11/01/2025 lúc 08:08 (GMT+7)
Breaking News

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp: Cần nhất là tốc độ

Hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ bàn thảo phủ gần như toàn bộ các kiến nghị, mong đợi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ vẫn là điều mà doanh nghiệp cần.

Hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục được Quốc hội, Chính phủ bàn thảo phủ gần như toàn bộ các kiến nghị, mong đợi của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tốc độ vẫn là điều mà doanh nghiệp cần.

Công nhân Công ty TNHH Piaggio Việt Nam luôn thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế. Ảnh: Trà Hương

Khó khăn còn chồng chất

Quyết định kéo dài thời gian giãn cách của TP Hồ Chí Minh đến ngày 15/9 đã được các doanh nghiệp dự báo trước, khi mà dịch bệnh vẫn diễn biến vô cùng phức tạp. Nhưng điều này cũng có nghĩa là những khó khăn, bất ổn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phát sinh trong thời gian vừa qua còn kéo dài.

“Nhiều doanh nghiệp đã xác định lỗ, thậm chí lỗ nặng nhưng phải duy trì được sản xuất để giữ đơn hàng, giữ lao động và không mất thị trường. Với doanh nghiệp, mất ba yếu tố trên là phá sản”, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chia sẻ thông tin. Trước đó, ông đã có cuộc làm việc với một số doanh nghiệp của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas). 

Các doanh nghiệp cho biết: Công suất đang giảm đi một nửa, do các quy định giãn cách xã hội ở nhiều địa phương, nhưng chi phí sản xuất, chi phí phòng, chống dịch bệnh... tăng mạnh. Đặc biệt, trong bối cảnh phải giữ bằng được thị trường, bảo đảm thời gian giao hàng..., nhiều doanh nghiệp đã buộc phải sử dụng vận tải hàng không, thay vì đường biển, chấp nhận mức giá vận chuyển cao hơn 4-5 lần...

Đây cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp thủy sản đang phải thực hiện, chấp nhận tăng các khoản chi phí để duy trì sản xuất, đặc biệt là thu mua nguyên liệu cho bà con nông dân nuôi trồng thủy sản.

Khác với nhiều sản phẩm khác, tồn kho hàng thủy sản đồng nghĩa với các chi phí kho lạnh tăng cao. “Chi phí điện lên rất cao. Nhưng trong danh sách được hỗ trợ tiền điện của ngành điện dành cho các địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lại không có tên của các doanh nghiệp chế biến, dự trữ thủy sản”, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) phản ánh. 

Vấn đề là nhiều doanh nghiệp không còn nhiều tiền để duy trì hoạt động của các kho lạnh. Trong khi đó, việc xử lý mô hình “ba tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến” ở nhiều địa phương sau hướng dẫn của Bộ Y tế - về việc địa phương sẽ tùy theo tình hình dịch bệnh mà cùng với doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất phù hợp - vẫn đang triển khai khá lúng túng.

Ông Nam cho biết, ở Cần Thơ, chỉ khoảng 11% số nhà máy được hoạt động, đồng nghĩa với chuyện hàng chục nghìn công nhân không được đi làm. Ở Đồng Tháp, thủ phủ của ngành cá tra Việt Nam, điều kiện hoạt động đối với doanh nghiệp có vẻ bị siết chặt hơn. “Đồng Tháp yêu cầu doanh nghiệp muốn hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc bốn tại chỗ, gồm sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ và y tế tại chỗ. 

Với mô hình “một cung đường, hai điểm đến”, người lao động phải xét nghiệm hằng ngày trước khi vào làm. Với cách này, chi phí sản xuất sẽ đội lên rất lớn, với chi phí test 400 nghìn đồng/lần. Vấn đề là mô hình y tế tại chỗ mà doanh nghiệp khuyến nghị không chỉ có nghĩa là xét nghiệm thường xuyên, mà phải là một hệ thống kiểm soát dịch bệnh được phối hợp giữa doanh nghiệp và địa phương...”, ông Nam nêu rõ.

Dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp

“Lúc này, nếu các doanh nghiệp trên nhận được các khoản hỗ trợ kịp thời, như chưa phải nghĩ đến các khoản thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT... cũng như các khoản nộp bảo hiểm xã hội, phí công đoàn..., họ sẽ có dòng tiền để tiếp tục thực hiện kế hoạch, không để mất đơn hàng”, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, khi chia sẻ quan điểm về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Theo ông, nguyên tắc của hỗ trợ doanh nghiệp là cứu những doanh nghiệp có năng lực hồi phục, chứ không phải “hà hơi thổi ngạt” cho các doanh nghiệp không còn đủ năng lực tồn tại.

Thật ra, tranh luận về những đối tượng nhận các gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ luôn nóng trong các cuộc thảo luận. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những khó khăn kéo dài đã cho thấy rõ những doanh nghiệp không thể tồn tại, bắt buộc phải dừng lại, phá sản bên cạnh những doanh nghiệp có khả năng hoạt động nhưng đang gặp khó.

“Chúng ta phải chấp nhận thực trạng: Có những doanh nghiệp phá sản do kiệt sức. Lúc này, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động của Chính phủ cần phải kích hoạt mạnh để bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Còn với những doanh nghiệp đang hoạt động, điều họ cần là nhận các hỗ trợ nhanh nhất”, ông Kiên bổ sung.

Cho tới thời điểm này, các đề xuất giãn, hoãn các loại thuế mà Chính phủ trình Quốc hội vẫn đang được bàn thảo trong các cuộc làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cùng với đó, Chính phủ cũng đang cân nhắc hàng loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên diện rộng, dựa trên các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trước đó, để giao cho các bộ, ngành triển khai ngay trong tháng 8 này.

Thí dụ, Bộ Y tế sẽ phải ban hành quy định hướng dẫn doanh nghiệp mua dụng cụ, thực hiện tự xét nghiệm và công nhận kết quả xét nghiệm của doanh nghiệp. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và ban hành Sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó Covid-19, xây dựng cổng thông tin về các văn bản chỉ đạo điều hành chống dịch. Bộ Giao thông vận tải được đề xuất chủ trì, phối hợp Bộ Y tế ban hành hướng dẫn Quy tắc vận tải an toàn trong phòng, chống dịch giữa các địa phương...

Đặc biệt, giải pháp miễn nộp công đoàn phí tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19 trong năm 2021 - 2022 để người lao động có thêm điều kiện khắc phục khó khăn, gắn bó với doanh nghiệp cũng đang được Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, xem xét việc để có phương án báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn...