Để phát triển bền vững, Nhà nước phải ưu tiên nguồn lực cho đầu tư công, tạo nền tảng vật chất kỹ thuật quan trọng cho đất nước, thực hiện phúc lợi xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng phòng thủ vững chắc. Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn như hiện nay, cần phải quyết liệt công tác phòng chống lãng phí thất thoát, tham nhũng trong đầu tư công nhằm đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, tiết kiệm và đem lại hiệu quả cao nhất, tạo niềm tin trong nhân dân để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Thực trạng đang còn nhức nhối.
Trong những năm qua, nhà nước đã đầu tư nguồn vốn rất lớn để xây dựng các công trình trọng điểm, góp phần quan trọng vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, tình hình vi phạm pháp luật trong đầu tư xây dựng xảy ra ngày càng nhiều, gây lãng phí, thất thoát ở rất nhiều dự án. Tình trạng các dự án đầu tư công khắp cả nước bị đội giá so với dự toán, chậm tiến độ hoặc xây dựng xong nhưng chỉ sử dụng một phần nhỏ công suất thiết kế... đang trở thành vấn đề nhức nhối gây lãng phí, thất thoát ngân sách, nguồn lực của nhà nước. Tình trạng này đã xảy ra trong nhiều năm . Tính riêng năm 2017, có hơn 51.000 dự án thực hiện đầu tư từ ngân sách (trong đó có 29.000 dự án khởi công mới), trong số đó có 1.609 dự án chậm tiến độ. Ngoài số dự án chậm tiến độ, sau khi kiểm tra hơn 12.800 dự án và đánh giá 18.000 dự án, cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện gần 850 dự án có dấu hiệu thất thoát lãng phí, 225 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 22 dự án vi phạm về quản lý chất lượng, 284 dự án phải ngừng thực hiện; trong đó 2.605 dự án thực hiện đầu tư phải điều chỉnh, chủ yếu là điều chỉnh vốn đầu tư (979 dự án) và điều chỉnh tiến độ đầu tư (936 dự án). Cũng trong năm 2017, tại phiên giải trình về tình hình triển khai thực hiện Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố 72 dự án với tổng số vốn đầu tư 42.000 tỷ đồng có dấu hiệu không hiệu quả. Tình trạng thất thoát lãng phí trong đầu tư công cũng xảy ra ở hầu hết các Bộ, ngành mà nhiều nhất Bộ Công thương với 12 đại dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Bộ Giao thông Vận tải với những dự án như Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng vừa nghiệm thu thông xe chỉ sau vài năm đã hỏng, và phải bị xử lý hình sự, Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tổng mức đầu tư ban đầu là 8.769,97 tỷ đồng đã điều chỉnh tăng thêm 18.001,59 tỷ đồng, tăng 205,27%. Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành - Suối Tiên do UBND thành phố Hồ Chí Minh đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là 17.387,6 tỷ đồng đã điều chỉnh tăng thêm 47.325 tỷ đồng, tăng 272%. Dự án xây dựng tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với số vốn đã đầu tư là 4.300 tỷ đồng và sau 12 năm triển khai vẫn trong tình trạng dở dang. Đường tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai có tổng vốn gần 250 tỷ đồng, thi công vào tháng 5/2018, hoàn thành vào tháng 6/2019 với chiều dài hơn 10,8km. Công trình hoàn thành 3 tháng thì nền và mặt đường bị lún sâu, đứt gãy, rách toác với nhiều vết sâu gần 1m, chạy dọc tim đường đến nay chưa khắc phục đưa vào sử dụng.
Công trình thủy lợi Ia Mơr đã tích nước từ năm 2019 vơi số vốn đã đầu tư 3000 tỷ đồng, có 12.000 ha đất được quy hoạch làm vùng tưới hầu hết là đất rừng. Trong đó, có 4.000 ha tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) và khoảng 8.000 ha tại huyện Chư Prông (Gia Lai) nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có công trình thủy lợi kế hoạch dự tính tưới tiêu 1.000 hecta nhưng làm xong chỉ tưới được có 500 hecta do khảo sát, thiết kế không đúng, Công trình Thuỷ lợi Ia Mơr (tại huyện Chư Prông- Gia Lai) là một đại công trình thuỷ nông, với tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng, được kỳ vọng phục vụ tưới cho khoảng 18.000 ha đất sản xuất dọc một số huyện biên giới tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk. Tuy nhiên, từ 2005 tới nay, dự án mới hoàn thành hồ chứa và một số kênh chính nên chưa thể phát huy hiệu quả.
Bộ Công thương với các dự án nhiên liệu sinh học của PVN tại Phú Thọ, Quảng Ngãi, Bình Phước được đầu tư hơn 5.400 tỷ đồng, nhưng đến nay có dự án dừng thi công, 2 dự án không vận hành thương mại vì thua lỗ. Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch với các dự án như nhà thi đấu Hà Nam được đầu tư 1.000 tỷ đồng nhưng hiệu quả sử dụng rất thấp.
Kết quả giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư công năm 2019 của Bộ Kế hoạch và đầu thì cả nước có khoảng 1.800 dự án đầu tư chậm tiến độ, 125 dự án thất thoát, lãng phí, 27 dự án đầu tư không hiệu quả, trong năm , các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện đầu tư hơn 69.000 dự án đầu tư công, với tổng vốn đầu tư khoảng 603.400 tỷ đồng. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công theo báo cáo của 110 bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt khoảng 464.100 tỷ đồng, tương đương 76,9% kế hoạch.
Sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nhìn từ "chia nhỏ" gói thầu.
Nhiều bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước có tỷ lệ giải ngân vốn chậm, không đạt kế hoạch. Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 30%, Hải Dương 40%, Đồng Nai 43%, Tổng công ty Hàng không Việt Nam 12%, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 15%, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 53%... Lý do chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hàng ngàn dự án là do có gần 1.300 dự án chậm giải phóng mặt bằng, 337 dự án vướng thủ tục đầu tư, 248 dự án không bố trí kịp vốn đầu tư, gần 160 dự án chậm tiến độ vì chủ đầu tư, nhà thầu thiếu năng lực, 545 dự án do nguyên nhân khác.
Nguyên nhân chính chậm tiến độ dự án đầu tư công chủ yếu vẫn do chậm tiến độ giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, cũng có khoảng 2.700 dự án đầu tư phải điều chỉnh, chiếm 3,9% tổng số dự án đầu tư. Trong đó, có 1.200 điều chỉnh mục tiêu đầu tư, 1.182 dự án điều chỉnh tiến độ đầu tư, 1.127 dự án điều chỉnh vốn đầu tư, và gần 900 dự án điều chỉnh vì các lý do khác. Trong năm 2019, các cơ quan quản lý nhà nước đã kiểm tra hơn 15.800 dự án đầu tư công, tổ chức đánh giá khoảng 26.600 dự án. Qua đó, phát hiện 18 dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, 17 dự án vi phạm quy định về quản lý chất lượng, 125 dự án thất thoát, lãng phí. Các địa phương bị phát hiện có dự án đầu tư công thất thoát, lãng phí nhiều nhất là Thanh Hóa 52 dự án, Sơn La 33 dự án, Nghệ An 20 dự án. Thất thoát, lãng phí vốn đầu tư nhà nước chủ yếu do địa phương chi đầu tư không hợp lý. Phần lớn các dự án đầu tư công thất thoát, lãng phí được cơ quan kiểm toán phát hiện.
Năm 2021, theo báo cáo của Bộ Tài Chính, Ước giải ngân kế hoạch vốn 5 tháng đầu năm chỉ đạt trên 102.029 tỷ đồng, bằng 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%). Ngoài một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao, trên 25% kế hoạch như: Thái Bình (73,74%), Hưng Yên (47,22%); Kiểm toán Nhà nước (46,89%); Nam Định (45r17%); Thanh Hóa (44,39%); Hà Nam (41,46%) thì hầu hết các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15% như: Bắc Kạn mới đạt gần 7%; Cần Thơ mới đạt gần 9%... Đáng chú ý còn 8 bộ có tỷ lệ giải ngân dưới 1%. Đặc biệt, nguồn vốn ODA giải ngân rất thấp, mới đạt gần 3%. Bộ Tài chính đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Tại xã Ia Mơr, có hơn 6.000 ha rừng được chuyển đổi để trồng cao su nhưng không mang lại hiệu quả.
Ở các địa phương, nhiều dự án chưa có tính cấp thiết hay hiệu quả sử dụng không cao như các Trung tâm hội nghị, Công viên nước, nhà thi đấu, bể bơi, sân tennis, nhà tang lễ, nhà khách, nhà ăn tập thể, mua sắm trang thiết bị chuyên dùng các đơn vị sự nghiệp…vẫn đang được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Tình trạng xây dựng các trụ sở vượt định mức, gây nên thừa trụ sở để cho thuê kinh doanh vẫn còn tiếp diễn ở một số địa phương, đơn vị gây lãng phí, thất thoát qua mỗi lần sáp nhập, chia tách..
Tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng, chậm tiến độ trong những năm qua xảy ra trên diện rộng và ở tất cả các khâu do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là từ chất lượng quy hoạch chưa tốt; nguyên nhân từ sự sơ hở của các văn bản pháp luật trong quyết định chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, bố trí vốn, đấu thầu và việc tổ chức thực hiện đầu tư, kiểm tra, giám sát, nghiệm thu, bàn giao sử dụng của các cơ quan quản lý.
Hệ thống pháp luật đầu tư công tuy rất nhiều nhưng sự chồng chéo trong việc ban hành các văn bản pháp lý liên quan được coi là rào cản lớn nhất trong công tác đầu tư xây dựng nói chung và đầu tư công nói riêng .Cùng một vấn đề, giữa các luật này và luật kia còn có sự khác biệt và phụ thuộc phải chờ đợi nhau từ các cơ quan chuyên ngành, dẫn đến chậm trễ trong phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí vốn nhưng không quy được trách nhiệm cho cơ quan nào. Việc phân cấp phân quyền chưa rõ ràng nên phải” chạy”, phải “ xin” cơ chế, xin vốn. Luật Đầu tư công quy định dự án phải có quyết định chủ trương đầu tư mới được bố trí vốn, trong khi đó thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn là điều kiện bắt buộc để quyết định chủ trương đầu tư dự án nên tạo ra sự bất cập. Trong Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu phải có Báo cáo đánh giá tác động môi trường ở giai đoạn đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng tại giai đoạn này không đủ chi tiết, chỉ mang tính chất sơ bộ,chưa đủ điều kiện để lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường dẫn đến rất lúng túng của các cơ quan chức năng khi đề xuất, quyết định.
Ngoài ra, do không làm tốt công tác giải phóng mặt bằng nên tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư công thường bị kéo dài. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân phải từ 6 tháng trở lên, thậm chí nhiều dự án bị kéo dài từ 3 đến 5 năm làm tăng chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng do tăng đơn giá, có dự án bồi thường chậm dẫn đến bỏ dở dang gây lãng phí và thiệt hại ngân sách. Tình trạng thất thoát, tham nhũng gây bất bình trong nhân dân do cấu kết giữa cán bộ làm công tác bồi thường và người nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn xảy ra nếu không làm tốt công tác kiểm tra giám sát..
Một số giải pháp để phòng, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng, trong đầu tư công.
Những tồn tại, yếu kém nói trên kéo dài nhiều năm khiến hiệu quả đầu tư xã hội bị hạn chế, làm thâm hụt ngân sách và tăng nợ công quốc gia. Những tiêu cực như tham nhũng, rút ruột công trình nếu không có giải pháp hữu hiệu sẽ phá hoại ngầm giá trị của xã hội, làm mất lòng tin của người dân đối với chính quyền. Do đó, để góp phần ngăn chặn tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng trong đầu tư công cần thực hiện một số giải pháp sau: Tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, phối hợp chặt chẽ giữa các quy hoạch ngành, lãnh thổ và khu vực; Liên kết vùng, tránh tình trạng các quy hoạch không đồng bộ, chồng chéo. Thực hiện công khai quy hoạch và quản lý quy hoạch phải thống nhất. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công nhiệm vụ rõ ràng cơ quan làm đầu mối, xác định trách nhiệm trong công tác quy hoạch giữa các Bộ quản lý ngành, các tỉnh, thành phố và cấp dưới. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật có liên quan đến đầu tư công đã ban hành đồng thời rà soát, bổ sung các quy định mới đảm bảo thống nhất, kịp thời, tránh chồng chéo, sơ hở. Luật Đầu tư công năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020) là cơ sở pháp lý quan trọng, thống nhất trong quản lý và sử dụng nguồn vốn đầu tư công, phần nào khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, chậm tiến độ, nợ đọng.
Hệ thống đê bao kiên cố tại hồ thủy lợi Ia Mơr.
Phạm vi điều chỉnh của Luật đã bao quát được cả vấn đề quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư công với nhiều điểm mới tiến bộ nhưng chủ yếu chỉ xử lý được những vướng mắc trong thủ tục đầu tư công, chưa xử lý được những vấn đề liên quan đến đấu thầu, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường. Mặc dù, tinh thần của Luật Đầu tư công năm 2019 là phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, dù được trao quyền nhưng lãnh đạo các địa phương vẫn có tâm lý sợ trách nhiệm, lúng túng trong thực hiện nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tổ chức bố trí tái định cư. Thực trạng này làm cho công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường vẫn còn chậm trễ làm cho dự án kéo dài gây nên tình trạng lãng phí. Phải có quy định bắt buộc về việc điều chuyển vốn khi triển khai chậm và bị xử lý trách nhiệm, sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các Bộ, ngành và địa phương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu khắc phục tình trạng phải chờ đợi xin ý kiến nhau và đổ lỗi, né tránh trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong công tác này.
Các dự án đầu tư cần được công khai theo phân cấp (trừ các công trình thuộc quốc phòng, an ninh), trước khi quyết định đầu tư phải lấy ý kiến phản biện, nhất là những dự án tác động ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Nâng cao trách nhiệm của người có quyền quyết định đầu tư sẽ giảm được tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng và chậm tiến độ trong đầu tư công. Thực hiện tốt cơ chế phân bổ vốn đầu tư theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức, công khai, minh bạch. Hạn chế sự tùy tiện trong bố trí, phân bổ vốn; chấm dứt cơ chế xin cho, đầu tư phải gắn với kết quả đầu ra. Đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhưng phải đảm bảo tính chặt chẽ, không tạo kẽ hở dễ bị lợi dụng làm thất thoát, lãng phí vốn đầu tư công. Khi có những sai phạm trong đầu tư xây dựng, các chủ thể tham gia phải bồi thường thiệt hại, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật và các quy định của Đảng.
Việc có chế tài, quy định thủ tục pháp lý liên quan đến công tác đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ của người đứng đầu các cấp, các ngành, các chủ đầu tư trong quản lý, triển khai tổ chức thực hiện là rất quan trọng, cấp thiết hiện nay, có ý nghĩa quyết định góp phần ngăn chặn tình trạng lãng phí, thất thoát, tham nhũng, để kéo dài mà hậu quả rõ nhất là khiến đầu tư công trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Điều này sẽ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiện tượng mất niềm tin và nguy cơ xảy ra xung đột xã hội dễ trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tìm ra giải pháp ngăn chặn trong lĩnh vực này là đòi hỏi bức xúc từ thực tiễn ở tất cả các ngành, các cấp hiện nay.
Th.S Nguyễn Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư xây dựng, Dịch vụ Nông Lâm nghiệp Việt Nam
Nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai