Truyền thanh cơ sở từ lâu được coi là một kênh thông tin, tuyên truyền có diện phủ sóng rộng nhất, đưa thông tin trực tiếp và nhanh nhất đến với đông đảo người dân; là phương tiện tuyên truyền hữu hiệu của địa phương, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Nam Định đã luôn bám sát định hướng của các cấp ủy, chính quyền; kịp thời tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; phản ánh gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực của đời sống; góp phần tích cực vào việc động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đáng chú ý, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh và lây lan trên toàn cầu trong đó có Việt Nam, vai trò của hệ thống truyền thanh cơ sở được khẳng định hơn nữa trong việc tăng cường thông tin, tuyên truyền về diễn biến, các chỉ đạo về công tác phòng chống dịch của Chính phủ, của các cấp, ngành, địa phương; hướng dẫn phòng chống dịch bệnh đến từng khu dân cư, tổ dân phố, từng ngõ xóm, từng hộ gia đình.
Thực trạng hoạt động và trang thiết bị của hệ thống đài truyền thanh cơ sở
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông hiện đại như báo điện tử, mạng xã hội... đã làm thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của người dân. Bên cạnh đó, hệ thống truyền thanh cơ sở của tỉnh phần lớn được đầu tư từ những năm 2000, đến nay phần nhiều đã xuống cấp và không đồng bộ. Đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở phần lớn chưa qua đào tạo; chế độ, chính sách chưa đảm bảo, phụ cấp hàng tháng còn thấp nên phần lớn cán bộ truyền thanh cơ sở chưa gắn bó với nghề, chưa đề cao vai trò trách nhiệm trong công tác, một số chờ cơ hội để chuyển làm việc khác dẫn đến chất lượng hoạt động của đài thấp.
Theo khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định, trên địa bàn tỉnh hiện có 226 đài truyền thanh trực thuộc UBND các xã, phường, thị trấn; chịu sự chỉ đạo chuyên môn của Đài Phát thanh các huyện, thành phố, đồng thời thực hiện các chương trình truyền thanh theo yêu cầu thực tiễn của địa phương. Trong đó có 139 đài truyền thanh hữu tuyến (có dây); 85 đài truyền thanh vô tuyến (truyền thanh không dây) có 85 đài; 02 đài ứng dụng Công nghệ thông tin và Viễn thông (01 đài ứng dụng toàn bộ CNTT-VT; 01 đài sử dụng kết hợp CNTT-VT và hữu tuyến).
Trong tổng số 226 đài xã, phường, thị trấn hiện chỉ có 43/226 đài (chiếm 9,1%) đang còn hoạt động tốt, 112 đài hoạt động bình thường, tuy nhiên một số trang thiết bị như loa, dây dẫn, đài radio… đã xuống cấp, 71 đài (chiếm 38%) trang thiết bị phần lớn đã xuống cấp nghiêm trọng. 100/284 số đài radio (chiếm 40%), 37% số máy tăng âm, 36% máy phát FM, 50% số cụm thu FM, 48% km dây dẫn của các đài xã, phường đã xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đài đang sử dụng đường dây điện thoại, dễ bị đứt, hỏng; nhiều đài không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, công suất máy phát yếu, 33 đài hiện đang sử dụng tần số trong băng tần 87-108MHz, hiện không có kinh phí để chuyển đổi về đúng băng tần 54-68MHz được quy hoạch cho truyền thanh không dây, gây nhiễu cho hệ thống vô tuyến khác.
Ngoài khó khăn về cơ sở vật chất, một nguyên nhân nữa khiến hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở chưa thu được kết quả như mong muốn là vấn đề về đội ngũ cán bộ. Theo Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 30/7/2010 của UBND tỉnh quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp hàng tháng đối với cán bộ hoạt động không chuyên trách ở xã, phương, thị trấn; ở thôn (xóm), tổ dân phố của UBND tỉnh và Nghị quyết số 53/2020/NQ-HĐND ngày 08/12/2020 của HĐND tỉnh, cán bộ không chuyên trách phụ trách công tác đài truyền thanh được hưởng mức phụ cấp hàng tháng là 1,06 đối với xã loại 1, 0,93 đối với xã loại 2, 0,79 đối với xã loại 3; đối với phường loại 1 là 1,1, phường loại 2 là 0,97. Do phụ cấp được chi trả thấp nên phần lớn đài truyền thanh cơ sở không thu hút được nguồn nhân lực chất lượng, tâm huyết, gắn bó với nghề. Toàn tỉnh hiện có 470 người (bao gồm cả kiêm nhiệm và không kiêm nhiệm). Phần lớn các đài xã đều bố trí 02 người phụ trách đài gồm: 01 trưởng đài phụ trách nội dung, biên tập chương trình, 01 nhân viên phụ trách kỹ thuật. Có 16 đài không bố trí được nhân lực nên chỉ có 01 người phụ trách cả về nội dung và kỹ thuật của đài. Trong tổng số 470 cán bộ truyền thanh cơ sở hiện có 29 người (6%) có trình độ đại học; 23 người (4,8%) có trình độ cao đẳng; 236 người (50%) có trình độ trung cấp, sơ cấp, còn lại 182 người (38,7%) chưa qua đào tạo hoặc chỉ có trình độ trung học phổ thông. Nhiều đài còn đang sử dụng những người ngoài tuổi lao động để quản lý, vận hành đài (khoảng ngoài 50 tuổi, cá biệt có đài vẫn đang sử dụng lao động đã 70 tuổi).
Thực trạng trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có giải pháp để đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thông tin của người dân.
Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống đài truyền thanh cơ sở
Ngày 20/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng CNTT. Theo đó, Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 100% thông tin thiết yếu từ hệ thống thông tin cơ sở được phổ biến đến người dân; 100% ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở được tiếp nhận, xử lý trên hệ thống TTCS. Phấn đấu 100% nội dung thông tin thiết yếu từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền, phổ biến đến người dân được cung cấp trên hệ thống thông tin nguồn; 100% cán bộ làm công tác TTCS các cấp được bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng CNTT để khai thác, biên soạn tài liệu, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật…
Triển khai Quyết định của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Quyết định số 1381/QĐ-BTTTT ngày 07/9/2021 ban hành Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025. Trong đó, Bộ TT&TT đã chỉ ra xu hướng công nghệ phát thanh, truyền thanh, các nước đã và đang chuyển đổi mạnh từ công nghệ có dây/không dây FM sang công nghệ truyền dẫn số dựa trên nền tảng IP như: Internet, di động 3G/4G. điện thoại cố định IP. Việc sử dụng truyền dẫn IP có nhiều ưu điểm như chất lượng âm thanh tốt hơn, dễ giám sát, có thể điều khiển, kiểm soát từ trung tâm quản lý tập trung, ứng dụng phần mềm quản lý để tinh giảm nhân lực. Bộ TT&TT đặt ra mục tiêu đến năm 2025: 100% đài truyền thanh cấp xã có dây/không dây FM chuyển đổi sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung chương trình phát thanh; chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói; chuyển ngữ nội dung phát thanh tiếng Việt sang tiếng các dân tộc thiểu số; 100% cán bộ làm công tác thông tin cơ sở cấp huyện và cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến về chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ để khai thác, biên soạn tài liệu, lưu trữ thông tin, quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật hiện đại phù hợp với vị trí việc làm.
Đây là những căn cứ quan trọng để tỉnh Nam Định xây dựng giải pháp nhằm hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, đổi mới phương thức cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng nội dung để cung cấp, trao đổi thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác, hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định ban hành Kế hoạch phát triển thông tin cơ sở tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025: 100% UBND cấp xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh, hệ thống thiết bị kỹ thuật hoạt động ổn định với 100% loa đến các thôn hoạt động thường xuyên,chất lượng âm thanh tốt. Giai đoạn 2021-20215, đầu tư, chuyển đổi từ 40% đến 50% số đài truyền thanh không dây/có dây FM cấp xã sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, trong đó ưu tiên đầu tư mới những đài đã xuống cấp nghiêm trọng và đài hoạt động không đúng băng tần 54-68MHz được quy hoạch cho truyền thanh không dây. Giai đoạn 2025-2030, 100% các đài xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh chuyển sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/10/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nam Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; cùng với nhiệm vụ tham mưu chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, Sở Thông tin và Truyền thông cũng tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng hệ thống truyền thanh cơ sở theo hướng hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật số, số hóa sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện của các cơ sở truyền thông cấp huyện. Từ năm 2021, các địa phương sẽ không đầu tư nâng cấp hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh của cơ sở truyền thanh, truyền hình cấp huyện mà từng bước chuyển đổi hoạt động của cơ sở truyền thanh-truyền hình cấp huyện thành cơ sở truyền thông thuộc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố có chức năng nhiệm vụ sản xuất nội dung truyền thông đa phương tiện. Trong giai đoạn 2025-2030 sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, các phần mềm phân tích dữ liệu lớn (Big Data) kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (Al) để tổng hợp, phân tích, chọn lọc thông tin, phục vụ sản xuất nội dung chương trình phát thanh, lưu trữ và quản lý nội dung, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền. Lựa chọn, sử dụng nền tảng công nghệ để chuyển đổi nội dung văn bản sang giọng nói. Xây dựng hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh, đảm bảo kết nối, liên thông với hệ thống thông tin nguồn của Trung ương; chia sẻ, truy xuất dữ liệu đến các hệ thống thông tin cơ sở. Đồng thời, thiết lập ứng dụng trên thiết bị di động thông minh và sử dụng các loại hình thông tin mới hiện đại, kết hợp với các loại hình thông tin truyền thống để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân.
Về công tác nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở, các địa phương căn cứ điều kiện thực tế, bố trí công chức văn hóa xã hội kiêm nhiệm hoặc người hoạt động không chuyên trách cấp xã trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống thông tin cơ sở của xã, phường, thị trấn, đài truyền thanh, trang thông tin điện tử, bảng tin điện tử cộng cộng và các phương tiện truyền thông khác theo hướng tinh gọn và hiệu quả. Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách về công nghệ thông tin và cán bộ làm công tác thông tin cơ sở: Tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng biên soạn, biên tập tin, bài; nâng cao năng lực tổng hợp, phân tích, đánh giá chất lượng nội dung thông tin. Bồi dưỡng về kỹ năng biên soạn tài liệu tuyên truyền, sản xuất nội dung đa phương tiện, biên tập tin, bài phát thanh theo hướng hiện đại. Đào tạo kỹ năng về sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin.
Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị với cấp có thẩm quyền sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định về việc thực hiện chế độ phụ cấp, thù lao có liên quan cho đội ngũ cán bộ truyền thanh cơ sở; có mức chi trả mức phụ cấp kiêm nhiệm phù hợp cho đội ngũ cán bộ công chức văn hóa xã hội làm công tác truyền thanh cơ sở; có chế độ bảo hiểm y tế cho đội ngũ cán bộ không chuyên trách làm công tác truyền thanh tại cơ sở để đảm bảo quyền lợi và chất lượng hoạt động của hệ thống các đài truyền thanh cơ sở.
Thí điểm giải pháp xây dựng Đài truyền thanh ứng dụng Công nghệ thông tin - Viễn thông
Bắt kịp xu thế công nghệ mới, tháng 9/2020, Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định phối hợp với Tổng Công ty viễn thông Mobifone đầu tư xây dựng Đài truyền thanh thông minh tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản,với các thiết bị kỹ thuật gồm 01 máy tính được cài đặt phần mềm quản lý hệ thống; 20 cụm loa với 40 loa nén được lắp đặt tại 15 Nhà văn hóa của các thôn, xóm trên địa bàn xã và 04 cụm loa cho các Khu vực tập thể (HTX Lưỡng Kiệt, HTX Hào Kiệt; HTX Liên Hòa và Trung tâm Văn hóa xã), nhằm đảm bảo các hộ dân được tiếp cận với những thông tin tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh của xã.
Ông Vũ Gia Lâm - Trưởng Đài truyền thanh xã Liên Minh chạy thử nghiệm Đài truyền thanh thông minh
Quá trình hoàn thành lắp đặt thí điểm và vận hành đài truyền thanh thông minh vừa qua đã nhận được nhiều đánh giá tích cực của cán bộ và nhân dân địa phương. Là người trực tiếp vận hành hệ thống truyền thanh này, ông Vũ Gia Lâm, Trưởng Đài Truyền thanh xã Liên Minh cho biết: Mô hình Đài truyền thanh thông minh đã khắc phục được rất nhiều nhược điểm của hệ thống truyền thanh cũ, gọn nhẹ, dễ dàng trong điều khiển vận hành thiết bị; phạm vi phát thanh phủ rộng trong khu dân cư (bao gồm cả những khu vực nằm xa trung tâm) và có thể phân cấp quản lý, tùy phát tới từng cụm loa riêng rẽ. Việc đưa vào vận hành hệ thống này đã giúp giải quyết được việc thiếu nhân lực quản lý, vận hành đài truyền thanh cơ sở. Đến nay, tại trụ sở UBND xã Liên Minh, ông Lâm có thể vận hành được cả ba cụm truyền thanh tại các Hợp tác xã.
Đại diện xã Liên Minh và Mobifone Nam Định ký kết và bàn giao mô hình Đài Truyền thanh thông minh
Việc thí điểm mô hình Đài Truyền thanh thông minh mở ra hướng đi mới cho các đài truyền thanh các địa phương theo hướng hiệu quả, phù hợp xu thế phát triển công nghệ 4.0 hiện nay, giúp đem lại nhiều hơn nữa những thông tin có giá trị thiết thực cho người dân địa phương. Tuy nhiên, một trong những khó khăn trong đầu tư, nâng cấp, chuyển đổi hệ thống truyền thanh cũ sang truyền thông thông minh đó là vấn đề kinh phí. Việc bố trí ngân sách địa phương cho nâng cấp truyền thanh cơ sở vẫn còn hạn hẹp, chủ yếu là nguồn kinh phí xã hội hóa, hỗ trợ từ các doanh nghiệp. Vì vậy, quá trình chuyển đổi công nghệ truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Nam Định đang diễn ra chậm và không đồng bộ giữa các địa phương.
Đứng trước những thực trạng và khó khăn trên, triển khai các giải pháp theo định hướng của chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Thông tin và Thông tin, tỉnh Nam Định đang nỗ lực, từng bước chuyển đổi hệ thống truyền thanh cũ sang truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông trên địa bàn toàn tỉnh, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin cơ sở nhằm phát huy cao nhất hơn nữa hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở, đưa thông tin kịp thời, chính sách đến đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời kêu gọi sự đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, các nguồn lực xã hội hóa đồng hành cùng tỉnh trong quá trình chuyển đổi hệ thống thông tin cơ sở./.