước ấm kém hiệu quả; cá tầm thích nghi tốt với điều kiện nuôi lồng bè; giao thông thuận lợi, gần thị trường tiêu thụ; phát triển tại Hải Dương, Bắc Ninh, Yên Bái, Phú Thọ.

Bên cạnh đó, còn có mô hình nuôi cá tầm trên sông hồ vào mùa đông. Theo đó, các hộ nuôi cá nước lạnh vào giống khi nhiệt độ dưới 27 độ và có xu hướng giảm (thường vào tháng 10, 11 hàng năm). Cỡ cá giống giao động từ 0,7 đến 1,2kg/con với mật độ 1000con/lồng (lồng 54 m2). Vụ nuôi kéo dài 4 – 7 tháng, tỉ lệ sống đạt 50 – 95%. Chi phí sản xuất tương đương 60.000 – 70.000đ/kg cá tăng trọng. Tuy nhiên, cần giải quyết một số vấn đề như: xác định đúng thời điểm vào giống, nguồn con giống, thức ăn phù hợp, kỹ thuật, dịch bệnh để mô hình nuôi đạt hiệu quả cao nhất.

goi-ca

Gỏi cá hồi- Sản phẩm của công ty Song Nhi.

Cũng trong bài chia sẻ, ông Phạm Thành Đô – GĐ Kỹ thuật thuỷ sản mảng thức ăn cho cá miền Bắc đã giới thiệu chi tiết công nghệ lọc tuần hoàn. Công nghệ này có những ưu điểm vượt trội giúp các hộ kinh doanh giảm rủi ro như: chủ động được thời điểm ương nuôi, chủ động nguồn nước sạch, kiểm soát và điều chỉnh được các chỉ tiêu môi trường, tỉ lệ sống cao, giảm hiện tượng cá bị dị hình do sốc môi trường.

Cuối bài chia sẻ, ông Phạm Thành Đô giới thiệu hệ thống cho cá ăn tự động giúp các hộ nuôi cá nước lạnh nhận thức được rõ hơn về vấn đề chất lượng thức ăn và cách cho ăn quan trọng như nhau. Theo đó, việc chia nhỏ các bữa ăn giúp cá tiêu hóa tốt hơn; làm giảm FCR, bệnh đường ruột, ô nhiễm bể nuôi và nhân lực.

a-hung

Ông Trần Chung Hưng – Giám đốc công ty Song Nhi chia sẻ hiệu quả khi sử dụng sản phẩm và công nghệ mới.

Chia sẻ về việc sử dụng các sản phẩm và công nghệ mới, ông Trần Chung Hưng – Giám đốc công ty Song Nhi cho biết: “Sau 1 năm áp dụng công nghệ mới và 6 tháng áp dụng đầy đủ, Song Nhi đã thu về rất nhiều lợi ích. Khi áp dụng khoa học công nghệ, trang trại sẽ giảm nhân công và kiểm soát được lượng thức ăn. Thay vì cho ăn thủ công, cá sẽ được ăn nhiều bữa trong một ngày thông qua bảng điểu khiển. Đối với các trang trại lớn không đủ nhân công, việc sử dụng máy móc giảm chi phí đáng kể về nhân công cũng như thức ăn thừa. Về lọc tuần hoàn – đây là xu thế chung của thế giới, hướng đến tiết kiệm nguồn nước sạch. Song Nhi đã xây dựng những mô hình lắp đặt, hiện đang có một dự án Song Nhi hợp tác với Sở Nông nghiệp tỉnh Lào Cai triển khai tại Ô Quý Hồ (Sa Pa)”.

Đặc biệt, ông Trần Chung Hưng nhấn mạnh trong thời gian tới để nâng cao năng suất, chất lượng, Song Nhi sẽ phối hợp cùng các đối tác để cải tiến máy móc, thiết bị chăn nuôi cho phù hợp. Hy vọng rằng việc áp dụng máy móc sẽ tăng năng suất lên 1,5 lần so với nuôi truyền thống, giảm mức độ ô nhiễm môi trường xuống mức thấp nhất.

khach-hang

Đại diện các đơn vị, hộ gia đình chăn nuôi cá nước lạnh phát biểu ý kiến tại hội thảo.

Cũng trong buổi hội thảo, khách hàng, các đơn vị, hộ gia đình chăn nuôi cá nước lạnh đã được giải đáp các thắc mắc về giá cả, chất lượng thịt cá, cách sử dụng các loại thuốc, muối tắm... cũng như được công ty Song Nhi và De Heus trao những phần quà thiết thực thông qua chương trình bốc thăm trúng thưởng.

trao-qua trao-qua-2 trao-qua1 Công ty Song Nhi và De Heus trao những phần quà thiết thực cho khách hàng, các đơn vị, hộ gia đình tại hội thảo.

Tại hội thảo, Công ty Song Nhi đã lần lượt ký kết hợp tác với các đơn vị: Công ty CP sản xuất và thương mại VMC Việt Nam; Công ty CP sản xuất công nghệ mới Việt Nam AmBio; Công ty TNHH TMDV Cảnh quan Hoàng Gia.

ky-ket-1

ky-ket

ky-ket3

Song Nhi ký kết hợp tác với các đối tác.

Với những sản phẩm và công nghệ mới, buổi hội thảo giúp các trang trại nuôi cá an toàn, hiệu quả đạt năng xuất cao, tối ưu hóa năng lực và tạo ra những sản phẩm cá nước lạnh đảm bảo chất lượng, giá trị dinh dưỡng cao nhất với chi phí hợp lý. Đặc biệt, tại hội thảo khách hàng còn tìm được các đơn vị hỗ trợ về thức ăn, kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi cá nước lạnh. Điều này giúp sản phẩm cá nước lạnh của Sa Pa, Bát Xát và Lai Châu đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn sinh học nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được nuôi tại Việt Nam so với các nước phát triển trên thế giới./.

Cơ quan Tây Bắc