23/01/2025 lúc 02:06 (GMT+7)
Breaking News

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là một trong những công việc mà lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Với Người, thế hệ trẻ có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Trong Di chúc thiêng liêng, Người viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết''.
Ảnh minh họa - TTV

Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa đến nay vẫn giữ nguyên giá trị. Với tầm nhìn xa trông rộng của một lãnh tụ vĩ đại, hết lòng vì dân, vì nước, Người luôn đặt niềm tin vào thế hệ trẻ, cho rằng họ có vai trò to lớn trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, kiến thiết đất nước. Ngay khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa mới khai sinh, trong Thư gửi các cháu học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Bác căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Theo Ngườiđể phát huy vai trò và sức mạnh của thế hệ trẻ thì phải tiến hành giáo dục họ một cách toàn diện và chu đáo.

Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc tháng 1 năm 1946, Bác viết: "Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội"(1). Quan niệm đó của Người đã khẳng định vai trò quan trọng của thế hệ trẻ đối với đất nước, vì vậy họ phải được quan tâm dìu dắt để trưởng thành, sẵn sàng gánh vác công việc của non sông. Trước lúc đi xa, Người căn dặn: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa hồng vừa chuyên”(2).

Trong số những nội dung cần giáo dục thế hệ trẻ, giáo dục tinh thần yêu nước, lịch sử truyền thống là điều đầu tiên được chú ý. “Dân ta phải biết sử ta/  Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Mỗi người Việt Nam cần có sự hiểu biết tường tận về lịch sử đất nước, về dân tộc, mỗi người đều có thể đóng góp sức mình vào gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và biết trân quý thành quả mà hiện tại đang được hưởng thụ. Đối với thiếu niên nhi đồng, Người từng dạy: "Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào"(3). Còn với thanh niên Bác yêu cầu: "Trước hết phải yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, phải có tinh thần dân tộc vững chắc và tinh thần quốc tế đúng đắn(4). Tinh thần yêu nước, như Bác đã khẳng định, là vốn quý, là sức mạnh tuyệt vời đã nhiều lần giúp dân tộc ta đứng vững trước những thử thách của lịch sử.

Việc nghiên cứu, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là việc hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, góp phần làm thức tỉnh một bộ phận thanh, thiếu niên đang sống thiếu lý tưởng, niềm tin, thiếu lòng tự hào và kiêu hãnh dân tộc, đồng thời tiếp thêm nguồn sức mạnh cho hàng triệu thanh niên đang ngày đêm học tập, chiến đấu, lao động, cống hiến trên mọi lĩnh vực góp phần vào sự giàu mạnh cho đất nước. Tương lai của đất nước, của dân tộc phụ thuộc rất nhiều vào thế hệ trẻ, vì vậy phải giáo dục để họ ghi nhớ lời Bác:  "Thanh niên ta có vinh dự to thì càng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân"(4).  Đồng thời, phải ra sức học tập kiến thức, rèn luyện đức tài sẵn sàng đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển.

Thực hiện những chỉ dẫn của Bác và để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng mới, công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ được Đảng và Nhà nước quan tâm. Theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của BCH Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cần lưu ý một số điểm sau:

Một là, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác giáo dục lịch sử truyền thống, các giá trị đạo đức đối với thế hệ trẻ, coi đó vừa là nhiệm vụ chiến lược vừa là nhiệm vụ thường xuyên cần thực hiện. Từ đó có sự quan tâm thích đáng đến công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nêu gương người tốt, việc tốt, phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình” trong thế hệ trẻ.

Hai là, xây dựng môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ học tập, rèn luyện, phát huy năng lực, cống hiến cho đất nước. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục pháp luật cho thế hệ trẻ. Xây dựng lối sống vì mọi người, phòng chống các tệ nạn xã hội trong giới trẻ.

Ba là, cần có sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội, các ban ngành, đoàn thể trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tương thân tương ái cho thế hệ trẻ. Nâng cao hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Bốn là, đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục cho đoàn viên thanh niên. Đẩy mạnh giáo dục chính trị, lý tưởng cách mạng cho thanh niên. Định hướng công tác tư tưởng, nắm bắt dư luận xã hội, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, lệch lạc trong thanh niên. Phát huy tinh thần sáng tạo, năng động của thanh niên. Lựa chọn giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng.

Một số điểm lưu ý trên sẽ góp phần vào việc nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống lịch sử, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ, góp phần giúp thế hệ trẻ có đủ hành trang xây dựng và bảo vệ đất nước, vững vàng đưa đất nước hội nhập và phát triển.

Tuyết Nhung 

Tài liệu tham khảo:

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà nội, 2009, T4, tr167

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà nội, 2009, T12, tr510

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà nội, 2009, T7, tr455

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, Hà nội, 2009, T10, tr489                                                                                  

Xuân Hòa