VNHN - Không hiếm những trường hợp diễn viên, nhóm nhạc hay ca sĩ nổi tiếng nước ngoài đến Việt Nam được vài phen hoảng sợ, cộng đồng fan Quốc tế và cư dân mạng “nóng mắt” buông lời chỉ trích thậm chí là kêu gọi tẩy chay tổ chức show ở Việt Nam, bởi những động thái “cuồng” thần tượng quá mức của người hâm mộ.
Fan quá khích
Gần đây nhất, ngày 10.9, là vụ fan meeting - cuộc gặp với người hâm mộ - bị ngừng đột ngột - của nam diễn viên Hàn Quốc - Ji Chang Wook tiếp tục làm dậy sóng trước sự cuồng nhiệt thái quá của fan Việt. Dư luận không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy hình ảnh hàng nghìn fan đứng khắp một con đường chính của TP. Hồ Chí Minh để chờ đợi nam tài tử Ji Chang Wook dẫn đến việc mất kiểm soát an ninh. Cuộc gặp bị hủy vào phút chót vì lý do an toàn buộc phải áp dụng. Mặc dù tiếc nuối, Ji Chang Wook không thể xuất hiện giao lưu với fan như kế hoạch ban đầu. Anh hứa hẹn, sẽ trở lại Việt Nam vào một dịp thuận tiện khác, khi cuộc gặp gỡ được chuẩn bị tốt nhất có thể.
Còn nhớ, nhóm nhạc đình đám Super Junior đến Việt Nam năm 2011, có hơn 2.000 fan đã cuồng nhiệt tập trung tại sân bay đón thần tượng, nhưng thay vì tổ chức fan thật chuyên nghiệp để tạo không khí thân thiện của cộng đồng fandom Việt Nam thì lại thấy những hình ảnh quá khích quơ tay, lao vào chen chúc để có thể “sờ nắn” người thần tượng. Hành động được cho là thiếu văn minh này khiến nhóm Super Junior “một đi không hẹn ngày trở lại”. Nhóm nhạc TWICE vào năm 2017 đến Việt Nam để ghi hình cho một chương trình cũng đã được một phen hoảng sợ vì hành động bị nắm chặt cánh tay từ một fan tại sân bay, hay việc nhốn nháo truy đuổi thần tượng, khóc lóc vật vã khi không chụp hình được với thần tượng.
Ảnh fan cuồng.
Yêu thương là cùng bước tiếp
Chuyên gia tâm lý Phạm Thu Trang - người nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực tư vấn tâm lý, phát triển năng lực, đào tạo kỹ năng cho giới trẻ - đánh giá rằng, “fan cuồng” chưa hẳn là xấu mà họ chỉ đơn thuần mong muốn bày tỏ tình cảm trên mức bình thường đối với thần tượng. Một vài năm gần đây, nhiều “fan cuồng” đã biến tướng và có những hành động mất kiểm soát. Có thể bản thân họ nghĩ như thế mới là thể hiện sự yêu thương thần tượng, mà chưa hiểu điều đó sẽ gây cho thần tượng sự hoảng sợ về mặt tinh thần lẫn thể xác.
Đã đến lúc cần có một hành xử văn minh đúng mực đối với sự giao tiếp giữa người với người, giữa thần tượng và người hâm mộ. Cũng có không ít nhóm fan hoạt động khá tích cực và lành mạnh, thể hiện sự ủng hộ đối với thần tượng bằng việc kêu gọi cùng tham gia từ thiện, gây được ấn tượng tốt đến cộng đồng quốc tế. Ví dụ như fandom K-Pop của thành viên V - BTS tại Việt Nam đã quyên góp xây dựng trường học trên Điện Biên nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của thần tượng, hay cộng đồng fandom E.L.F Việt Nam (cộng đồng fan của nhóm Super Junior) đã tham gia dự án xây dựng trường học tại Châu Phi.
Hay không nói đâu xa, là cộng đồng fandom của nam ca sĩ Sơn Tùng MT-P cùng chung tay xây cầu từ thiện tại Kiên Giang, cộng đồng fandom của nữ ca sĩ Mỹ Tâm hỗ trợ thần tượng làm ra những chiếc nón lá để tặng cho người dân miền Tây. Đây đều là những hành động đẹp trái ngược với mọi hành động xấu xí thường có, bởi yêu thương là để cùng nhau ủng hộ và đưa fandom của thần tượng ngày một chuyên nghiệp hơn, điều này có lẽ còn giá trị hơn tất cả mọi thứ khác.