Từ đó tới nay, Chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành phố, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương. Chương trình đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “
Giới thiệu
Ngày 07/5/2018, Việt Nam chính thức ban hành chính sách tổng thể cấp quốc gia về Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 tại Quyết định số 490/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ. Đến ngày 01/8/2022, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 tiếp tục được ban hành kèm theo Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từ đó tới nay, Chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành phố, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới ở tất các các địa phương. Chương trình đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường; khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng, miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch. Do đó, việc đánh giá những kết quả đạt được, cùng hạn chế, thách thức trong phát triển sản phẩm OCOP là cần thiết để từ đó xây dựng giải pháp nhằm nâng cao chất và lượng sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Một số kết quả trong phát triển sản phẩm OCOP tại Việt Nam
Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, số sản phẩm tham gia và được công nhận sản phẩm OCOP tại Việt Nam ngày càng nhiều, phong phú về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng… Ngày càng có nhiều sản phẩm tốt với chất lượng cải thiện, thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chỉ dẫn địa lý gắn với địa danh xuất xứ sản phẩm và chủ thể sản xuất, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và thuận tiện cho cơ quan quản lý trong việc theo dõi, kiểm tra, giám sát sản phẩm.
Nhiều sản phẩm OCOP được đổi mới, sáng tạo để nâng cao chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu hướng đến cả những thị trường khó tính, có giá trị cao. Đã và đang hình thành nhiều vùng du lịch OCOP cùng với phát triển nhiều loại sản phẩm hàng hóa góp phần phục vụ phát triển du lịch của các địa phương, như: ẩm thực, chữa bệnh, làm đẹp, hàng tiêu dùng, quà lưu niệm… Sản phẩm OCOP cũng đã bước đầu khơi dậy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và lao động địa phương, đặc biệt là dịch vụ du lịch nông thôn.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (2023), đến hết năm 2022, cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Có 8.867 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 65,9% sản phẩm 3 sao, 33,2% sản phẩm 4 sao, 0,7% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Đã có 4.586 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 25,6% là doanh nghiệp, 33,5% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Sản phẩm OCOP có ảnh hưởng ngày một lớn, có sức tiêu thụ tốt, nên được nhiều doanh nghiệp thương mại, siêu thị lớn đặt hàng đưa vào hệ thống phân phối ổn định. Thực tế cho thấy, sau khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, đầu ra sản phẩm tốt hơn rất nhiều bởi được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Cùng với đó, vì đảm bảo lợi ích, các tổ chức thương mại cũng ưu tiên đặt hàng tiêu thụ sản phẩm của các chủ thể OCOP.
Nhiều sản phẩm OCOP có chất lượng cao đã được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, như: miến dong Tài Hoan (Bắc Kạn), cà phê Bích Thao (Sơn La), đường thốt nốt Palmania (An Giang), gạo ST24 (Sóc Trăng), gạo đặc sản Thiên Vương (An Giang), chè hữu cơ Bản Liền (Lào Cai), miến dong Việt Cường (Thái Nguyên), mắm tôm Lê Gia (Thanh Hóa), Ladoactiso cao ống (Lâm Đồng), cà phê rang xay Darmark (Kon Tum), muối NADISALT (Nam Định)… đã xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Đan Mạch, Séc, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc…
Quan trọng hơn là, các sản phẩm OCOP đều gia tăng giá trị, giúp chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và tăng doanh thu, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư và xã hội. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, có tới 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm, giá bán các sản phẩm OCOP tăng bình quân 12,2%/năm.
Đặc biệt, với các sản phẩm OCOP đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia, mức tăng này có thể lên tới 20%-40% tùy theo loại sản phẩm. Chẳng hạn, ở Thái Nguyên, sản phẩm OCOP đã tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 110 triệu đồng/ha/năm, nhiều diện tích chè đạt 750 triệu đồng/năm, cây ăn quả đạt 350 triệu đồng/năm.
Hơn nữa, sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá trên nhiều kênh thương mại, thông qua nhiều hình thức và phương tiện khác nhau, được tổ chức trên nhiều phạm vi, địa điểm, nên được nhiều khách hàng biết đến, thực hiện tiêu thụ được khối lượng hàng hóa tương đối lớn. Đến nay, tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều thường niên tổ chức các hội chợ, diễn đàn sản phẩm OCOP và có nhiều điểm bán sản phẩm OCOP tại địa phương, kết hợp tổ chức các hội chợ tầm khu vực, vùng và quốc gia.
Những vẫn đề đặt ra
Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, sản phẩm OCOP Việt Nam vẫn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém:
Thứ nhất, hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả trong điều phối hoạt động hỗ trợ, nguồn lực dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai.
Thứ hai, số lượng sản phẩm OCOP đã có sự phát triển, nhưng chưa ổn định, dẫn đến có khá nhiều chủ thể tự xin rút hoặc bị thu hồi chứng nhận sản phẩm OCOP. Định hướng phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu, đặc biệt là bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, truyền thống ở nhiều địa phương còn chưa được quan tâm, chưa có chính sách, giải pháp phù hợp. Nhiều sản phẩm đạt chất lượng, nhưng không thực hiện và chưa được chứng nhận sản phẩm OCOP... Kết quả là, giá trị gia tăng và thu nhập mang lại từ sản phẩm thấp, hiệu quả kinh tế chưa tương xứng quy mô đầu tư và công sức của chủ thể OCOP, cũng như xã hội.
Thứ ba, sản phẩm OCOP có quy mô khiêm tốn. Việc mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Số sản phẩm đạt OCOP nhiều, song phần lớn có quy mô sản xuất mang tính thời vụ, không đáp ứng được nhu cầu lớn và thường xuyên của thị trường. Nội lực và khả năng quản trị sản xuất của chủ thể OCOP còn hạn chế. Thậm chí, nhiều chủ thể còn lúng túng trong việc hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm để được chứng nhận OCOP.
Thứ tư, hàm lượng khoa học, công nghệ trong các sản phẩm OCOP còn thấp, do các sản phẩm OCOP chủ yếu là các sản phẩm sơ chế hoặc chế biến đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Quy trình và công nghệ chế biến còn đơn giản, thậm chí còn lạc hậu và chưa đảm bảo đầy đủ các quy định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; vấn đề sở hữu trí tuệ chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức, nhiều chủ thể chưa hiểu rõ và chưa chủ động đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu, bảo hộ mẫu mã, bao bì, kiểu dáng công nghiệp…
Thứ năm, trình độ lao động thấp, cơ sở hạ tầng sản xuất và thương mại còn yếu kém, nên năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất lớn, dẫn đến giá thành sản phẩm OCOP còn khá cao. Đây là một trở ngại lớn để tạo sự hấp dẫn, thu hút người tiêu dùng. Đó cũng là nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP với các sản phẩm khác trong và ngoài nước.
Thứ sáu, ảnh hưởng của sản phẩm OCOP trên thị trường chưa lớn, tiêu thụ sản phẩm còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy đối với các chủ thể, sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, phân hạng còn hạn chế do các địa phương mới chỉ tập trung vào hoạt động đánh giá, phân hạng sản phẩm. Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được nhiều địa phương quan tâm triển khai, nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP, chưa trở thành giải pháp hỗ trợ tích cực, tạo động lực cho các chủ thể tham gia vào chương trình. Các trung tâm, điểm bán hàng OCOP còn yếu về năng lực và hiệu quả hoạt động.
Thứ bảy, sản phẩm OCOP chỉ tập trung vào một số ít địa phương, chủ yếu là những vùng còn nhiều khó khăn về kinh tế - xã hội. Thực tế này phản ánh nhiều vấn đề về ý nghĩa của Chương trình đối với việc phát triển ở những vùng khó khăn, về khơi dậy tiềm năng sản vật địa phương, đồng thời cũng bộc lộ những khó khăn của sản phẩm OCOP.
Một số giải pháp
Để phát triển sản phẩm OCOP hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức đoàn thể
Một là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP. Tiếp tục nghiên cứu bổ sung, sửa đổi những điểm chưa hợp lý trong các văn bản, đặc biệt là Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng về sản phẩm, chất lượng sản phẩm, phát triển vùng nguyên liệu, duy trì sự đặc sắc, nét văn hóa của các sản phẩm địa phương nhằm thúc đẩy sự tham gia và có cơ chế chia sẻ lợi ích phù hợp của cộng đồng vào sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP.
Hai là, bổ sung chính sách hỗ trợ đối với chủ thể OCOP
- Về vốn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần nghiên cứu, đề xuất bổ sung nguồn vốn, mở rộng đối tượng, nâng mức cho vay trong các chương trình cho vay ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội về phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt là hỗ trợ ứng dụng công nghệ cơ giới hóa và chế biến quy mô nhỏ và vừa. Các ngân hàng cần linh hoạt hơn trong việc giải quyết các thủ tục, vừa đảm bảo an toàn cho ngân hàng, vừa tạo thuận lợi nhất cho các chủ thể OCOP vay vốn. Xây dựng cơ chế, quy chế bảo lãnh vay vốn cho các chủ thể OCOP khi cần thiết.
- Về khoa học, công nghệ: Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các trung tâm thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP cấp quốc gia, cấp vùng và địa phương theo hình thức xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng… Xây dựng và triển khai chính sách khoa học, công nghệ đối với các sản phẩm OCOP theo hướng nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chuyển đổi số trong xây dựng và quản lý có hiệu quả nhãn hiệu các sản phẩm.
- Về đào tạo: Mở rộng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý chương trình và sản phẩm OCOP, kiến thức quản lý sản xuất, kinh doanh cho lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, hỗ trợ và giúp đỡ các địa phương, các chủ thể OCOP đào tạo, rèn luyện trình độ chuyên môn cho người lao động trong các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP.
Ba là, hỗ trợ xúc tiến thương mại quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Nhà nước cần tổ chức và giúp chủ thể OCOP đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc gắn với văn hóa cấp địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm. Xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam (nhãn hiệu chứng nhận), tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ để nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường. Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình điểm bán hàng OCOP, các tuyến phố OCOP. Giúp các chủ thể OCOP xúc tiến quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm qua việc tổ chức các hội chợ triển lãm, các diễn đàn, các sự kiện festival về sản phẩm OCOP...
Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại nhằm phát triển sản phẩm OCOP ra thị trường nước ngoài. Tạo môi trường và điều kiện thu hút doanh nghiệp nước ngoài hỗ trợ về kỹ thuật, nguồn lực của các đối tác quốc tế; thúc đẩy cơ giới hóa trong phát triển sản phẩm OCOP; phát triển OCOP xanh theo hướng xuất khẩu; nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ phát triển và quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài nước. Tổ chức các sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP tới các đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan đại diện của các nước, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế tại Việt Nam nhằm quảng bá rộng rãi, tìm kiếm cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm OCOP. Tích cực tham gia, tổ chức các sự kiện, diễn đàn khu vực, quốc tế về OCOP thường niên để mở rộng cơ hội thị trường của sản phẩm OCOP, góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa, du lịch Việt Nam. Đồng thời, lựa chọn, hỗ trợ các sản phẩm OCOP được cấp chỉ dẫn địa lý, đăng ký nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, có tiềm năng, lợi thế vùng để tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành lớn tại các thị trường trọng điểm, như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... nhằm khảo sát thị trường, tạo cơ hội cho các chủ thể thực hiện sản phẩm OCOP tiếp xúc, đàm phán với đối tác, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và gia tăng giá trị kinh tế cho sản phẩm OCOP.
Về phía các chủ thể OCOP
Thứ nhất, tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng
- Ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc.
- Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
- Tăng cường liên kết bền vững, khả năng truy xuất nguồn gốc giữa chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP với vùng nguyên liệu.
Thứ hai, xác định, lựa chọn đúng sản phẩm, hạn chế tình trạng chỉ dựa vào những sản phẩm vốn có của địa phương hay gia đình ít nổi bật. Đây là khâu bắt buộc đầu tiên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bước khởi đầu đặt nền tảng cho sự thành công hay thất bại của chủ thể OCOP, đồng thời là khâu đặt nền tảng cho việc hoạch định chiến lược, quyết định hiệu quả kinh doanh. Để lựa chọn đúng sản phẩm, cần nhận thức cơ sở lựa chọn, gồm: tính riêng biệt, đặc trưng, đặc thù của sản phẩm OCOP; tiềm năng về sản lượng hiệu quả; khả năng huy động nguồn lực đất đai, tài nguyên, vốn, lao động…; chất lượng và khả năng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng; triển vọng liên kết chuỗi (từ nguồn nguyên liệu, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ); chi phí và doanh thu; khả năng đổi mới (chủng loại, chất lượng, hình thức sản phẩm), tiềm năng và điều kiện khoa học, công nghệ; quản trị rủi ro; năng lực quản trị của chủ thể sản phẩm OCOP.
Thứ ba, vận dụng tối đa các chính sách, cơ chế hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP của Trung ương và địa phương. Nghiên cứu, tìm hiểu để vận dụng các chính sách hỗ trợ từ Chương trình OCOP và những chính sách liên quan.
Thứ tư, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ. Các chủ thể OCOP cần nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất thích ứng với nền kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp xanh. Đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị, tăng cường cơ sở vật chất khắc phục phụ thuộc vào thời tiết, tăng năng suất, giảm lao động thủ công, đặc biệt cần chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghiên cứu cải tiến chủng loại, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động để giảm giá thành sản phẩm. Tăng cường công tác đào tạo lao động có hiểu biết kỹ thuật và kỹ năng làm việc tốt.
Thứ năm, tập trung thu hút vốn từ nhiều nguồn, với nhiều hình thức. Các chủ thể OCOP phải tính toán kỹ lưỡng năng lực tài chính, lựa chọn đầu tư đúng sản phẩm, đúng quy trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tránh thất thoát, lãng phí. Huy động tối đa nguồn vốn tự có và vốn vay từ nhiều nguồn, qua nhiều hình thức hợp pháp. Tranh thủ vận dụng tối đa cơ chế hỗ trợ về vốn của Chính phủ, các tổ chức chính trị - xã hội thông qua các chương trình, đề án, dự án… Mở rộng nhiều hình thức huy động vốn qua liên kết cùng đầu tư, chia sẻ quyền lợi với các chủ thể khác hay các cá nhân trong cùng địa phương và ngoài địa phương. Tổ chức và tham gia các hợp tác xã cổ phần để huy động vốn. Đẩy mạnh chuỗi liên kết hợp tác cùng sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên nguyên tắc cùng đóng góp về vốn.
Thứ sáu, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, sở hữu trí tuệ gắn với sản phẩm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP. Xây dựng, mở rộng, phát triển hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thương hiệu sản phẩm (nhất là những đặc sản đặc trưng vùng, miền), cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm và chủ thể sản xuất sản phẩm đến người tiêu dùng.
Kinh tế và Dự báo
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2021), Báo cáo thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 tại Hội nghị tổng kết Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, ngày 23/3/2021.
2. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 490/QĐ-TTg, ngày 07/5/2018 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020.
3. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 148/QĐ-TTg, ngày 24/2/2023 ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
4. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 919/QĐ-TTg, ngày 01/8/2022 phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.
5. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định 263/QĐ-TTg, ngày 22/02/2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
6. Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (2023), Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện trong năm 2023.