24/11/2024 lúc 00:06 (GMT+7)
Breaking News

“Giấy khám sức khỏe” của bệnh viện đa khoa Sóc Sơn được rao bán 170 nghìn đồng?

VNHN - Giấy khám sức khỏe được rao bán công khai trên mạng xã hội.Chỉ cần nộp ảnh, bỏ ra 170 nghìn đồng và chờ đợi hơn 1 giờ đồng hồ là có ngay giấy khám sức khỏe để đi xin việc, học lái xe, làm chế độ bảo hiểm xã hội .v.v Bệnh viện khẳng định là giả. Tuy nhiên, hoạt động trên vẫn diễn ra nhiều năm nay. Vì hám lợi, nhiều đối tượng vẫn lao vào con đường này bất chấp những hậu quả.

VNHN - Giấy khám sức khỏe của bệnh viện đa khoa Sóc Sơn được rao bán công khai trên mạng xã hội. Chỉ cần nộp ảnh, bỏ ra 170 nghìn đồng và chờ đợi hơn 1 giờ đồng hồ là có ngay giấy khám sức khỏe để đi xin việc, học lái xe, làm chế độ bảo hiểm xã hội .v.v Bệnh viện khẳng định là giả. Tuy nhiên, hoạt động trên vẫn diễn ra nhiều năm nay. Vì hám lợi, nhiều đối tượng vẫn lao vào con đường này bất chấp những hậu quả.

GKSK không có ảnh giáp lai được bán với giá 80 nghìn đồng, còn loại có ảnh giáp lai sẽ có giá là 170 nghìn đồng.

Dễ như mua hàng ngoài chợ…

Thời gian gần đây, hiện tượng mua bán giấy khám sức khỏe (GKSK – PV) đang hoạt động nở rộ trở lại, thậm chí các đối tượng rao bán công khai trên các diễn đàn, mạng xã hội.

Trong vai người đang cần mua GKSK để đi học lái xe, Phóng viên liên hệ theo số điện thoại được rao bán trên Facebook một nhóm tại Sóc Sơn (Hà Nội). Người này chỉ dẫn “Lúc nào cần GKSK, em cứ về Sóc Sơn rồi điện trước cho chị 2 tiếng, chị mang ra cho, em không cần khám đâu, đưa cho chị ảnh là được, nhưng nhanh cũng phải mất 2 tiếng đấy”. Cũng theo đối tượng này giá của loại GKSK không có ảnh giáp lai được bán với giá 80 nghìn đồng, còn loại có ảnh giáp lai sẽ có giá là 170 nghìn đồng. Người này còn cam kết đây là “GKSK chuẩn của bệnh viện đa khoa Sóc Sơn nên đi xin việc hay nộp để học lái xe đều được”.

Không chỉ rao bán GKSK, cũng trên Facebook của đối tượng này rao bán luôn cả giấy tờ, bằng cấp cho người xin việc.

Theo chỉ dẫn của đối tượng, phóng viên (PV) đến thị trấn Sóc Sơn, gửi ảnh 4×6 ở một quán nước giữa trung tâm thị trấn. PV ngồi chờ khoảng hơn 1 giờ đồng hồ thì được đối tượng báo đã xong và hẹn ra lấy.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Sóc Sơn khẳng định: Những tờ GKSK này không phải do bệnh viện cấp ra. Con dấu và chữ ký từ phiếu khám này đều là giả.

Bệnh viện khẳng định là giả

Trao đổi với PV Việt Nam hội nhập điện tử sáng ngày 12/04/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc bệnh viện đa khoa Sóc Sơn khẳng định: Những tờ GKSK này không phải do bệnh viện cấp ra. Con dấu và chữ ký từ phiếu khám này đều là giả. Tình trạng nhiều đối tượng bán GKSK tại khu vực huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh đã diễn ra nhiều năm nay, uy tín của bệnh viện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Có những bác sĩ đã về hưu chục năm nhưng vẫn còn cả con dấu, chữ ký do các đối tượng làm giả trong GKSK. Tuy nhiên, việc này đều diễn ra bên ngoài khu vực do bệnh viện quản lý. Phía bệnh viện cũng đã nhiều lần báo cáo sang công an huyện về việc này. Có những đối tượng đã bị xử lý rồi, nhưng có lẽ vì lợi nhuận nên họ vẫn làm. Ông Tuấn cũng chia sẻ.

Trước đó, khi xuất hiện thông tin tại nhiều nơi rao bán giấy khám sức khỏe giả. Bộ Y tế đã đề nghị các cơ sở y tế phải tuân thủ thực hiện công tác khám sức khỏe theo đúng quy định, bảo đảm đánh giá đúng tình trạng sức khỏe của đối tượng, đặc biệt là công tác khám sức khỏe cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Bộ Y tế cũng đề nghị sở y tế các địa phương tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm.

Để ngăn chặn được tình trạng rao bán GKSK giả tràn lan trên mạng xã hội, ngoài sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng thì mỗi người dân cần phải thay đổi nhận thức. Người có nhu cầu làm GKSK nên đến bệnh viện trực tiếp khám và làm đầy đủ các xét nghiệm. Đây không những là việc làm tốt cho bản thân mình mà còn đảm bảo quyền lợi cho mỗi người. Vị phó giám đốc bệnh viện đa khoa Sóc Sơn chia sẻ.

Theo Luật sư Đào Xuân Hùng, thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội, những người sản xuất giấy khám sức khỏe giả có thể bị xem xét xử lý hình sự nếu đủ căn cứ cấu thành tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Với tội danh này, theo khoản 126, điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 thì người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.