VNHN - Những năm đầu đời là giai đoạn phát triển quan trọng nhất của một con người, là nền tảng cho sự phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần, cũng như văn hóa và nhận thức trong tương lai của cả cuộc đời…Tuy nhiên, vấn đề giáo dục sớm tại Việt Nam vẫn chưa được quan tâm và đặt đúng vai trò, tầm quan trọng. PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người đã có cuộc trao đổi với Pv xung quanh vấn đề này.
Pv: Giáo dục sớm tại Việt Nam dường như vẫn chưa được nhìn nhận và quan tâm đúng tầm. Xin ông cho biết thực trạng của vấn đề?
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Đến nay mới chỉ có một vài tổ chức phi chính phủ và một số ít trường mầm non quan tâm đến sự nghiệp giáo dục sớm với việc nghiên cứu, thực hành chương trình giáo dục sớm. Một số gia đình và phụ nữ mang thai đã quan tâm tìm hiểu về thai giáo và giáo dục sớm ở gia đình với sự tiếp cận của tài liệu nước ngoài...
Tuy nhiên, mô hình giáo dục sớm ở nước ta chưa được định hình rõ nét và chưa được tổ chức bài bản, qui mô trên cơ sở khoa học. Phần lớn trẻ nhỏ chưa được tiếp cận với giáo dục sớm. Đây là thiệt thòi lớn không chỉ cho các cháu nhỏ mà còn là sự lãng phí tiềm năng vô cùng to lớn của các gia đình và của đất nước.
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh
Pv: Theo ông, vì sao giáo dục sớm lại quan trọng và cần thiết như vậy?
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Trước đây người ta cho rằng, não phải và não trái hoạt động theo một nguyên lí giống nhau. Nhưng thực tế không phải như vậy. Các nhà khoa học đã phát hiện ra, não phải có những khả năng kỳ diệu. Nếu não phải được phát triển, nó có thể sẽ kích hoạt những khả năng không có giới hạn.
Phương pháp giáo dục truyền thống hiện nay mới chỉ tập trung vào một bên của não bộ đó là não trái vì người ta chưa biết nhiều về nửa bên kia. Trên thực tế, những khả năng chưa được khai phá của con người đều nằm ở não phải. Ngay trong bụng mẹ, não phải của con người được hình thành trước, sau đó não trái mới hình thành.
Trong ba năm đầu đời, não trái chưa hoạt động tốt và não phải đóng vai trò là não chủ đạo. Từ 3 - 6 tuổi, vị trí chủ đạo của não phải dần chuyển sang não trái. Đến 6 tuổi, não trái bắt đầu đóng vai trò chủ đạo và nó sẽ khống chế sự hoạt động của não phải. Đó là lí do tại sao cần tận dụng kích hoạt não phải trong giai đoạn trước 3 tuổi khi não phải vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Trong 3 năm đầu đời nếu trẻ được sống trong môi trường chăm sóc, giáo dục sớm đúng đắn, đa dạng, được cung cấp những trải nghiệm phong phú kích hoạt não trẻ sớm ngay từ giai đoạn này, trẻ sẽ hình thành nên hàng tỉ các kết nối và mạng lưới thần kinh dày đặc trên bộ não, giúp trẻ đạt được những tiềm năng trí lực tối đa cho cả cuộc đời…
Nếu bỏ qua cơ hội chỉ đến một lần trong đời lúc này thì tiềm năng não bộ của trẻ sẽ giảm dần theo quy luật “Sử dụng nó hay đánh mất nó”, nghĩa là giáo dục càng muộn thì tiềm năng có được của con người được phát huy càng ít…
Pv: Vậy mục tiêu của giáo dục sớm cho trẻ là gì?
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Mục tiêu của giáo dục sớm không phải để nhồi nhét tri thức mà giáo dục phải góp phần kích hoạt được các năng lực thiên bẩm của trẻ, nhằm khai phá các tiềm năng và khả năng phi thường trong những năm đầu đời, nhằm hình thành các nền tảng tốt đẹp cho cả đời người.
Để có năng lực thiên bẩm chúng ta phải cung cấp cho trẻ môi trường phát triển tốt với các yếu tố kích thích cần thiết cho sự phát triển. Ngày xưa, giáo dục tập trung vào việc nuôi dưỡng những con người tốt để có thể đóng góp cho gia đình, xã hội. Ngày nay, giáo dục mới chỉ là để vượt qua các kỳ thi và chỉ chú trọng khả năng học tập ở trường. Nói cách khác, chúng ta nên xây dựng một nền giáo dục có thể đề cao ý chí của từng cá nhân.
Các tố chất cơ bản cần bồi dưỡng, chăm sóc, giáo dục sớm cho trẻ 0 - 3 tuổi, đó là: Sức khỏe tốt; Đầu óc linh hoạt, sáng tạo; Có niềm say mê hứng thú; Tính cách tốt; Biết yêu thương và giao tiếp; Phát triển ngôn ngữ (bao gồm ngôn ngữ thị giác và ngoại ngữ); Yêu thích thiên nhiên và những sự vật tốt đẹp.
Pv: Ông có đề xuất giải pháp gì để triển khai giáo dục sớm ở Việt Nam?
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh: Đảng và Nhà nước cần coi giáo dục sớm trẻ em từ 0 - 3 tuổi là một nhiệm vụ chiến lược trong đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà, góp phần đào tạo nhân tài, cải tạo và nâng cao chất lượng nòi giống của dân tộc Việt Nam.
Tiến hành nghiên cứu và triển khai xây dựng chương trình giáo dục sớm ở quy mô quốc gia trong các cơ sở giáo dục mầm non và cả trong các gia đình…
Cần xác định vai trò của giáo dục sớm tại gia đình là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân. Các bậc cha mẹ phải là người đồng hành cùng nhà trường trong sự nghiệp giáo dục sớm nói riêng và giáo dục cho mọi trẻ em nói chung.
Các cấp, các ban ngành, đoàn thể liên quan đến chăm sóc và giáo dục trẻ em cần đẩy mạnh công tác truyền thông đưa giáo dục sớm vào cộng đồng nhằm thay đổi hành vi và nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng và lợi ích to lớn của giáo dục sớm...
Tăng cường sự phối kết hợp giữa gia đình, nhà trường, các ban ngành, đoàn thể, các cơ sở giáo dục, cơ sở nghiên cứu của Trung ương và địa phương, của Nhà nước và tư nhân nhằm vận động cải thiện chính sách xã hội hóa giáo dục sớm với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”./.
Pv: Xin cảm ơn PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh!