27/11/2024 lúc 11:38 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội: Thúc đẩy phát triển 5 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh

Thúc đẩy phát triển 5 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh: Thương mại, dịch vụ; Sản xuất công nghiệp, chế biến; Công nghiệp xây dựng; Du lịch; Vận tải và ngành Nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế...

Tại hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác quý III và 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 tổ chức hôm nay (1/10), UBND TP. Hà Nội đánh giá Thành phố vẫn đang ở mức nguy cơ dịch bệnh cao, tuyệt đối không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Thành phố thúc đẩy phát triển 5 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh: Thương mại, dịch vụ; Sản xuất công nghiệp, chế biến; Công nghiệp xây dựng; Du lịch; Vận tải và ngành Nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị giao ban. Ảnh: Hạnh Nguyên

Phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch năm 2021

Tại hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác quý III và 9 tháng, nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021 tổ chức hôm nay (1/10), UBND TP. Hà Nội đánh giá Thành phố vẫn đang ở mức nguy cơ dịch bệnh cao, tuyệt đối không thể chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu kiên định các giải pháp quyết liệt phòng dịch trong mọi tình huống; đồng thời tập trung tăng tốc, phục hồi phát triển KT-XH, chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm: (1) tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB; (2) điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; (3) đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.

Một trong những giải pháp quan trọng Hà Nội đặt ra là coi công tác giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kiên định mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch năm 2021.

Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm sau: Xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách. Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục về đầu tư: thẩm định, phê duyệt hoặc trình phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế - dự toán công trình cấp Thành phố. Chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt các thủ tục về đầu tư, xây dựng của dự án; khó khăn về thu hồi, GPMB, giao đất.

Hoàn thành nhanh, gọn từng dự án, tuyệt đối không để kéo dài thời gian thực hiện, gây lãng phí nguồn lực của Thành phố và địa phương. Đồng thời đôn đốc chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết với Thành phố về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công 2021 (đạt 95-100% kế hoạch vốn sau điều chỉnh).

Rà soát, có biện pháp điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân sang các dự án cấp bách và có khả năng giải ngân tốt hơn. Định kỳ báo cáo 2 lần/tháng tiến độ thực hiện công tác giải ngân để UBND Thành phố kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động của 6 tổ công tác đôn đốc giải ngân của Thành phố.

Thúc đẩy phát triển 5 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh

Chủ tịch TP. Hà Nội yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh cải cách hành chính, phấn đấu thu NSNN ở mức cao nhất, phát huy hết dư địa các khoản thu, khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách, nhất là khoản thu từ khu vực sản xuất kinh doanh (9 tháng tăng 17,4% so với cùng kỳ). Các quận, huyện có số thu NSNN đạt thấp, thu tiền sử dụng đất thấp dưới 20% cần quyết liệt thực hiện thu ngân sách theo đúng mục tiêu, kế hoạch được giao.

Các cấp, ngành Thành phố phải đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Thành phố ở mức cao nhất trong quý IV và cả năm 2021. Do vậy, ngay từ những ngày đầu tháng 10, các đơn vị phải bắt tay ngay vào việc: xây dựng kế hoạch phục hồi, phát triển ngành, lĩnh vực và địa phương quản lý; xây dựng tiêu chí sản xuất, kinh doanh thích ứng an toàn dịch bệnh trong ngành, lĩnh vực phụ trách; nghiên cứu, đề xuất các biện pháp, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là việc giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, kinh doanh; tổ chức các hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Thúc đẩy phát triển 5 ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh: Thương mại, dịch vụ; Sản xuất công nghiệp, chế biến; Công nghiệp xây dựng; Du lịch; Vận tải và ngành Nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, kêu gọi đầu tư hạ tầng và đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp, phấn đấu khởi công thực hiện đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp đã có đủ thủ tục. Cải cách TTHC theo hướng đơn giản hóa, tiết kiệm chi phí, mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo hướng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.

Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chuẩn bị nội dung để Thành phố tổ chức Hội nghị Lãnh đạo Thành phố gặp mặt, đối thoại với các doanh nghiệp (trong nước và FDI) nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, hồ sơ, sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, đề xuất thành lập 4 Tổ công tác về: (1) Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh; (2) Tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính; (3) Tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, đô thị; (4) Đảm bảo nguồn thu, thúc đẩy giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản.

Chủ tịch TP. Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung hoàn thiện 3 nội dung quan trọng, đảm bảo tiến độ báo cáo Trung ương gồm: Thứ nhất là triển khai tổ chức lập Quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng trình tự quy định. Thứ hai là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và xây dựng, đề xuất ban hành Nghị quyết mới về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp lớn phù hợp cho từng thời kỳ.

Thứ 3 là đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 để nghiên cứu, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

  • Tags: