09/11/2024 lúc 02:19 (GMT+7)
Breaking News

Đa dạng sắc màu Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

VNHN - Ngày 30/11, các hoạt động trong sự kiện Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai 2018 đã chính thức diễn ra. Nổi bật và thu hút nhiều nhất sự tham gia của các đoàn và người xem là Lễ hội đường phố diễn ra vào buổi chiều.

VNHN - Ngày 30/11, các hoạt động trong sự kiện Festival Văn hóa cồng chiêng Gia Lai 2018 đã chính thức diễn ra. Nổi bật và thu hút nhiều nhất sự tham gia của các đoàn và người xem là Lễ hội đường phố diễn ra vào buổi chiều.

Các đoàn nghệ nhân với trên 1.200 người là đại diện các dân tộc có sử dụng cồng chiêng như Ê Đê (tỉnh Đak Lak), Mnông (tỉnh Đak Nông), Bahnar (tỉnh Kon Tum), Chu Ru (tỉnh Lâm Đồng), Jrai và Bahnar (tỉnh Gia Lai).

Xuất phát từ trung tâm Nhà thiếu nhi tỉnh, các đoàn nghệ nhân lần lượt biểu diễn, di chuyển qua nhiều tuyến phố chính nơi có đông đảo người dân sinh sống. Trên toàn tuyến đường đoàn nghệ nhân tham gia biểu diễn, người dân và du khách được chứng kiến nhiều tiết mục biểu diễn đặc sắc mà các đoàn đã lựa chọn trình diễn tại kỳ Festival lần này.

Anh Trần Hữu Văn - khách du lịch đến từ TP. HCM vui mừng nói: Thông qua các hoạt động truyền thông, tôi cùng gia đình đã chọn cho mình kỳ nghỉ cuối tuần và điểm đến là Festival Văn hóa Cồng chiêng đang diễn ra tại phố núi Pleiku. Tôi và các thành viên gia đình rất vui và cảm thấy thật ý nghĩa khi chọn Gia Lai là điểm đến.

Ông Nguyễn Trọng Hiếu  - Trưởng Phòng VHTT huyện Kông Chro (Gia Lai) nói: Sau nhiều ngày chuẩn bị, đến hôm nay đoàn chúng tôi đã thực hiện nhiều nội dung như tạc tượng gỗ dân gian, dệt vải thổ cẩm, đan lát, biểu diễn cồng chiêng. Kỳ lễ hội lần này cho chúng tôi thêm cơ hội quảng bá văn hóa cổ truyền dân tộc Bahnar cũng như thêm động lực để ra sức bảo tồn nét văn hóa dân gian trong xu thế hội nhập hiện nay. 

Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018 được xem là cuộc hội ngộ lớn nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc trong khu vực. Đây cũng là dịp để giao lưu, học hỏi, qua đó động viên, khích lệ đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Chính vì ý nghĩa đó, khi được mời tham dự Festival, các đơn vị đã tập trung tuyển chọn nghệ nhân, tập luyện kỹ lưỡng với mong muốn đem đến lễ hội những màn biểu diễn ấn tượng.

Đại diện cho đơn vị chủ nhà đăng cai sự kiện lớn lần này, bà HDuyên - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đak Pơ vui cười cho biết: Đội cồng chiêng xã Ya Hội đã đạt giải cao tại nhiều cuộc thi. Dù các nghệ nhân bận rộn với ruộng rẫy, nhưng hay tin sẽ tham gia Festival bà con đều phấn khởi, tích cực tập luyện. Chúng tôi cũng rất vui khi được chọn là một trong 6 đoàn nghệ nhân của tỉnh biểu diễn tại lễ khai mạc. 

Góp mặt trong không gian lễ hội tại Gia Lai, ông Bùi Văn Khối - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Đắk Lắk, trưởng đoàn cho biết: Đoàn Đắk Lắk gồm có 34 người, tham gia đầy đủ các nội dung tại Festival lần này. Chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng để giới thiệu đến du khách gần xa những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Ê Đê thông qua những bài chiêng truyền thống và thực hiện phục dựng “Lễ ăn cơm mới” để phục vụ công tác bảo tồn, giới thiệu cho du khách.

“Đến với Festival hôm nay, chúng tôi sẽ giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc Bahnar nhóm Rơ Ngao. Đơn vị đã triển khai tập luyện kỹ càng, chuẩn bị đầy đủ trang phục, nhạc cụ, đạo cụ để cống hiến những màn biểu diễn hấp dẫn, đẹp mắt nhất cho khán giả" - ông A Định Hanh, phụ trách đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum cho biết.

Buổi sáng cùng ngày, tại khu vực quảng trường Đại Đoàn Kết, TP. Pleiku đồng thời diễn ra rất nhiều hoạt động thu hút sự tham gia của tất cả các đoàn tham dự như biểu diễn, thi tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; khai mạc triển lãm tranh cố họa sĩ Xu Man - người con núi rừng Gia Lai với năng khiếu hội họa bẩm sinh và được đào tạo trường lớp, ông đã để lại nhiều tác phẩm quý giá cho nền văn học nghệ thuật tỉnh Gia Lai nói chung và Tây Nguyên nói riêng... Tham gia lễ hội, người dân còn được thưởng thức nhiều đặc sản và sản vật địa phương được các đoàn trong cả nước mang đến để phục vụ.

Các hoạt động tạc tượng gỗ dân gian...

.... dệt vải

...đan lát thủ công truyền thống diễn ra trong không gian lễ hội của Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018

Với nhiều hoạt động sôi nổi diễn ra trong 3 ngày (từ 30/11 đến 2/12), Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của người dân đến sự kiện lớn trong nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được tổ chức UNESCO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”./.