Vừa qua, huyện Gia Lâm đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp (SXNN) hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2021- 2025, năm 2021; Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên địa bàn huyện năm 2021.
Theo Kế hoạch số 109/KH-UBND ngày 18/3/2021 của UBND huyện về việc thực hiện Đề án phát triển SXNN hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2021- 2025, năm 2021, các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn huyện tập trung cụ thể hóa Đề án; định hướng nền nông nghiệp sản xuất theo hướng tăng trưởng xanh, tăng cường sản xuất theo hướng hữu cơ, áp dụng các KHCN cao để nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại hơn tại một số vùng sản xuất trọng điểm và ổn định.
Đồng chí Nguyễn Đức Hồng - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện chủ trì Hội nghị
Cùng với đó tiếp tục chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, khai thác sử dụng có hiệu quả đất nông nghiệp, hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh theo quy hoạch vùng sản xuất; phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, sạch, an toàn gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, đồng thời gắn với các di tích lịch sử- văn hóa, làng nghề trên địa bàn…
Năm 2021, huyện Gia Lâm phấu đấu thực hiện một một số chỉ tiêu cụ thể như: giá trị sản xuất nông lâm thủy sản tăng năm 2021 là 1,4%; giá trị sản lượng trên ha đất nông nghiệp bình quân đạt 328,5 triệu/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 65,3 triệu/năm; tỷ trọng nông nghiệp thủy sản là 7,38%; chuyển đổi 120 ha lúa, cây màu hiệu quả thấp sang cây ăn quả, hoa cây cảnh, rau an toàn có hiệu quả kinh tế cao; tiếp tục xây dựng phương án chuyển chăn nuôi ra xa khu dân cư với diện tích 27 ha tại 5 xã; duy trì và phát triển diện tích sản xuất rau, quả an toàn là trên 1.693 ha; xây dựng 30 mô hình thí điểm trong sản xuất rau, hoa, quả; hình thành 1-2 vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái gắn với thăm quan trải nghiệm…
Theo Kế hoạch số 108/KH-UBND, ngày 17/3/2021 của UBND huyện, trên địa bàn Huyện hiện có 85 HTX với 12.042 thành viên, trong đó có 51 HTX dịch vụ nông nghiệp. Các việc phát triển kinh tế tập thể, nhìn chúng đóng góp của kinh tế tập thể đối với phát triển kinh tế của Huyện chưa thực sự rõ nét. Doanh thu của các HTX, tổ hợp tác chưa đáng kể, chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong đóng góp vào tăng trưởng kinh của huyện.
Quang cảnh hội nghị
Năm 2021, huyên xác định tiếp tục duy trì, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả; phấn đấu có từ 03-05 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện thành lập mới từ 03-05 HTX nông nghiệp trên các lĩnh vực lợi thế của địa phương và hỗ trợ để hoạt động hiệu quả…
Các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai tổ chức thực hiện, đồng thời đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả các Kế hoạch 108, 109 của UBND huyện như cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh cũng như nâng cao nhận thức của người dân về HTX, vai trò của kinh tế tập thể, kinh tế HTX. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; củng cố phát triển sản xuất nông nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với HTX nông nghiệp. Hỗ trợ tiếp cận thị trường. quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thông qua các hoạt động. Huy động nguồn lực, đầu tự hạ tầng để hỗ trợ có hiệu quả cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh… và chú trọng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát.
Theo cổng thông tin điện tử huyện Gia Lâm