30/11/2024 lúc 14:30 (GMT+7)
Breaking News

EVFTA - “mắt xích” liên kết kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế lớn

VNHN - Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới; góp phần đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng liên kết kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới.

VNHN - Theo các chuyên gia kinh tế, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới; góp phần đưa Việt Nam trở thành một “mắt xích” quan trọng liên kết kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế hàng đầu trên thế giới.

Ngày 12/2/2020, Nghị viện châu Âu chính thức thông qua EVFTA. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, tác động cộng hưởng của Hiệp định này là rất lớn, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế, đổi mới của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, giúp các DN, các nhà đầu tư của các nước, của Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ tại các thị trường lớn trên thế giới. Liên minh châu Âu (EU) hiện là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu.

Trong những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2019, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng hơn 13,7 lần (từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019); trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,8 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD) và nhập khẩu vào Việt Nam từ EU tăng hơn 11,4 lần ( từ 1,3 tỷ USD lên 14,90 tỷ USD). Năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt trên 56,45 tỷ USD, tăng 1,11% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài hưởng lợi về xuất, nhập khẩu, Việt Nam còn có cơ hội lớn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài từ các nước trong khối EU.

Trong giai đoạn 10 đến 15 năm tới, với việc được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại ưu đãi hơn từ EVFTA, các DN Việt Nam sẽ có lợi thế hơn hẳn so với các nước ASEAN khi tiếp cận thị trường EU. Ảnh: Internet

Năm 2019, EU có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) từ 27/28 quốc gia thuộc EU) còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD) chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước. Trong đó, Hà Lan đứng đầu với 344 dự án và 10,05 tỷ USD, chiếm 39,43% tổng vốn đầu tư của EU tại Việt Nam (tăng 26 dự án và 692,76 triệu USD vốn đầu tư). Vương quốc Anh đứng thứ 2 với 380 dự án và 3,72 tỷ USD tổng vốn đầu tư, chiếm 14,58% tổng vốn đầu tư (tăng 29 dự án và 210,10 triệu USD vốn đầu tư).

Pháp đứng thứ 3 với 563 dự án và tổng vốn đầu tư 3,60 tỷ USD, chiếm 14,13% tổng vốn đầu tư (tăng 23 dự án nhưng giảm 72,07 triệu USD vốn đầu tư). Đặc biệt, khi thực thi EVFTA các ngành Thủy sản, Dệt may, Da giày - túi xách... sẽ được cắt giảm thuế tới gần 90%, trong đó có những dòng thuế được xóa bỏ hoàn toàn. Thủy sản là một trong những ngành tiềm năng và chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA. Mặt hàng thuỷ sản từ mức thuế vào khoảng 35% sẽ giảm về 0%.

Đây sẽ là lợi thế lớn cho ngành Thủy sản Việt Nam vươn lên phát triển và cạnh tranh với sản phẩm của các nước khác. ThS. Nguyễn Thị Minh Ngọc - Viện Hợp tác quốc tế (Đại học Thương mại) nhận định, trong giai đoạn 10 đến 15 năm tới, với việc được hưởng mức thuế nhập khẩu thấp hơn, các cơ chế tạo thuận lợi thương mại ưu đãi hơn từ EVFTA, các DN Việt Nam sẽ có lợi thế hơn hẳn so với các nước ASEAN khi tiếp cận thị trường EU. DN Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU.

Đặc biệt, sẽ có nhiều cơ hội được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó giúp nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình. Về xuất khẩu, hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn khiêm tốn. Các chuyên gia kinh tế dự báo, các ngành sẽ được hưởng lợi nhiều từ EVFTA là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà EU vẫn đang duy trì mức thuế quan cao như: dệt may, giày dép, nông sản.

Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2019 là Hà Lan (6,88 tỷ USD), Đức (6,56 tỷ USD), Pháp (3,76 tỷ USD), Italia (3,44 tỷ USD), Tây Ban Nha (2,72 tỷ USD), Bỉ (2,55 tỷ USD)... Về nhập khẩu, Việt Nam là một nền kinh tế tăng trưởng nhanh với hơn 90 triệu dân, tầng lớp trung lưu đang gia tăng và có lực lượng lao động trẻ năng động. Dự báo, EVFTA sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong những thị trường ô tô phát triển nhanh nhất trong khu vực ASEAN trong 20 năm tiếp theo. Theo đánh giá của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), việc thực thi và tác động của Hiệp định này sẽ đem đến những thay đổi vượt bậc về xuất nhập khẩu giữa EU và Việt Nam.