VNHNO - Sau hai năm ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), hợp tác kinh tế thương mại giữa EAEU và Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, tăng cường trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực.
Quang cảnh hội thảo
Đó là nhận định của nhiều đại biểu tham dự cuộc Hội thảo với chủ đề “Hai năm thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu: Kết quả và triển vọng” do Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga và Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, đã phối hợp tổ chức ngày 19-10.
Dự Hội thảo về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại LB Nga Ngô Đức Mạnh, đại diện các phòng ban của Đại sứ quán, một số doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tại LB Nga, Hội người Việt Nam, Hội Doanh nghiệp Việt Nam, các nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học các chuyên ngành kinh tế tại LB Nga… Về phía bạn có hơn 60 đại biểu là các học giả, nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ các Bộ, ngành và cơ quan hữu quan như Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp, Bộ Phát triển kinh tế, Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, Ủy ban Kinh tế Á - Âu, Hội đồng Doanh nghiệp hợp tác với Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác kinh tế quốc tế, Ngân hàng Đầu tư quốc tế, Viện Kinh tế Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga…
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về thực trạng và triển vọng hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EAEU trong khuôn khổ thực hiện FTA trong hai năm qua, vai trò của FTA với sự phát triển hợp tác thương mại giữa Việt Nam với EAEU nói chung và với LB Nga nói riêng; những khó khăn và thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu.
Những kết quả tích cực sau hai năm ký kết
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Ngô Đức Mạnh điểm lại quá trình đi đến ký kết FTA giữa Việt Nam - EAEU. Chính thức có hiệu lực từ ngày 5-10-2016, Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh Kinh tế Á - Âu và Việt Nam là hiệp định đầu tiên EAEU ký kết với một đối tác quốc tế. Hiệp định này đã đánh bước ngoặt lớn trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Việt Nam.
Đại sứ nhấn mạnh với cơ cấu kinh tế, hàng hóa bổ sung cho nhau giữa các bên, Hiệp định này góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, tăng cường trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh phát biểu tại hội thảo
Hầu hết các tham luận tại hội thảo đều nhất trí cho rằng mặc dù hợp tác kinh tế thương mại giữa EAEU và Việt Nam nói chung, giữa LB Nga và Việt Nam nói riêng chưa có những bước đột phá lớn, nhưng đã đạt được những kết quả quan trọng. Sau hai năm thực hiện Hiệp định, kim ngạch thương mại song phương tăng đáng kể. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2016, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EAEU đạt 3,04 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2015. Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EAEU đạt 3,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với năm 2016. Trong đó, LB Nga chiếm hơn 90% tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU.
Trong tham luận của mình, bà Lê Thị Thanh Lý, Trưởng phòng Kinh tế, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, nhận định “FTA Việt Nam - EAEU là một văn kiện có ý nghĩa chiến lược, mở ra trang mới trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EAEU nói chung và với từng nước thành viên nói riêng”. Theo bà, qua hai năm thực hiện, giới chuyên gia có chung dự báo xu hướng tăng trưởng thương mại sẽ còn tiếp tục được duy trì trong những năm tiếp theo, đặc biệt là cùng với lộ trình cắt giảm nhiều dòng thuế về 0%. Như vậy có thể nói, việc cắt giảm thuế quan sâu rộng tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường của EAEU và ngược lại, kinh tế Việt Nam đã tăng tính cạnh tranh và không còn quá phụ thuộcvào một số thị trường truyền thống nhất định.
Phó Giáo sư A. Pylin, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga, cũng đồng ý với nhận định này và đánh giá “nhìn chung việc thực hiện FTA giữa EAEU và Việt Nam đã mang lại những kết quả tích cực cần ghi nhận, tạo sự khác biệt trong cán cân thương mại giữa các quốc gia tham gia hiệp định, trước hết là mối quan hệ kinh tế thương mại song phương giữa Việt Nam với Kazakhstan, LB Nga và Belarus”.
Những rào cản còn tồn tại
Tại hội thảo, các đại biểu cũng nêu rõ, mặc dù EAEU nói chung và LB Nga nói riêng mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại đầu tư với Việt Nam nhưng giữa hai bêncòn một sốtồn tại cản trở hợp tác kinh tế thương mại song phương.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga Vladimir Mazyrin nhận định: "Vấn đề thanh toán bằng đồng nội tệ, bởi việc thanh toán bằng đồng đô-la Mỹ gây khó khăn cho cả hai phía, nhất là trong bối cảnh Nga đang phải chịu áp lực trừng phạt cấm vận từ Phương Tây. Bên cạnh đó, vấn đề vận chuyển hàng hoá do vị trí địa lý xa xôi khiến chi phí tăng cao và chất lượng sản phẩm giảm sút. Ngoài ra, việc doanh nghiệp hai nước thiếu thông tin về chính sách đầu tư, kinh doanh, thị trường, cũng như chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ còn chưa được quan tâm đúng mức là những tồn tại từ lâu ảnh hưởng đến hiệu quả hợp tác song phương”.
Một thực tế khác cũng được nhắc tới trong hội thảo là doanh nghiệp Nga hiện quan tâm nhiều hơn đến thị trường phương Tây (như EU, Mỹ), trong khi ở châu Á mới chỉ hướng đến các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Ông Mazyrin cho rằng hai bên cần có các biện pháp giảm thuế, hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa, cần tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế quan mà Hiệp định mang lại,cải tiến hình thức thanh toán, tìm ra hình thức vận chuyển hàng hóa phù hợp, trong đó Việt Nam có thể tính đến việc đầu tư cùng Nga chế tạo và đóng mới các tàu phá băng để phát triển “con đường hàng hải phương Bắc.
Diễn ra ngay trước thềm kỳ họp lần thứ 21 Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam - LB Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật, hội thảo là cơ hội để giới chuyên môn đánh giá quá trình triển khai thực hiện Hiệp định trong hai năm qua, chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cũng nhưđề ra giải pháp, góp phần để Hiệp định thực sự mang lại lợi ích kinh tế - thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EAEU./.