Về vấn đề nêu trên, phát biểu tại phiên họp báo Chính phủ chiều 3/8, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, một trong các yếu tố cấu thành giá cước vận tải chính là giá nhiên liệu và khi giá xăng dầu leo thang sẽ làm giá cước tăng để bù đắp chi phí.
"Thời gian đầu giá xăng dầu có giảm nhưng không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai điều chỉnh giảm. Bộ đã yêu cầu các đơn vị kiểm tra, rà soát để kê khai giảm giá", ông nói và bày tỏ kỳ vọng khi giá xăng dầu giảm ổn định, giá cước vận tải sẽ đi xuống.
Thứ trưởng Sang cũng thông tin, 80 - 90% doanh nghiệp vận tải hành khách đường bộ theo tuyến cố định đã tăng giá 10 -15%, cước vận tải hàng hoá tăng 7 - 10% nhằm bù đắp chi phí xăng dầu. Cước phí vận tải hành khách công cộng ở đô thị, nhờ trợ giá, không đổi.
Lĩnh vực đường sắt dù tỷ lệ chi phí nhiên liệu trong cơ cấu giá thành vận tải chiếm 21 - 39% nhưng do hoạt động vận tải hành khách đang trong chương trình cạnh tranh nên giá dịch vụ vận tải khách không tăng, chỉ có giá dịch vụ hàng hóa tăng từ 3 - 5%. Ngành đường thủy nội địa cước tăng 10 - 15%; hàng hải trước đó giá cước cao nhưng hiện giảm 20 - 25% so với thời điểm cao nhất. Như vậy, chỉ có một số loại cước vận tải, trong đó có đường bộ, đường thủy tăng.
Theo Thứ trưởng Sang, khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận tải tăng nhưng thường thì khi giá xăng dầu giảm thì thường có độ trễ nhất định để điều chỉnh lại giá cước vận tải. Thời gian qua, đợt đầu giá xăng dầu giảm nhưng giảm không nhiều nên các hãng vận tải chưa kê khai giảm giá cước.
“Trước tình hình đó, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến lĩnh vực này, trong đó yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai việc rà soát để kê khai giảm giá”, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.
Thứ trưởng Sang cho biết thêm, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc tăng cường các biện pháp quản lý điều hành giá. Ngay sau đó, Bộ GTVT cũng đã tiếp tục chỉ đạo các cơ quan để rà soát, triển khai. Đồng thời, Bộ cũng đã yêu cầu các Tổng cục, Cục phối hợp với các Sở GTVT các địa phương để làm việc với các đơn vị, các hãng vận tải để kê khai giảm giá…
Với các giải pháp đồng bộ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết, hy vọng tới đây giá cước vận tải sẽ giảm.
Về thuế xăng dầu, Thứ trưởng Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, trước tác động của dịch bệnh, từ đầu 2022 đến nay, Bộ đã đề xuất giảm thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng này cũng đã được giảm hai lần trong năm nay, về mức sàn từ 11/7. Với thuế nhập khẩu ưu đãi MFN, Bộ đang đề xuất giảm từ 20% về 10% còn VAT đã được báo cáo Chính phủ để cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Trao đổi với PV Việt Nam Hội Nhập về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, giá cước taxi hiện nay tại Hà Nội đang đặt ở mức cân đối với giá xăng dầu thời điểm 27.000 đồng/lít. Các doanh nghiệp vận tải hiện nay muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình và phụ thuộc rất nhiều vào chu kỳ biến động tăng, giảm của giá xăng dầu.
Theo ông Hùng, giá cước vận tải phụ thuộc vào nhiều yếu tố cấu thành như linh kiện, phụ tùng máy móc, nhân công, giá nhiên liệu,… Giá nhiên liệu chiếm từ 30% – 35% cấu thành giá, mặc dù trong thời gian qua đã có xu hướng hạ nhiệt nhưng giảm chưa lâu và sẽ còn biến động trong các phiên điều chỉnh tiếp theo, trong khi đó các yếu tố khác lại tăng giá từ 20% – 23%.
Do đó, các doanh nghiệp vận tải cần có quá trình nghiên cứu, lên kế hoạch để lập lại phương án giá mới sao cho phù hợp với cơ cấu chi phí hoạt động vận tải của doanh nghiệp thời điểm hiện tại và dự báo tương lai.
“Chu kỳ điều chính giá xăng là 10 ngày, trong khi các doanh nghiệp vận tải taxi hiện nay muốn điều chỉnh giá cước phải thực hiện theo lộ trình, mỗi lần điều chỉnh giá cước mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục và chi phí cho việc kiểm định này không hề nhỏ với mức phí 100.000 - 150.000 đồng/đồng hồ. Vì vậy, các doanh nghiệp sẽ phải lên kế hoạch rõ ràng trước quyết định đề xuất tăng/giảm giá cước”, ông Hùng phân tích.