VNHN - Trước thực trạng miền Tây khát nước, chính quyền, chuyên gia và người dân đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục.
Ảnh minh họa - nguồn: Internet
Miền Tây đang đón nhận đợt hạn mặn xâm lấn nghiêm trọng và kéo dài, người dân và chính quyền các tỉnh bị ảnh hưởng ở ĐBSCL đã thực hiện nhiều biện pháp ứng phó. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra những lời khuyên hữu ích đối với người dân trong thời điểm hiện nay.
Tích trữ nước ngọt
Ông Phạm Võ Minh Đăng, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, cho biết UBND xã cũng nhận được dự báo từ trung tâm khí tượng là vụ lúa đông xuân 2019 sẽ gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, UBND xã đã đưa ra giải pháp công trình và phi công trình. Ngoài ra, xã tiến hành vớt lục bình, cỏ rác trên lòng kênh nhằm tạo điều kiện cho dòng nước lưu thông phục vụ sản xuất. Sau khi vào hạn mặn, UBND xã tiến hành đặt máy và đắp đập bơm chuyền và tiến hành bơm nước vào kênh nội đồng. Qua vụ lúa này, mực nước trên kênh không còn, không đảm bảo phục vụ sinh hoạt, UBND xã đã mở hai cây nước công cộng cho người dân.
Để đối phó với hạn mặn, UBND xã sẽ định hướng vận động thực hiện đề án cắt vụ, chuyển đổi giống cây trồng. UBND xã sẽ vận động người dân chỉ trồng lúa hai vụ để đảm bảo nước sản xuất. Đặc biệt, UBND xã vận động bà con sử dụng tiết kiệm nước và lên phương án tích trữ nước sinh hoạt trong năm tới.
Ông Bùi Trung Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre, cho biết mùa mặn tới người dân trên địa bàn xã bị thiếu nước sinh hoạt và nước sản xuất. Hiện UBND xã đã chuẩn bị được 70 cống ngăn mặn và ngăn lũ.
Dự kiến nếu hạn mặn diễn biến phức tạp, UBND xã sẽ vận động bà con nạo vét kênh mương thường xuyên và tích trữ nước trước khi hạn mặn về. Đối với những cống chưa được đầu tư, UBND xã vận động người dân tự đắp đập để ngăn lũ, ngăn mặn để có đủ nước tưới cho hạn mặn.
Thời gian tới, ba ấp Tiên Hưng, Tiên Phú 1 và Tiên Phú 2 sắp được một tổ chức đầu tư cho cống Bến Rớ, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Sau khi cống này được hoạt động thì sẽ hình thành một túi nước ngọt phục vụ cho bà con trên địa bàn xã.
Đưa ra giải pháp công trình
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, đánh giá vùng ngọt hóa Gò Công đã khô kiệt, không còn khả năng đáp ứng nước để sản xuất. Tới thời điểm này, tại cống Xuân Hòa đạt ngưỡng 7‰, đây là độ mặn chưa từng có trong lịch sử hạn mặn ở ĐBSCL.
Hiện nay, tình hình hạn mặn tại Gò Công Đông đã nhận được sự hỗ trợ từ tỉnh để bơm chuyền nước lên đồng cứu lúa.
Để thích ứng với hạn mặn xảy ra hằng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến thời điểm này, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả. Huyện đã bắt đầu chuyển qua trồng cây thanh long, cây mãng cầu xiêm.
Ngoài ra, trước mắt huyện sẽ rút xuống còn hai vụ lúa/năm. Đồng thời, UBND huyện sẽ tiến hành nạo vét kênh trên địa bàn huyện để có khả năng dự trữ được nước nếu có hạn mặn xảy ra.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ huy Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho hay: Gần ba tháng nay, hạn mặn tác động trực tiếp tới nước sản xuất, nước sinh hoạt của người dân.
Ban đầu, tỉnh Tiền Giang dự kiến lấy kịch bản năm 2016 để ứng phó với hạn mặn, song qua thời gian quan trắc thấy rằng hạn mặn diễn biến phức tạp. Từ đó, UBND xây dựng kế hoạch ứng phó với hạn mặn theo tình huống khẩn cấp.
Cụ thể, tỉnh Tiền Giang làm mọi cách để chủ động trong việc đối phó. Đối với vùng ngọt hóa Gò Công, ngoài hệ thống công trình thủy lợi, UBND tỉnh đã có các biện pháp công trình khác cùng triển khai đồng bộ. Theo đó, dự án có 24.000 ha thì đã thu hoạch 22.000 ha, hạn mặn chỉ tác động đến 2.000 ha do xa vùng nước hoặc xuống giống không như kế hoạch.
Ngoài ra, có khoảng 64.000 ha đất canh tác thuộc dự án ngọt hóa Bảo Định thuộc địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Long An. Tuy nhiên, UBND tỉnh đã tiến hành đắp đập ở kênh Nguyễn Văn Thành để tạo vùng nước ngọt, bổ cấp cho dự án này.
Cụ thể, nước ngọt đã kịp thời cung cấp cho 64.000 ha canh tác và đáp ứng nước sinh hoạt cho 1,1 triệu dân ở Long An và Tiền Giang.
Trong tình hình hạn mặn, UBND tỉnh đã chỉ đạo vận chuyển nước ngọt cứu khẩn cấp cho hơn 13.000 ha cây sầu riêng ven sông Tiền. Từ nay đến cuối tháng 4, UBND tỉnh Tiền Giang sẽ đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo nước sinh hoạt và nước cung cấp cho sản xuất.
Đối với phía Đông, tỉnh Tiền Giang cũng thực hiện đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Qua bốn năm chuyển đổi, số lượng chuyển đổi cơ cấu có sự chuyển biến rất lớn. Tuy nhiên, với mức độ ảnh hưởng mặn, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang sẽ tính toán lại việc chuyển đổi cơ cấu.
Đối với khu vực phía Đông hay phía Tây thì cần phải có bố trí cây trồng thích hợp để ứng phó được hạn mặn. Với kinh nghiệm giải pháp công trình thì phải đảm bảo ngăn mặn, trữ ngọt và tạo điều kiện bổ cấp thêm nguồn nước ngọt trong khi hạn mặn duy trì lâu như vậy.
Buộc sử dụng nước mặn
Ông Nguyễn Quang Thương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, cho biết: Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Bến Tre bị mặn hết, chỉ còn một số xã ven sông Cổ Chiên được hưởng nước theo triều dao động.
Theo như dự báo của các nhà khoa học, từ tháng 8-2019, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đã có những khuyến cáo đến người dân để trữ nước, chuyển đổi cây trồng và không xuống giống vụ ba.
Tuy nhiên, bà con nông dân vẫn cố tình xuống giống, khoảng một tháng sau thì nước mặn tới, gây thiệt hại khoảng
5.000 ha lúa. Với độ mặn như hiện nay, ngoài cây lúa thì những cây khác như dừa, bưởi cũng giảm năng suất.
Về vấn đề nước sinh hoạt, Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre đã có khuyến cáo trữ nước nhưng do hạn mặn kéo dài nên nước trong dân đã gần hết. Bến Tre hiện đang nhận được sự ủng hộ của các tổ chức trong và ngoài tỉnh, từ đó đã giúp giải quyết phần nào sinh hoạt cho người dân.
Hiện nay tỉnh Bến Tre không có nước ngầm, chủ yếu là nước mặt. Một mặt, các nhà máy cung cấp nước cũng đều bị nhiễm mặn. Ngoài ra, ở các huyện có 12 máy lọc RO chạy hết công suất cũng chỉ có 1.000 m3 cho người dân.
Vì vậy, để sinh hoạt bình thường thì người dân buộc phải sử dụng nước mặn. Đối với những cơ sở cần nước ngọt như bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn…, công ty cấp nước buộc phải dùng sà lan để cung cấp.
Dù điều kiện địa lý của tỉnh Bến Tre có bốn con sông là Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai, Cổ Đại mang nhiều thuận lợi để phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, tới mùa mặn thì nước mặn dễ bị xâm nhập mặn sâu và để kiểm soát thì cần có hệ thống công trình.
Trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre có quy hoạch thành hai vùng là Bắc và Nam Bến Tre. Tại hai vùng này cần có hệ thống đê bao và các cống dọc sông nhằm ngăn, trữ và kiểm soát lượng nước. Về lâu dài, tỉnh Bến Tre cần hoàn thiện hệ thống đê bao và cống ngăn và kiểm soát nước.
Không nên “bi đát hóa”
ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL, đánh giá: Hạn mặn gay gắt hơn năm 2016 vì mùa nước nổi ở sông Mê Kông đã hạ thấp kỷ lục trong hơn 50 năm.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạn mặn là do hiện tượng El Nino diễn ra trên toàn lưu vực sông Mê Kông. Cụ thể, hiện tượng El Nino bắt đầu từ đầu năm 2019, kéo dài đến khoảng tháng 9. Điều này gây ra mưa thấp kỷ lục và dẫn đến tình trạng thiếu nước.
Chúng ta có thể tránh được thiệt hại bằng cách quan sát mùa nước nổi. Tuy nhiên, một số địa phương do chưa nắm bắt được thông tin hoặc không lường trước tình trạng gay gắt của hạn mặn, vẫn xuống giống nên không tránh khỏi thiệt hại.
Biện pháp để chống lại tình trạng hạn mặn là bà con cần phân biệt năm cực đoan như năm 2016 và năm nay. Chúng ta không nên “bi đát hóa” vì hết những năm cực đoan nó sẽ trở lại khá bình thường.
Theo ông Thiện, biện pháp đối với những năm cực đoan quá mạnh chúng ta nên né tránh là tốt nhất. Đối với những năm bình thường chúng ta sẽ ứng phó theo chiến lược dài hạn. Cụ thể, chiến lược dài hạn là thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ nhằm phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Năm nay chúng ta đã để lộ một điểm yếu mà cần phải giải quyết trong tương lai đó là vấn đề nước sinh hoạt cho người dân. Vì lâu nay chúng ta chưa chú trọng đầu tư riêng cho lĩnh vực này.
Rút kinh nghiệm, chúng ta nên tách riêng ra và đầu tư giải quyết riêng cho nhu cầu nước ngọt. Hiện các công trình ngăn sông, ngăn mặn, trữ ngọt làm sông ngòi không chảy nên nước ô nhiễm rất nhanh, sử dụng sinh hoạt không được.
Nhà nước cần phải có chương trình đầu tư riêng cho nước sinh hoạt, dựa vào hai cách: Kinh nghiệm dân gian và sử dụng công nghệ mới.
“Kinh nghiệm dân gian là trữ lu, hũ, bồn để chứa nước mưa. Bây giờ chúng ta có những công nghệ mới cũng không quá đắt như bốc hơi nước, màn lọc nano, công nghệ RO… các túi lớn để chứa nước ngọt. Nếu tách ra, nhu cầu về nước sinh hoạt nhỏ hơn rất nhiều và có thể giải quyết được dễ dàng hơn” - ông Thiện nói.
Đối xử với hạn mặn như bạn
Thay vì coi hạn mặn như kẻ thù thì hãy đối xử với nó như một người bạn. Thực chất, đối phó với hạn mặn sẽ khó khăn hơn là việc chủ động sống chung. Do đó, hãy xem đây là một trong những cơ hội để giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, đặc biệt là vùng ven biển…
Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là rất hay, rất phù hợp.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều địa phương thực hiện chưa tốt các điều kiện cần và đủ cho nông dân tham gia sản xuất theo tinh thần của nghị quyết. Điều này đã tiếp tục tạo điều kiện để người dân trồng lúa.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhấn mạnh thời điểm này phải làm kinh tế, mà làm kinh tế là phải có lãi. Vì vậy, các bộ ngành, các địa phương cần phải hành động tích cực hơn nữa trong việc thực hiện Nghị quyết 120. Đó là nỗ lực giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là vùng bị mặn xâm nhập.
Tôi tin tưởng trong vài năm tới sẽ dẫn tới kết quả tốt đẹp, người dân có thể thay đổi đời sống và sẽ không cần hỗ trợ thêm.