Ngoài việc tình hình kinh doanh của CTCP Tập đoàn C.E.O (HNX: CEO) đảo ngược tình thế trong năm 2021 nhờ hoạt động tài chính thì thị trường chung đang khiến giá cổ phiếu của Tập đoàn C.E.O biến động mạnh mặc dù cổ phiếu này đang thuộc diện cảnh báo.
Kết thúc phiên giao dịch chiều qua 21/2/2022, giá cổ phiếu đang giao dịch ở mức 73,6000 đồng, giá trị giao dịch cao nhất trong phiên là 77,600 đồng, khối lượng giao dịch là 5,5 triệu cổ phiếu.
Đặc biệt trong phiên giao dịch cuối tuần trước 18/2/2022, giá cổ phiếu CEO đã tăng rất mạnh 7.36% lên đến ngưỡng 71,500 đồng. Trong khi đó, ngày 15/2/2022, cổ phiếu CEO chỉ giao dịch ở mức 60,000 đồng.
Trước đó vào ngày 7/1/2022, giá cổ phiếu CEO đã lập đỉnh lên đến mức 92,500 đồng, tuy nhiên sau đó do tác động của việc Tân Hoàng Minh bỏ cọc khiến giá cổ phiếu của CEO lao dốc theo tình hình chung của nhóm ngàng bất động sản trên thị trường chứng khoán
Cổ phiếu CEO tăng giá mạnh một phần là do nhóm bất động sản đang có diễn biến tăng mạnh thời gian vừa qua nhưng cũng một phần là do dù báo lỗ trong cả 3 quý đầu năm nhưng nhờ doanh thu tài chính tăng đột biến trong quý 4, CTCP Tập đoàn C.E.O thành công thoát lỗ trong năm 2021.
Trong năm, hoạt động kinh doanh bất động sản của CEO không mang lại hiệu quả khi doanh thu đi lùi 32% so với năm 2020, còn gần 902 tỷ đồng. Do giá vốn chỉ giảm 19%, lãi gộp bị kéo giảm đến 67%, về gần 117 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính đã giúp CEO khỏa lấp cho sự sụt giảm từ hoạt động kinh doanh chính khi ghi nhận gần 330 tỷ đồng, gấp 3.4 lần năm trước. Riêng quý 4 ghi nhận gần 302 tỷ đồng, gấp 7.6 lần cùng kỳ. Khoản chênh lệch chủ yếu đến từ tiền lãi CEO thu được từ các khoản đầu tư của Công ty. Công ty cũng không thuyết minh chi tiết về khoản đầu tư này.
Nhờ lãi từ bán các khoản đầu tư mà CEO báo lãi ròng hơn 93 tỷ đồng trong năm 2021 dù 3 quý đầu năm đều báo lỗ. Tổng tài sản của CEO tại thời điểm 31/12/2021 giảm nhẹ 5% so với đầu năm, về mức 7,040 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền và tiền gửi lại ghi nhận tăng 26%, lên hơn 889 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Công ty cũng ghi nhận giảm ở mức 12%, còn 3,506 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay giảm 11%, về mức hơn 1,737 tỷ đồng. Dù may mắn thoát lỗ nhưng kết quả kinh doanh của CEO trong năm 2021 vẫn chưa thể so sánh với giai đoạn 2015-2019.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định xu hướng tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản có thể sẽ tiếp tục trong năm 2022, đặc biệt là cổ phiếu của các doanh nghiệp có chất lượng tài sản tốt cũng như các dự án lớn sẽ được bàn giao ngay vào 2022.
Vì vậy, nhà đầu tư nên hướng sự quan tâm đến những cái tên chất lượng, sở hữu những đặc điểm sau: 1) quỹ đất lớn, đặc biệt nằm ở các tỉnh lân cận và ngoại thành Hà Nội / TP HCM, đã hoàn thiện các thủ tục pháp lý cũng như cơ sở hạ tầng để mở bán trong 2022; 2) các sản phẩm có liên quan tới phân khúc căn hộ tầm trung và bình dân vì những phân khúc này được thúc đẩy bởi nhu cầu ở thực của người dân và 3) tăng trưởng lợi nhuận ròng bền vững và có thể mở rộng kinh doanh.
Đặc biệt, những quy định mới được ban hành trong 2020 như Nghị định 148, Luật Xây dựng sửa đổi 2020 và Luật Đất đai sửa đổi sắp tới được kỳ vọng sẽ tháo gỡ được các nút thắt trong vấn đề phê duyệt các dự án nhà ở và rút ngắn thời gian cấp phép. Thị trường BĐS dự báo sôi động trở lại sau một thời gian ảm đạm và khó khăn sẽ là động thúc đẩy đà tăng giá của cổ phiếu.
Bên cạnh những tiềm năng, VNDirect cũng đưa ra những rủi ro đối với cổ phiếu bất động sản trong dài hạn.
Thứ nhất, dịch bệnh kéo dài có thể ảnh hưởng đến hoạt động quảng cáo và bán hàng.
Thứ hai, giá nhà đất tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt là tại khu vực ngoại thành, khiến gia tăng các mối lo ngại và có thể vượt khả năng của người mua nhà.
Thứ ba chi phí xây dựng có thể tăng cao trong 2021, đặc biệt giá thép đã tăng hơn 40%-45% so với cùng kỳ. Thép chiếm 12-15% tổng chi phí xây dựng (theo ước tính của các chuyên gia trong ngành), điều này sẽ kéo giá nhà tăng nếu giá vật liệu duy trì ở mức cao như hiện tại trong hai năm tới.
Thứ tư, đề xuất sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 1, điều 75 của Luật Đầu tư chưa được Quốc hội thông qua trong Kỳ họp bất thường lần thứ nhất vào đầu năm 2022. Theo đó, nếu dự án không có diện tích đất ở nào thì sẽ không thể triển khai nhà ở thương mại, khiến cho hàng trăm dự án sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp bị trì hoãn. Do đó, nút thắt này có thể sẽ bị kéo dài cho tới khi Luật Đất đai 2013 được sửa đổi.