22/12/2024 lúc 00:36 (GMT+7)
Breaking News

Giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Trên cơ sở vận dụng và phát triển học thuyết Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã đề ra và hiện thực hóa tư tưởng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân với những luận điểm độc đáo, sáng tạo, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Bài viết khái quát những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và những giá trị về lý luận và thực tiễn cho sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hiện nay.

Tư tưởng về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) là một trong những nội dung đặc sắc trong di sản quân sự của Hồ Chí Minh, có vai trò đặc biệt quan trọng, là cơ sở nền tảng chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của LLVTND Việt Nam. Tư tưởng đặc sắc đó của Người đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam khẳng định và đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng LLVTND và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

1. Tính tất yếu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Từ thực tiễn hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã sớm nhận rõ bản chất hiếu chiến, tàn bạo của kẻ thù xâm lược. Chúng dùng sức mạnh kinh tế, quân sự để áp đảo, xâm lược các nước. Không dừng lại ở đó, chúng còn dùng các công cụ bạo lực vô cùng tàn ác như nhà tù, máy chém, lưỡi lê, đại bác, v.v.. để đàn áp rất dã man sự phản kháng của nhân dân các nước thuộc địa. 

Hiểu rõ tâm địa của thực dân, Người cho rằng, độc lập tự do không thể cầu xin mà có, phải trực tiếp đấu tranh để giành lấy. Trong cuộc đấu tranh ấy, sử dụng bạo lực cách mạng là điều tất yếu. Người chỉ rõ: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”(1). Do đó, Người khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền(2). Người nhấn mạnh một chân lý đơn giản và thiết thực để đưa cách mạng Việt Nam đến thành công là: “Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự”(3). Điều này cũng được các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nào nó biết tự bảo vệ”(4), bởi lẽ “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa, thì chúng ta không thể tồn tại”(5). Do đó, để đấu tranh giành và giữ chính quyền, để bảo vệ thành quả của cách mạng thì tất yếu phải xây dựng LLVTND.

Ngay từ khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường cứu nước là cách mạng vô sản, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng, Hồ Chí Minh đã chú ý đến vấn đề khởi nghĩa vũ trang và xây dựng LLVTND.

Năm 1924, khi đến triển lãm Nghệ thuật quần chúng của Đức được tổ chức ở Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã được Erich Johanson (Họa sĩ người Thụy Điển) hỏi về việc giải phóng Việt Nam như thế nào? Người đã trả lời: “Bằng cách tổ chức khởi nghĩa vũ trang trong cả nước”. Đồng thời, Người nhấn mạnh: “việc tổ chức càng nhiều càng tốt những nhóm vũ trang của những nông dân và công nhân tại Việt Nam. Đó là những “tế bào” có thể hợp thành hạt nhân của cuộc khởi nghĩa”(6). Sau này, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng do Người trực tiếp soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 2-1930), cũng xác định rõ: “Tổ chức ra quân đội công nông”(7).

Năm 1941, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng, Người đã chỉ đạo xây dựng điểm Đội du kích Pác Bó (tháng 11-1941) làm cơ sở để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân sau này. Tháng 12-1944, Người ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay). Bản Chỉ thị nêu rõ: “sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực”(8)

Từ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, LLVTND Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp, góp phần to lớn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giải phóng dân tộc và đánh thắng các kẻ thù xâm lược, kể cả những thực dân và đế quốc giàu có, hùng mạnh như thực dân Pháp (1946-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975), đưa sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Với tầm nhìn chiến lược của một vị lãnh tụ thiên tài, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy vai trò đặc biệt quan trọng của LLVTND trong cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ khẳng định tính tất yếu mà Người còn quyết tâm xây dựng LLVTND làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. 

2. Lực lượng vũ trang nhân dân do Đảng tổ chức, lãnh đạo và giáo dục

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền lãnh đạo của Đảng đối với LLVTND là tuyệt đối và không chia sẻ cho bất cứ giai cấp nào khác. Đó là sự quán triệt chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng vào LLVTND mà nòng cốt là Quân đội nhân dân. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch, nhằm bảo đảm cho LLVTND có đầy đủ bản chất giai cấp công nhân của Đảng, có con đường chính trị đúng và luôn đứng vững trên lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. 

Theo Người, đây cũng là đặc trưng cơ bản nhất của quân đội nhân dân. Quân đội chấp hành nghiêm chỉnh sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc cao nhất, là nhân tố quyết định sự trưởng thành và sức mạnh chiến đấu của quân đội. Người khẳng định: “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(9). Trước đó, trong Báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 4 khóa II, Người nêu rõ: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta... Vì vậy, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội(10). Hay tại Hội nghị cao cấp toàn quân, Người căn dặn: “Phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội… Phải biến quyết tâm của Đảng và chính phủ thành quyết tâm của toàn quân ta”(11).

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, Đảng tổ chức, lãnh đạo và giáo dục LLVTND là nguyên tắc chủ yếu, không chỉ là nhân tố quyết định sự ra đời, trưởng thành, chiến thắng của quân đội, mà còn bảo đảm cho quân đội luôn luôn là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành, công cụ bạo lực sắc bén để bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân. Qua thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội luôn khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng là nhân tố quyết định sự trưởng thành và thắng lợi của quân đội ta. Điều đó chính là minh chứng sinh động cho giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh về sự tổ chức, lãnh đạo, giáo dục của Đảng đối với lực lượng vũ trang nói chung và quân đội nói riêng. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền lãnh đạo của Đảng đối với LLVTND là tuyệt đối và không chia sẻ cho bất cứ giai cấp nào khác. Đó là sự quán triệt chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng vào LLVTND mà nòng cốt là Quân đội nhân dân. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch, nhằm bảo đảm cho LLVTND có đầy đủ bản chất giai cấp công nhân của Đảng, có con đường chính trị đúng và luôn đứng vững trên lập trường, quan điểm của giai cấp công nhân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. 

3. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân theo quan điểm “Người trước, súng sau”

Hồ Chí Minh cho rằng, sức mạnh chiến đấu của LLVTND là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó con người và vũ khí là hai yêu tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định. Đặc biệt, đối với cách mạng Việt Nam, cuộc cách mạng chính nghĩa của nhân dân chống lại sự xâm lược của thực dân, đế quốc với sức mạnh vượt trội cả về kinh tế và quân sự, nhất là vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại thì việc khơi dậy và phát huy sức mạnh nhân tố con người, chính trị - tinh thần làm cơ sở cho việc phát huy sức mạnh của các yếu tố khác, tạo ra sức mạnh tổng hợp cho cách mạng càng trở nên quan trọng và cần thiết. Do đó, Hồ Chí Minh đề ra chủ trương “Người trước, súng sau”(12). Một luận điểm tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng vấn đề lý luận và thực tiễn rộng lớn, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, không chỉ giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa con người và vũ khí trong hoạt động quân sự, mà còn là quan điểm chỉ đạo chiến lược, có giá trị bền vững, định hướng cho việc xây dựng LLVTND.

Là một nhà chiến lược quân sự thiên tài, Hồ Chí Minh sớm nhận thấy những khả năng to lớn và vai trò quyết định của con người trong hoạt động quân sự. Con người là chủ thể sáng tạo và trực tiếp sử dụng, phát huy tính năng, hiệu quả của vũ khí. Người chỉ rõ: “Vũ khí là quan trọng, nhưng con người mới quyết định”(13) và “Không thể cậy vũ khí mà có thể quyết định được thắng lợi. Phải xem những người cầm vũ khí có phải là những chiến sĩ hăng hái đánh trận không”(14). Người cũng chỉ rõ: “Dù có bao nhiêu khí giới tinh xảo mà con người không có lập trường vững, quan điểm đúng, thiếu tinh thần trong sạch, một lòng một dạ phục vụ nhân dân thì súng đó cũng bỏ đi”(15).

Với mục đích tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh, cơ sở vật chất - kinh tế của đối phương để giành thắng lợi trong chiến tranh nên con người đã phát minh và chế tạo ra vũ khí làm công cụ nâng cao sức mạnh chiến đấu của mình. Do đó, nếu không có con người sử dụng thì vũ khí dù có hiện đại đến đâu cũng không phát huy được tác dụng trong chiến đấu. Vì thế, việc xây dựng LLVTNDcần bắt đầu từ việc xây dựng con người, phát huy vai trò, sức mạnh, nhất là nhân tố chính trị - tinh thần của con người, của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

Trong khi quy tụ vai trò quyết định trong hoạt động quân sự thuộc về con người với đầy đủ bản lĩnh, ý chí, tinh thần, quyết tâm, niềm tin, trí tuệ và kỹ năng, Hồ Chí Minh cũng đồng thời nhấn mạnh tới vai trò to lớn và sự cần thiết của vũ khí trong xây dựng LLVTND. Người chỉ rõ: “Khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là một trong những vấn đề rất quan trọng của cách mạng”(16). Vũ khí là công cụ cơ bản, chủ yếu để biến sức mạnh tinh thần của con người thành sức mạnh vật chất. Với việc được trang bị, sử dụng vũ khí làm cho sức mạnh của con người được nhân lên và sức mạnh chiến đấu của LLVTND cũng được tăng cường.

Với chủ trương “Người trước, súng sau”, Hồ Chí Minh không chỉ vạch ra phương hướng chỉ đạo chiến lược, khoa học, đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế đất nước, mà còn xây dựng được LLVTND lớn, mạnh trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn thiếu thốn, để đưa cách mạng Việt Nam đến những thắng lợi. Ngày nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật quân sự, hàng loạt vũ khí mới, hiện đại và thông minh ra đời, làm cho hoạt động quân sự có nhiều thay đổi nhưng vai trò quyết định của con người trong LLVTND không thay đổi. Vì thế, luận điểm “Người trước, súng sau” của Hồ Chí Minh vẫn mang tính thời sự và còn nguyên giá trị. 

4. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân

Theo Hồ Chí Minh, để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, LLVTND phải được tổ chức chặt chẽ, có kết cấu hợp lý, kỷ luật nghiêm minh. Theo Người, muốn tiến lên đấu tranh vũ trang, lật đổ ách áp bức của thực dân Pháp và phát xít Nhật để giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân thì cách mạng nhất định phải tổ chức LLVTND, lực lượng đó “phải có tổ chức vững chắc và nghiêm mật(17). Điều này đã được Hồ Chí Minh đề cập ngay từ Hội nghị Trung ương 8 (năm 1941) khi khẳng định, đội quân cách mạng trực tiếp chiến đấu với quân thù là đội du kích chính thức, dưới nó là tiểu tổ du kích cứu quốc và tự vệ cứu quốc. 

Theo tinh thần đó, trong Chỉ thị sửa soạn khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh (tháng 5-1941) nêu rõ cách thức tổ chức và cơ cấu LLVTND bao gồm: Bộ đội du kích, Tiểu tổ du kích và Tự vệ cứu quốc. Năm 1944, trong Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Người cũng chỉ rõ: “trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”(18)

Sau này, trong bài Nói chuyện tại Hội nghị cán bộ các lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1967), Người tiếp tục nhấn mạnh: “Phải xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh bao gồm bộ đội chủ lực mạnh, bộ đội địa phương mạnh, dân quân du kích vững mạnh và rộng khắp. Phải nâng cao hơn nữa chất lượng của cả ba thứ quân”(19). Như vậy, trong tổ chức xây dựng lực lượng, Hồ Chí Minhyêu cầu phải xây dựng LLVTND ba thứ quân vững mạnh.

Về mối quan hệ giữa ba thứ quân, Hồ Chí Minh chỉ rõ, ba lực lượng này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, cùng hợp đồng tác chiến, cùng giúp đỡ nhau để trưởng thành lớn mạnh và chiến thắng kẻ thù. Người nhấn mạnh, trong tác chiến thì “Bộ đội chủ lực đánh. Bộ đội địa phương, dân quân du kích cũng đánh. Các lực lượng phải phối hợp nhau chặt chẽ để tiêu diệt sinh lực của địch”(20). Tuy nhiên, mỗi lực lượng lại có những vị trí, vai trò và nguyên tắc xây dựng riêng. Bộ đội chủ lực là đội quân chính quy tập trung, được huấn luyện kỹ lưỡng và được trang bị vũ khí mạnh nhất để đánh những trận đánh lớn, tiêu diệt quân chủ lực của địch. Ngoài ra, còn có trách nhiệm: “dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên”(21).

Bộ đội địa phương là lực lượng vũ trang được tổ chức ở các địa phương, có nhiệm vụ giúp đỡ, phối hợp với dân quân du kích đánh những trận vừa và nhỏ trong phạm vi địa phương mình và vùng lân cận. Đây là lực lượng chuẩn bị chiến trường, sẵn sàng phối hợp với quân chủ lực đánh những trận lớn ở địa phương mình và là lực lượng quan trọng để bổ sung cho bộ đội chủ lực. 

Dân quân du kích là lực lượng đông đảo nhất, vì đó là lực lượng vũ trang quần chúng ở khắp mọi nơi. Đây là lực lượng không thoát ly sản xuất, khi cần thiết mới tập hợp thành tổ chức chiến đấu. Khi xong trận, lại trở về cuộc sống sản xuất thường nhật. Với những loại vũ khí đa dạng, sẵn có, cùng cách đánh du kích nhanh gọn, bất ngờ; với mạng lưới có sẵn trên khắp cả nước, lực lượng này tạo thành “tấm lưới sắt” để bao vây quân thù. Đồng thời, đây cũng là lực lượng quan trọng để bổ sung cho bộ đội địa phương và bộ đội chủ lực.

Thực tế, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã xây dựng được LLVTND ba thứ quân mạnh mẽ và rộng khắp; đã phối hợp, hiệp đồng tác chiến một cách chặt chẽ và hiệu quả. Sang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Người cùng Đảng ta tiếp tục đề ra đường lối lãnh đạo và chỉ đạo sát sao xây dựng, phát triển LLVTND ba thứ quân, từng bước hoàn chỉnh cơ cấu tổ chức với quy mô, số lượng thích hợp, phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của từng thứ quân, góp phần to lớn và quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam. 

Sự phát triển của LLVTND ba thứ quân, trong đó bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương hợp thành quân đội nhân dân, còn dân quân du kích và tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng đã phản ánh và chứng minh giá trị lý luận và thực tiễn to lớn của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và vai trò to lớn của Người đối với sự ra đời, trưởng thành của LLVTND Việt Nam.

Tư tưởng xây dựng LLVTND là một trong những tư tưởng khoa học, sáng tạo và độc đáo của Hồ Chí Minh đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn cách mạng Việt Nam. Sự trưởng thành lớn mạnh của LLVTND Việt Nam, cùng với những thắng lợi vang dội trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc là minh chứng rõ nét và thuyết phục cho những giá trị bền vững của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.

Tiếp nối những giá trị bền vững đó, Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Xây dựng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững vàng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(22). Vì thế, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng và phát triển một cách sáng tạo những giá trị bền vững của tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng LLVTND ngày càng vững mạnh, có sức chiến đấu cao, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống.

TS PHẠM VĂN MINH

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.114.

(2), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.391, 314.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.370.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.145.

(5) V.I.Lênin: Toàn tập, t38, Sđd, tr.165.

(6) Bộ Quốc Phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hồ Chí Minh nhà chiến lược quân sự thiên tài, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 616.

(7), (8), (17), (18), (21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Sđd, tr.1, 539, 500, 539, 539.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.435.

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr.29.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.365-366.

(12) Võ Nguyên Giáp: Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.255.

(13), (15), (16) Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hồ Chí Minh biên niên sự kiện quân sự (1919-1969), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.281, 370, 103.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.527.

(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.242.

(22) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.157-158.