30/04/2024 lúc 17:01 (GMT+7)
Breaking News

Gìn giữ bản sắc tơ lụa Việt

VNHN - Trong lịch sử ngành hàng tơ lụa thế giới, Việt Nam tuy không phải là một “đế chế” trên con đường tơ lụa vĩ đại của nhân loại nhưng luôn được thế giới nhìn nhận như một quốc gia có lịch sử nghề tơ lụa lâu đời trải qua hàng nghìn năm.

VNHN - Trong lịch sử ngành hàng tơ lụa thế giới, Việt Nam tuy không phải là một “đế chế” trên con đường tơ lụa vĩ đại của nhân loại nhưng luôn được thế giới nhìn nhận như một quốc gia có lịch sử nghề tơ lụa lâu đời trải qua hàng nghìn năm.

Vẻ đẹp óng ả, mượt mà và quý phái của thứ sản phẩm may mặc thượng hạng này từ lâu đã được con người tôn vinh, thậm chí là sùng bái. Từ hàng nghìn năm trước, tơ lụa đã được xem là mặt hàng xa xỉ, là biểu tượng của quyền lực và địa vị của giới thượng lưu. Thậm chí có thời kì, nó còn có giá trị cao hơn cả vàng, được sử dụng như một đơn vị tiền tệ trong việc giao thương, mua bán, trao đổi hàng hóa giữa các quốc gia trên con đường tơ lụa huyền thoại.

Theo thần tích của làng Cổ Đô, huyện Ba Vì (Hà Nội) cũng như nhiều tài liệu cổ khác, người Việt biết đến nghề trồng dâu nuôi tằm từ thời Hùng Vương, tức cách đây hơn 4.000 năm về trước. Từ tơ tằm, người Việt xưa đã biết dệt nên nhiều thứ lụa tốt khác nhau như: Trừu là lụa thô và to sợi; lượt là lụa thưa và trơn; sa là lụa mỏng và trơn; the là lụa nhẹ màu sáng; xuyến là lụa trơn dày hơn, màu sáng; nhiễu là lụa trơn, dày và bền; là là lụa dệt bằng tơ nõn với những đường sọc nhỏ đều nhau và nhuộm đen; lãnh là lụa trơn, dày và nhuộm đen; đoạn cũng là một loại lãnh nhưng chất lượng tốt hơn; vóc là lụa bóng mịn có dệt hoa; văn là loại lụa có dệt hoa lớn, dày, chất lượng cao hơn và gấm là lụa cao cấp nhất.

Nhờ điều kiện tự nhiên khí hậu, đất đai thuận lợi, Lâm Đồng là địa phương có diện tích trồng dâu và số lượng hộ nuôi tằm cũng như nhà máy xe tơ, dệt lụa lớn nhất cả nước. Hiện toàn tỉnh có 5.000ha dâu tằm, trong đó riêng Thành phố Bảo Lộc có khoảng 500ha với sản lượng lá dâu trung bình đạt khoảng 5.000 tấn/năm.

Công nghệ dệt hiện đại giúp tạo nên những sản phẩm lụa chất lượng cao. Ảnh: TTXVN

Ngoài ra, Bảo Lộc còn có 23 doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh, sản xuất tơ và dệt lụa xuất khẩu. Sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc rất đa dạng với hơn 20 chủng loại khác nhau, Ngoài tơ thô, tơ sống, có thể kể đến những dòng sản phẩm vải lụa cao cấp, thượng hạng như lụa satin dùng may trang phục kimono truyền thống Nhật Bản; lụa yozu dùng may khăn đội đầu ở các nước khối Ả Rập, Ấn Độ; vải lụa habuta, crepe de chine (CDC) dùng may âu phục cao cấp. 

Nhờ đó, tơ lụa Bảo Lộc được nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới tin dùng và được xuất khẩu đến những cường quốc về tơ lụa. Mặc dù được đánh giá là nguồn sản xuất tơ lụa thượng hạng hàng đầu thế giới, nhưng lụa tơ tằm Việt Nam lại chưa thể trở thành một thương hiệu mạnh trên toàn cầu. Ông Fei Jianming - Tổng Thư ký Hiệp hội Tơ lụa Thế giới - cho rằng, Việt Nam phải thay đổi cơ cấu sản xuất, thay vì chú trọng về xuất khẩu tơ sợi thì cần phải đẩy mạnh sản xuất lụa. Bởi theo ông, chỉ có sản phẩm lụa hoàn chỉnh đạt phẩm cấp cao mới có thể định danh được thương hiệu của một quốc gia, còn nếu chỉ với sợi thô, Việt Nam mãi mãi chỉ dừng lại ở mức gia công với giá trị lợi nhuận thấp so với lợi nhuận thật sự của ngành lụa.

Dẫn chứng cho câu chuyện này là ví dụ điển hình về trường hợp của Thái Lan, quốc gia có lượng sợi tơ tằm xuất khẩu không thể sánh bằng Việt Nam, nhưng chỉ cần xây dựng được một thương hiệu lụa Jim Thompson nổi tiếng thế giới, ngành lụa Thái Lan đã có thể tự tin đứng cạnh những ông lớn trong thế giới tơ lụa toàn cầu. Vì vậy, cũng theo ông Fei Jianming: “Việt Nam là quốc gia có truyền thống dệt lụa lâu đời, vùng nguyên liệu mênh mông, lượng tơ tằm chất lượng cao hiếm có. Vì thế chúng ta nên gìn giữ để sản xuất lụa.

Và đó mới chính là hướng đi để đến với con đường tơ lụa thế giới”. Tơ lụa Việt Nam từ xưa đã nổi tiếng óng mượt, mịn màng và bền đẹp không thua gì tơ lụa của Trung Hoa, Nhật Bản và các nước khác. Ví như ở miền Bắc, lụa Cổ Đô xưa được mệnh danh là “lụa cống”, tức là loại lụa thượng hạng dùng để cống nạp cho triều đình. Còn lụa Vạn Phúc trước đây từng được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất xứ Đông Dương, nên vào các năm 1931 và 1932 từng được chọn đưa đi tham dự các cuộc đấu xảo (hội chợ) lớn ở Marseille và Paris (Pháp).

Thôn 2, xã ĐamB’ri là vùng đất nổi tiếng về nghề trồng dâu nuôi tằm ở TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Giữa cánh đồng dâu xanh rì bát ngát mênh mông trên vùng đất đỏ bazan màu mỡ, chị Lê Thị Thơ đang cố nhanh tay hái thêm mấy bao lá dâu non để kịp đem về cho đám tằm háu đói đang chờ ăn ở nhà. Chở được mấy bao lá dâu về đến nhà, vứt bịch xuống đất, chưa kịp nghỉ chị Thơ đã vội quay sang kéo chiếc máy thái ra để thái dâu. “Phải làm ngay cho chúng nó ăn, không thì quá bữa rồi bác ạ” - chị Thơ nói về việc chăn tằm mà tôi nghe cứ ngỡ như chuyện chăm lũ con nhỏ.

Nhìn người đàn bà nhỏ bé cặm cụi với đống lá dâu ngồn ngộn giữa nhà mới thấy, thời bây giờ máy móc, khoa học - kĩ thuật có thừa nhưng xem ra cái nghề trồng dâu nuôi tằm thì đời nào cũng phải bỏ công vất vả như nhau. Chả thế mà người ta thường bảo “làm ruộng ăn cơm nằm, chăn tằm ăn cơm đứng”, nên cứ phải luôn chân luôn tay suốt ngày. Chị Thơ là cán bộ thuộc Bộ môn Dâu tằm của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng. Là người có kiến thức, kinh nghiệm, lại sống ngay giữa vùng chuyên canh dâu tằm lớn của Bảo Lộc nên ngoài công việc ở cơ quan chị còn mở thêm lò nuôi tằm giống cung cấp cho người dân.

Để nuôi tằm chị đầu tư trồng tới 750.000m2 dâu làm thức ăn cho tằm. Công việc tuy hơi vất vả nhưng thuận lợi và được đánh giá là hướng đi hiệu quả ở vùng tơ tằm Bảo Lộc hiện nay. So với các làng nghề truyền thống, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc ra đời muộn hơn rất nhiều, vào khoảng những năm 70 của thế kỉ trước, nhưng lại phát triển rất mạnh, được ví là “thủ phủ” tơ tằm mới của Việt Nam, chiếm khoảng 70% giá trị sản lượng tơ tằm của cả nước. Ở đây, nghề tơ tằm phát triển quy mô lớn và gần như khép kín với tất cả các khâu từ trồng dâu, nuôi tằm, xe tơ, dệt lụa, nhuộm cho đến cả làm ra các loại sản phẩm hoàn hiện.