VNHN - Sau 3 ngày diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, tối 2/12, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku (Gia Lai) BTC đã tổ chức chương trình nghệ thuật với đa dạng sắc màu, âm hưởng của đại ngàn Tây Nguyên. Hoạt động này thu hút đông đảo du khách gần xa và cũng là buổi tiệc văn hóa kết thúc những ngày lễ hội mang đậm giá trị tiêu biểu từng tộc người và vùng đất đỏ Bazan huyền thoại.
Với 17 tiết mục ca múa nhạc và trình diễn cồng chiêng do các ca sĩ cùng học sinh và các đoàn nghệ nhân tham dự Festival lần này biểu diễn, các hoạt động trong đêm bế mạc đã làm nổi bật được những giá trị trường tồn, sắc màu của một không gian văn hóa tiêu biểu cho các tộc người sinh sống cùng cộng cư lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa Tây Nguyên.
Trong đó, âm điệu cồng chiêng, tiết mục diễn tấu được chính cộng đồng các dân tộc Ê Đê, Jrai, Bahnar... chủ thể của loại hình âm nhạc đặc sắc của nhân loại thể hiện, chính điều này đã thu hút và tạo cho du khách nhiều bất ngờ trong nhiều lễ hội, lễ phục dựng được tổ chức trong những ngày qua.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc trong đêm bế mạc
Các tiết mục biểu diễn được biên đạo, luyện tập công phu góp phần thành công cho đêm hội
Phát biểu tại buổi Lễ bế mạc, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, nêu rõ, Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 là cuộc hội ngộ cồng chiêng lớn của khu vực, đã quy tụ về đây những bộ cồng chiêng có âm thanh tuyệt vời, những bài chiêng hay, các nhạc cụ truyền thống đặc trưng của các tỉnh, thành trong cả nước với hàng trăm diễn viên, nghệ nhân ở mọi lứa tuổi.
“Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên năm 2018 tại Gia Lai đã khép lại, trong bản hòa tấu âm thanh tuyệt vời từ phố núi đã gửi đi một thông điệp: Chúng ta hãy cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, bảo tồn và phát huy kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại”
BCT Lễ hội tặng bằng khen của UBND tỉnh đến các đơn vị góp phần quan trọng cho thành công của lễ hội
Festival văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 chính thức diễn ra vào ngày 30/11 đến ngày 2/12, quy tụ hơn 1.200 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên. Các đoàn đã chuẩn bị chu đáo từ trang phục, đạo cụ và ấn tượng nhất vẫn là cách trình diễn của từng đội. Trong số hàng chục chương trình diễn ra, thì phần lễ hội đường phố; lễ phục dựng các nghi lễ xưa và đang tồn tại từ các buôn làng thu hút rất đồng người xem. Bên cạnh, còn có hội thảo về bảo tồn và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; sinh hoạt văn nghệ dân gian; không gian ẩm thực Tây Nguyên…
Góp phần thành công của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, ngoài sự tích cực tập luyện, biểu diễn công phu của các đoàn, thì trách nhiệm to lớn của các đơn vị tài trợ, cơ quan quản lý, tình nguyện viên... đã mang lại thành công ngoài mong đợi từ Ban tổ chức lễ Hội.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Gia Lai đã tặng bằng khen cho 67 tập thể vì đã có những đóng góp tích cực cho sự thành công của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018.
Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung vẫn đang và luôn là điểm đến thú vị cho nhiều du khách trong và ngoài nước. Mong rằng, từng địa phương của các tỉnh Tây Nguyên sẽ có thêm nhiều chương trình lễ hội văn hóa đặc sắc, đậm âm vang của đại ngàn... tiếp tục diễn ra và trở thành món ăn tinh thần nổi bật, thu hút khách du lịch.
Một số hình ảnh tại buổi lễ bế mạc và các hoạt động trong khuôn khổ Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018:
Tiết mục cồng chiêng luôn là chủ thể trong từng phân cảnh tại lễ bế mạc
Có nhiều em nhỏ, nhỏ nhất chỉ mới 6 tuổi đã tham gia biểu diễn cùng đội cồng chiêng phục vụ du khách tại kỳ Festival năm nay
Phục dựng lễ mừng nhà rông mới do đội đến từ huyện Kbang (Gia Lai) trình diễn thu hút rất đông du khách, báo đài về đưa tin, ghi hình
Các tác phẩm tượng gỗ dân gian do các đoàn thực hiện và đang được trưng bày tại công viên Bảo tàng tỉnh Gia Lai
Loại hình đờn ca tài tử Nam bộ cũng được biểu diễn tại không gian văn hóa các dân tộc
Nhiều du khách tham quan, thưởng lãm các hoạt động diễn ra tại lễ hội