27/12/2024 lúc 11:28 (GMT+7)
Breaking News

Cồng chiêng H’rê – âm thanh tự do từ đại ngàn

VNHN - Là một học giả uy tín của xứ sở Mặt Trời mọc nhưng đối với Tiến sĩ Shine Toshihika (thuộc Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Á - Phi, Đại học Ngoại ngữ Tokyo – Nhật Bản) ngoài kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó, làm việc, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa đầy tâm huyết, Tiến sĩ Shine Toshihika còn nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên.

VNHN - Là một học giả uy tín của xứ sở Mặt Trời mọc nhưng đối với Tiến sĩ Shine Toshihika (thuộc Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Á - Phi, Đại học Ngoại ngữ Tokyo – Nhật Bản) ngoài kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó, làm việc, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa đầy tâm huyết, Tiến sĩ Shine Toshihika còn nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật cồng chiêng Tây Nguyên.

 

Sau thời gian dài khảo sát văn hóa cộng đồng H’rê tại Việt Nam, Tiến sĩ Shine Toshihika cùng cộng sự Thúy Nga đã phát hiện những giá trị văn hóa rất riêng trong nghệ thuật cồng chiêng của cộng đồng H’rê – khác biệt với các dân tộc khác tại Tây Nguyên.

Nhóm PV thực hiện chuyên đề “Cồng chiêng H’rê – âm thanh tự do từ đại ngàn” 4 kỳ xin giới thiệu cùng bạn đọc những phát hiện giá trị của Tiến sĩ Shine Toshihika thông qua ghi chép của ông sau nhiều chuyến khảo sát thực tế trong cộng đồng H’rê tại tỉnh Kon Tum. 

Bài 1: Quyền cất lên tiếng chiêng H’rê – không chỉ dành riêng cho nam giới

Theo ghi chép của Tiến sĩ Shine Toshihika và cộng sự Thúy Nga, trong phong tục cộng đồng H’rê gồm có tang lễ nhưng người H’rê do không thờ tổ tiên nên khi đội cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên khác đều có chức năng như dàn nhạc phục vụ tang lễ thì đội cồng chiêng người H’rê không phục vụ tang lễ. Bên cạnh đó, trong văn hóa cồng chiêng của cộng đồng H’rê, người phụ nữ được quyền đánh, thậm chí chỉnh chiêng… là điều khác biệt với các dân tộc khác. 

Ảnh : Những thiếu nữ cộng đồng H’rê chuẩn bị trước buổi biểu diễn cồng chiêng.

Phụ nữ H’rê chỉnh chiêng mang đến sự ngạc nhiên của học giả nước ngoài

Cuối tháng 3 năm 2009, trong quá trình khảo sát văn hóa cộng đồng H’rê tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Tiến sĩ Shine Toshihika tình cờ gặp được đội cồng chiêng do bà Y Đáy hướng dẫn. Cũng nhờ cuộc gặp tình cờ này, những đặc trưng riêng biệt trong văn hóa cồng chiêng của người H’rê bước đầu được học giả này phát hiện. 

Qua nhiều đợt phỏng vấn, trao đổi cùng bà Y Đáy, người phụ nữ của cộng đồng H’rê rất giỏi về cồng chiêng đồng thời nghiên cứu thực tế những buổi trình diễn trong buôn làng, Tiến sĩ Shine Toshihika khẳng định: Văn hóa cồng chiêng của người H’rê khác hẳn với các dân tộc Tây Nguyên khác về giới tính người được đánh chiêng (nữ có thể đánh được); công cụ đánh chiêng (có thể dùng dùi); chủng loại và bố cục cồng chiêng (có loại cồng chiêng 5 chiếc thành 1 bộ và có khi 1 người đánh cả 5 chiếc) và sau cùng là chức năng của cồng chiêng đồng bào H’rê (không liên quan đến tang lễ).

Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Shine Toshihika, người H’rê có dân số khoảng hơn 113.000 người, sống chủ yếu ở miền Tây tỉnh Quảng Ngãi (các huyện Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long), tỉnh Bình Định (huyện An Lão) và tỉnh Kon Tum (huyện Kon Plông). Trong sách Phủ Man Tạp Lục (c1871), tác giả Nguyễn Tấn viết: “Sơn man Quảng Ngãi (người H’rê) biết ruộng nước (canh gia) và cũng biết làm rẫy (tai thực).”. Hiện nay cũng vậy, nghề thủ công chính của cộng đồng H’rê là đan lát và dệt vải thổ cẩm. Người H’rê ở trong các ngôi nhà sàn dụng trên đất đồi núi có độ dốc. Mỗi plei (buôn, làng) có kraq plei (già làng) là người có uy tín, ảnh hưởng có thể quán xuyến và quyết định những việc trọng đại của cả buôn làng.

Mặc dù cộng đồng H’rê cũng có một số phong tục, lệ kiêng cữ như các dân tộc khác nhưng đặc biệt họ không hề phân biệt về giới tính khi đánh cồng chiêng.

Ảnh : Khác với các dân tộc khác ở Tây Nguyên, đối với cộng đồng H’rê, văn hoá cồng chiêng không chỉ dành cho nam giới

Do người H’rê không thờ tổ tiên nên cộng đồng buôn làng không tổ chức lễ thờ tổ tiên mà chỉ tổ chức lễ cúng cầu an, mong buôn làng tránh được dịch bệnh, còn lại đều là các lễ cúng của các gia đình, người dân H’rê cũng hay xem bói “chân gà” để biết được ngày tốt để chức lễ. Trong các dịp lễ, cộng đồng H’rê có dịp khoe tài đánh cồng chiêng và thi nhau hát Klêu và Kchoi (những bài hát dân gian).

Tại sao nữ giới H’rê được phép đánh cồng chiêng?

Một số buôn làng người H’rê ở 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum hiện vẫn còn giữ được chinh (cồng chiêng) đầy đủ bộ. Sau thời gian phối hợp cùng với Khoa Nhân học - Trường Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh; Viện Dân tộc học; Sở Văn hóa – TT&DL tỉnh Kon Tum thực hiện khảo sát tại plei Vi Ktàu, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông, Tiến sĩ Shine Toshihika nhìn nhận nhạc điệu cồng chiêng của cộng đồng H’rê khác hẳn với nhạc điệu của các dân tộc khác.

Mặc dù chưa có xưng hiệu “nghệ nhân“ nào, bà Y Đáy (sinh năm 1975) là một nghệ nhân đánh cồng chiêng trẻ nổi tiếng giữa các buôn làng cộng đồng H’rê trong khu vực. Dù là người của plei Vi Klân nhưng khi lấy chồng là người plei Vi Ktàu, bà đã chuyển sang buôn làng này sinh sống. Khác với các dân tộc Tây Nguyên khác như Bahnar, J’rai.v.v…, người H’rê không kiêng kỵ hay cấm phụ nữ đánh cồng chiêng vì theo giải thích của người lớn tuổi, nữ giới trong cộng đồng H’rê có cảm nhận khá tinh tế và độ khéo léo của đôi tay nên có thể đánh giỏi hơn cả nam giới./.

(còn tiếp)